.
Hồ sơ tên đường

Phạm Nhữ Tăng vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức

.

Phạm Nhữ Tăng có công mở mang bờ cõi, là một trong những vị tiền hiền khai sinh vùng đất Quảng Nam rộng lớn ngày trước.

Đường Phạm Nhữ Tăng trên địa bàn phường Hòa Khê, quận Thanh Khê.
Đường Phạm Nhữ Tăng trên địa bàn phường Hòa Khê, quận Thanh Khê.

Phạm Nhữ Tăng (1422 - 1478) thuộc dòng dõi danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) - người từng góp phần hai lần đánh bại quân Nguyên Mông. Từ đầu thế kỷ XV, người họ Phạm từ phía Bắc vào định cư ở đất Thăng Hoa (Quảng Nam ngày nay). Phạm Nhữ Tăng là con trai của Phạm Nhữ Dự - người có công giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, được phong Cáo Thọ Tập Phước hầu, lệnh lưu trấn Thăng Hoa phủ.

Vào năm Đại Hòa thứ ba (1445) triều vua Lê Nhân Tông, Phạm Nhữ Tăng thi đỗ đệ nhị Điện hoằng Từ khoa, được phong làm Thái bảo, kiêm Tri quân Dân chính Sự vụ. Đến năm vua Quang Thuận thứ bảy (1466) triều vua Lê Thánh Tông, ông được ban sắc phong làm Phụ chánh Tham tướng phủ, Quảng Dương hầu, Bình chương Quân quốc Trọng sự.

Mùa xuân năm Hồng Đức thứ hai (1471), vua Lê Thánh Tông hạ chiếu bình Chiêm, sắc phong ông làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn Tiên phong; Thự Đỗng Nhung làm Chưởng Thập đạo Tinh binh Tiết chế Thủy Lục quân. Ông dẫn đạo tiền phong, phát pháo xuất quân, mở cửa thành, thượng đại kỳ thêu bốn chữ “Bình Chiêm hưng quốc”. Vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh theo sau.

Đại binh hơn 20 vạn người, vào đến Thuận Hóa, dừng lại luyện tập rồi mới tiến quân vào Chiêm Động (Thăng Bình, Quảng Nam ngày nay), và Cổ Lũy (Quảng Ngãi ngày nay). Đại binh tiến vào cửa Sri Banoy (Thị Nại), vây hạ thành Vijaya (Đồ Bàn, sau đổi thành Bình Định), bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Tướng Chiêm Thành là Bồ Trì Trì chạy vào PanduRanga (Phan Rang ngày nay) xưng Chúa, và dâng sớ lên triều đình ta, xin cống hiến. Lấy xong thành Đồ Bàn, vua hạ lệnh tiếp tục di dân từ Thanh, Nghệ Tĩnh vào Nam cho đến sông Phan Rang.

Sau khi chiếm được thành Đồ Bàn, vua cho thành lập thừa tuyên Quảng Nam kéo dài từ đèo Hải Vân vào đến Thạch Bi Sơn (còn gọi là núi Đá Bia, ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay). Ông được vua Lê Thánh Tông cử “lưu trấn”, cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt, với chức Quảng Nam Đô thống phủ. Ông tập trung cho việc phát triển phủ Thăng Hoa, cho lập địa bạ (sổ ruộng đất) ở Ngũ Hương gồm 5 làng: Hương Quế, Hương Lộc, Hương An, Hương Yên và Hương Lư (nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Lưu trấn ở Đồ Bàn được hơn 6 năm thì ông bị bệnh. Theo gia phả giòng họ Phạm làng Quế Hương, khi hay tin ông bị bệnh, vua đã cho Thái y đến nơi chăm lo thuốc thang, nhưng không qua khỏi. Ông mất ngày 21 tháng 2 đời Hồng Đức thứ tám (1478).

Tin dữ báo về triều, vua Thánh Tông lấy làm thương tiếc, bèn hạ chiếu rằng: “Khanh là người có công mở mang bờ cõi, phục vụ ba triều, đã vì triều đình coi trọng, vì đất nước an nguy, song khanh số sống đã tận, sức cùng không chữa được, thọ bệnh mà chết. Ta đây lòng không yên. Khanh khi sống vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức. Ta đối với khanh rất nặng tình, sáu năm yêu nước mến vua, nếm mật nằm gai, con cháu ngày sau thừa hưởng”.

Di hài ông được an táng tại Trường Xà thành, cách thành Đồ Bàn chừng 6km về phía tây. Sáu tháng sau, vua cho dời hài cốt ông về làng Hương Quế, nơi quy tụ của dòng họ Phạm từ nhiều đời, cho xây lăng mộ và cấp tự điền cho xã dân lo việc phụng tự. Vua ban sắc gia phong ông là Hoằng Túc Trợ Võ Oai, Đặc tấn Phụ quốc, Quảng Dương hầu, Phạm quý công Đại phu.

Lăng mộ ông vẫn còn ở làng Hương Quế với câu đối do vua Thánh Tông ban tặng: Nghĩa sĩ uẩn cơ mưu, hiệp lực nhất tâm bình Chiêm quốc/ Miếu đài khai tráng lệ, hương hồn thiên cổ hiển Nam bang. (Nghĩa sĩ đủ cơ mưu, chí cả một lòng bình Chiêm quốc/ Miếu đài xây tráng lệ, hồn thiêng muôn thuở rạng Nam bang).

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1.300m, rộng 7,5m, từ đường Điện Biên Phủ đến đường Hà Huy Tập, theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa 6, ngày 12-1-2001 về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

 

;
.
.
.
.
.