Tên tuổi nhà yêu nước Trần Văn Dư (1839 - 1885) gắn liền với Nghĩa hội Quảng Nam trong phong trào Cần vương ở nước ta.
Trần Văn Dư (còn có tên là Trần Dư) tự Hoán Nhược, người làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình; nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, ông hiếu học và thông minh; 19 tuổi đỗ tú tài, 27 tuổi đỗ cử nhân (1868), 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, cùng khoa với Hoàng giáp Phạm Như Xương, người cùng tỉnh.
Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ chức Hàn lâm viện tu soạn, năm sau (1876) được cử làm Tri phủ Ninh Giang. Năm 1879, triều đình điều động ông làm Tri phủ Quảng Oai (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Ở đây, ông bí mật liên lạc với các sĩ phu yêu nước, hợp tác với lực lượng của Hoàng Kế Viêm cùng mưu việc đánh Pháp.
Năm 1880, ông được triệu về kinh đô làm Hàn lâm viện Thị độc sung chức Giảng tập Dục Đức đường, rồi Tán thiện Chánh Mông đường, dạy các hoàng tử Ung Chân (sau này là vua Dục Đức) và Ưng Kỵ (sau này là vua Đồng Khánh).
Năm 1883, ông giữ chức Án sát sứ tỉnh Hà Tĩnh, sau đó đổi làm Hồng lô Tự khanh Biện lý Bộ Lại, sung chức Tham biện Thương bạc sự vụ.
Cuối năm 1884, ông giữ chức Chánh Sơn phòng sứ Quảng Nam. Đây chính là một bước ngoặt mang tính quyết định trong cuộc đời của nhà yêu nước. Việc đầu tiên của ông là tâu xin triều đình cho tu sửa sơn phòng, tích trữ muối, gạo để “củng cố thế lực phía Tả kỳ được mạnh lên”.
Tháng 5 năm Ất Dậu (1885), cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế thất bại, Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương.
Lúc đó, Pháp đưa Đồng Khánh lên thay. Nam triều và Pháp nhận thấy việc cử Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là điều bất lợi cho xu thế “hợp tác” giữa hai bên nên đã ra dụ hoán đổi ông vào làm Bố chánh Bình Thuận, và cử Phó bảng Nguyễn Đình Tựu đang giữ chức ấy ra thay. Ông đã khước từ không nhận triều chỉ, nhưng vẫn bàn giao chức vụ theo chỉ dụ, rồi bỏ về không hợp tác với chính quyền.
Hưởng ứng phong trào Cần vương, ông cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành... thành lập Nghĩa hội Quảng Nam do ông làm Hội chủ. Tháng 7 năm Ất Dậu (1885), ông thay mặt Nghĩa hội ra Cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên chống Pháp. Hai tháng sau, ông cùng các đồng chí chia quân ra làm nhiều cánh cùng tiến đánh thành tỉnh Quảng Nam đóng ở La Qua (còn gọi là La Thành), buộc các quan bố chánh, tuần phủ, án sát trong thành phải dẫn quân rút chạy.
20 ngày sau, quân thủy bộ của Pháp cùng quân Nam triều mở cuộc tấn công tái chiếm La Thành. Trước lực lượng quân đông, vũ khí tối tân của đối phương, ông quyết định rút quân về căn cứ Sơn phòng Dương Yên thuộc miền cao của phủ Tam Kỳ. Liên quân tiếp tục truy kích, đến tháng 10 năm 1885, các căn cứ của Nghĩa hội ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ, Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng... lần lượt bị thất thủ.
Trước tình thế nguy ngập đó, bộ chỉ huy Nghĩa hội bàn nhau chọn kế “giải binh quy điền” để bảo toàn lực lượng. Tháng 12 năm 1885, ông giao chức Hội chủ cho Nguyễn Duy Hiệu rồi thân hành ra kinh để gặp vua Đồng Khánh, với tư cách thầy cũ của vua để thương lượng, nhằm tìm một giải pháp cứu vãn tình thế.
Không ngờ, khi ông vừa đến thành La Qua, thì tuần vũ Châu Đình Kế (từng đứng trong hàng ngũ chống Pháp và theo Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, sau đó đã trở mặt), bắt giữ ông xem như tướng giặc. Bị ông mắng là cam tâm làm tay sai cho giặc, Kế đã mượn tay quân Pháp giết chết ông tại góc thành La Qua ngày 13 tháng 12 năm 1885.
Thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên người thủ lĩnh của Nghĩa hội Quảng Nam cho con đường dài 720m, rộng 7,5m, điểm đầu giao với đường Ngũ Hành Sơn, điểm cuối giao với đường Trường Sa (ảnh), theo Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐND ngày 19-7-2000 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC