.

Hạnh phúc tình người

.

Cứ mỗi dịp kết thúc năm học, Trung tâm (TT) Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) lại làm Lễ trưởng thành, tiễn các em tròn 18 tuổi trở về với gia đình và xúc tiến chương trình đón nhận các em mới. Rời khỏi nơi này, bao nhiêu bạn trẻ đã giữ sâu trong tâm khảm tấm lòng của những người đã dày công dưỡng dục mình. Đấy chính là niềm hạnh phúc của những ai đã từng gắn bó với TT, dù lâu dài hay ngắn ngủi.

Chị Xuân (trái) dặn dò các cháu tại Lễ trưởng thành.
Chị Xuân (trái) dặn dò các cháu tại Lễ trưởng thành.

Chị Nguyễn Thị Xuân cũng đã nhận được niềm hạnh phúc như thế. Ở tổ 21 phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), năm 2008, sau khi về hưu, chị đã tự nguyện gắn bó với công việc chăm sóc trẻ em ở TT. Tấm lòng thương yêu trẻ và sự tận tâm yêu nghề của chị đã được đồng nghiệp hết sức tin yêu, mến phục. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã được bổ nhiệm làm Giám đốc TT. Và chị biết rằng, trên cương vị đó, sự nhiệt tình, năng nổ, tâm huyết nuôi dạy chăm sóc trẻ lại càng phải tăng thêm gấp bội.

Để tuổi thơ biết học hành

Một lần nào đó đến TT, nhìn những đứa trẻ nơi đây được chơi cờ vua, cờ tướng, bóng bàn, cầu lông và các trò chơi dân gian; hay mỗi dịp nghỉ hè hoặc nghỉ lễ nhiều ngày, bắt gặp đâu đó, hình ảnh chị Xuân cùng TT tổ chức cho các em đi tham quan, dã ngoại, thật khó mà hình dung được, trước kia, các em đã có một tuổi thơ thiếu thốn trăm bề.

Cứ mỗi dịp kết thúc năm học, TT lại làm Lễ trưởng thành, tiễn các em tròn 18 tuổi trở về với gia đình và xúc tiến chương trình đón nhận những trẻ mới (từ 4 tuổi trở lên, mồ côi cha mẹ, hoặc mồ côi cha hoặc mẹ và có hoàn cảnh khó khăn). Từ đơn đề nghị của gia đình và chính quyền địa phương ở nhiều nơi gửi đến, chị Xuân trực tiếp đi xác minh từng hồ sơ.

Giờ, chị vẫn còn nhớ như in một ngày giữa trưa tháng 6-2010, dưới cái nắng như đổ lửa, chị tìm đến một xóm nhỏ heo hút ở xã Bình Phú (Thăng Bình - Quảng Nam). Bước vào nhà của hai em Trần Thị Nguyệt (11 tuổi) và em là Trần Văn Tuấn (8 tuổi), chị không sao cầm được nước mắt trước cảnh một người đàn ông gầy guộc đang chăm người cha già  mù lòa, đau ốm. Người đàn ông gầy guộc là bố của hai đứa trẻ, mẹ thì bị bệnh đãng trí, đã bỏ đi khỏi nhà. Chị chỉ biết ôm Nguyệt, Tuấn vào lòng: “Các con sẽ ra Đà Nẵng… ”.

Rồi rất nhiều cảnh ngộ thương tâm khác mà chị từng khảo sát. Như hai anh em Đinh Văn Lợi và Đinh Văn Lộc, người dân tộc Cơtu, ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (Hòa Vang - Đà Nẵng), cha chết vì tai nạn giao thông, mẹ chết do bị cây ngã đè. Hay em Nguyễn Thị Ngọc Minh ở xã Hòa Nhơn, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 con nhỏ... Tất cả những hoàn cảnh này, sau khi đã khảo sát, chị đã khẩn trương làm mọi thủ tục đón các em về TT, lo kịp chuyện  học hành.

Chị Xuân luôn tham gia sản xuất nấm bào ngư cải thiện bữa ăn cho trẻ.
Chị Xuân luôn tham gia sản xuất nấm bào ngư cải thiện bữa ăn cho trẻ.

Đến nay, Nguyệt đã lên lớp 7 tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh,  Tuấn vừa học hết lớp 3 ở Trường tiểu học Lê Văn Hiến. Năm học vừa qua, cả hai em đều được nhà trường khen thưởng. Với hai anh em Lợi và Lộc, chị Xuân thường xuyên gần gũi, động viên, đồng thời tổ chức dạy phụ đạo, phân công bạn học giỏi giúp đỡ. Hiện Lợi đã tốt nghiệp THCS, Lộc đạt học sinh tiên tiến năm lớp 8... Với Ngọc Minh, chị Xuân trực tiếp đưa cháu đến gặp Ban Giám hiệu Trường tiểu học Lê Văn Hiến để xin cho cháu vào học lớp 5, đồng thời cùng các đồng sự tận tình kèm cặp em Ngọc Minh trong từng môn. Năm học vừa qua, Minh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi (lớp 7).

Bao nhiêu năm qua, không biết kể sao cho hết bao nhiêu đứa trẻ ở TT đã được mở ra một cơ hội học hành. Phong trào“Thi đua học giỏi-Giúp nhau học tốt” mà TT phát động đã  có tác dụng biểu dương, khích lệ làm cho các cháu học giỏi càng học giỏi hơn và các cháu học yếu thì nỗ lực vươn lên trong sự quan tâm giúp đỡ của các bạn học giỏi. Năm học 2010-2011, TT có gần 70% học sinh khá, giỏi; năm học 2011-2012, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 90%; nhiều em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của các trường. Trong đó, em Ngô Thị Hoài Thương, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, đã đạt giải nhì tại kỳ thi chọn học sinh giỏi Văn cấp thành phố năm học 2010-2011.

Biết yêu lao động

Sớm chiều, chị Xuân vẫn xắn tay cùng các nhân viên TT chăm sóc, nuôi dạy các cháu. Từ việc bế ẵm, dỗ dành những cháu nhỏ đến khuyên nhủ những cháu lớn trong từng lời nói, việc làm; từ  việc xuống bếp phụ giúp chế biến món ăn với các cấp dưỡng, đến việc ra vườn kéo vòi tưới rau, tưới nấm, dội rửa chuồng heo… Ở đâu cũng có bóng hình của chị. Tới bữa cơm, chị cùng ngồi ăn chung bàn với các cháu để vừa chuyện trò, vừa gần gũi với các em.

Ngay trong khuôn viên TT, cơ sở sản xuất nấm bào ngư do TT gây dựng được mở rộng dần quy mô sản xuất, ngày nào cũng có thu hoạch, vừa chế biến được nhiều món ăn ngon, vừa tìm nguồn tiêu thụ để có thêm kinh phí mua thêm các loại thực phẩm khác cho trẻ. Chị Xuân còn vận động anh chị em toàn TT tổ chức nuôi heo, trồng rau, trồng cây ăn quả…, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan, bóng mát và môi trường xanh-sạch-đẹp. “Ngoài mục đích cải thiện bữa ăn cho các cháu, việc tăng gia sản xuất còn giúp các cháu có ý thức lao động, biết quý trọng công sức người lao động”, chị Xuân chia sẻ.

Trẻ em ở TT Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai được đi học miễn phí ở các trường trong thành phố Đà Nẵng, cháu nào thi đỗ đại học, cao đẳng được tiếp tục nuôi dưỡng, bảo trợ chi phí học tập cho đến khi tốt nghiệp. TT còn tạo điều kiện cho các cháu học nghề để lớn lên có thể tìm được phương kế mưu sinh.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.