.

Hậu duệ Ông Ích Khiêm ở Huế

Ông Ích Khiêm hiệu là Mục Chi (1831-1884)(*), sinh tại làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng trong gia đình lễ giáo, có truyền thống hiếu học. Ông đã từng cầm quân đánh trả giặc Pháp, tham gia chỉ huy xây dựng đồn lũy ở Mang Cá và Thuận An (Thừa Thiên-Huế). Đồng thời, ông đã từng chống Pháp bảo vệ thành phố Đà Nẵng dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

Ông Ích Thiện, Ông Ích Hoắc, Ông Tán Nhì đều là những người con yêu nước của Ông Ích Khiêm. Cháu nội của ông sau này là Ông Ích Đường có tinh thần yêu nước, đấu tranh trong phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908, sau đó bị kết án tử hình tại Quảng Nam. Trên ngôi mộ của Ông Ích Khiêm còn lại bia đá lưu danh một người có công đánh đuổi quân giặc. Tinh thần yêu nước của ông thật cao cả, là tấm gương sáng mãi với hậu thế.

Một ngày cuối tháng 5-2012, khi đi đón vợ tại chợ Đông Ba, tôi tình cờ thấy một người đạp xích lô đang chờ khách trước cổng chợ; sau xe của anh ghi số, ký hiệu và tên là Ông Ích Nam. Tôi hơi bất ngờ và ngạc nhiên. Là người có biết chút ít về lịch sử nước nhà, tôi tò mò, lân la đến bên anh và hỏi: “Anh có bà con gì với Ông Ích Khiêm không, người nổi tiếng chống giặc Pháp dưới triều Nguyễn đó mà?”. Anh vui vẻ trả lời: “Có đó anh à!”. Tôi liền xin số điện thoại, địa chỉ nhà anh và hẹn sẽ đến tận nơi tìm hiểu.

Nhà anh ở đường Cửa Trài thuộc tổ 11, khu vực I, phường Phú Bình, TP. Huế. Đó là một xóm lao động nghèo, nằm sát chân hoàng thành Huế, nhà anh được cất nhỏ nhoi, tạm bợ bên một cái hồ nước bốc mùi hôi nồng nặc.

Anh kể, bố anh là Ông Ích Sô gọi Ông Ích Đường bằng ông nội, có nghĩa anh là cháu bốn đời gọi Ông Ích Khiêm bằng cố tổ. Bố anh người Quảng Nam đi lính ở Huế (đã tử trận), lấy mẹ anh là bà Phan Thị Lách làm vợ lẽ, năm nay 63 tuổi hiện ở gần kề nhà anh.

Hiện anh có 2 cháu trai 12 tuổi và 6 tuổi đang đi học; vợ anh, chị Trần Thị Hoa, 31 tuổi, làm nghề phụ bán cơm bụi, kiếm được chừng 30.000 đồng/ngày. Anh đạp xích lô ngày kiếm được 50.000 - 70.000 đồng.  Hằng năm, cứ đến ngày 12-12 âm lịch, anh vào Đà Nẵng (ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) dự đám giỗ của Ông Ích Khiêm, điều đó trở thành quy định bất di bất dịch của dòng tộc. Hỏi thêm chuyện thì biết anh cũng rất mù mờ về gia phả dòng tộc.

Anh chỉ mới qua lớp bình dân học vụ, còn vợ anh vẫn đang mù chữ. Ngày xưa anh ở xóm vạn đò đường Huỳnh Thúc Kháng thuộc phường Phú Hòa và lên bờ định cư ở đây từ năm 1987. Khi còn ở đò theo con cá, con tôm không khá nổi, đến khi lên bờ rồi đời sống vẫn cực nhọc. Nhưng vợ chồng anh vẫn luôn cố gắng làm lụng và chắt chiu để 2 cháu không phải bỏ học.

Qua sự chỉ dẫn của anh, tôi gọi vào máy di động của anh Lưu Kim Hường ở phường Hòa Thọ Đông để tìm hiểu, vì mẹ của anh Hường và bố của anh Nam là hai chị em ruột. Từ đây, tôi mới biết hậu duệ của Ông Ích Khiêm ở Huế hiện chỉ còn anh Nam và em gái ruột tên Ông Thị Phương mà thôi. Nguyện vọng lớn nhất của anh là cần vốn vay để làm ăn, để vợ bớt bấp bênh trong công việc, và lo cho con được học hành đến nơi đến chốn.

Chia tay gia đình anh, trong lòng tôi gợn lên một cái gì đó không thể tả nổi. Ở Huế có con đường mang tên Ông Ích Khiêm bên trong hoàng thành, kéo dài từ cửa Thượng Tứ đến cửa Ngăn, cửa Quảng Đức; thế mà hậu duệ của ông sống quá vất vả và không hề biết tổ tông của mình đã cống hiến cho lịch sử oanh liệt của dân tộc như thế nào. Tôi hứa sẽ gửi cho anh Nam một số tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Ông Ích Khiêm nhằm để anh tự hào về dòng tộc vẻ vang của mình và giáo dục truyền thống quý báu ấy cho con cháu sau này.

NGUYỄN VŨ ANH

(Phó Ban Tuyên giáo - Xã hội - Hội Nông dân Thừa Thiên-Huế)

(*) Năm sinh, năm mất của Ông Ích Khiêm hiện chưa thống nhất, theo Nguyễn Khắc Thuần trong Lần giở trước đèn (NXB Thanh niên, 2003, tr. 228) và Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam (tr. 724), Ông Ích Khiêm sinh năm 1831, mất năm 1884.
 

;
.
.
.
.
.