.

Hoàng Sa, Trường Sa - nơi đầu sóng!

Làng tôi là một vùng đất thuộc hạ lưu con sông Thu Bồn nổi tiếng, nơi đó tiếp giáp biển Đông bởi cửa Đại hay còn gọi là cửa Đợi. Phải chăng, vì nơi đây những thiếu phụ đang đợi chồng, con trong những tháng ngày lênh đênh trên mặt biển cả, trong những điều kiện thiên tai, địch họa quá khắt khe để kiếm sống hay đang bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Những dịp hè, tôi theo thuyền đánh cá ra biển chơi là chính, kéo lưới chỉ là phụ giúp gỡ cá ra khỏi lưới cho những ngư dân vạm vỡ như những chú sói biển. Nhưng tôi cũng chỉ đến được đảo Cù Lao Chàm mà thôi. Tuy chỉ mới đến đây mà biển trời non nước đã ngút ngát tầm nhìn một màu xanh thẫm. Nhìn bản đồ Việt Nam, tôi thấy Trường Sa, Hoàng Sa xa tít tắp. Nơi đó, những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đang kiêu hãnh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Có ở trên biển mới thấy đất nước mình không phải là nhỏ, không chỉ là hình cong như chữ S, mà mênh mang, mà rộng lớn vô cùng…

Ở đây, qua quá trình lịch sử, chúng ta nhận thức được một truyền thống vô cùng quý báu mà tổ tiên ta đã dạy từ bài học lịch sử đầu tiên. Phải chăng, từ câu chuyện truyền thuyết “Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ”, Cha mang 50 người con xuống biển, Mẹ mang 50 người con lên núi mà cụm từ “núi sông-bờ cõi” thường gắn bó với nhau. Đó là, chiến lược xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc: Đất liền và biển đảo đều có giá trị thiêng liêng, chúng ta phải ra sức gìn giữ từng tấc đất trên bờ hay dưới nước, từng khoảng trời, mặt biển… mà tổ tiên ta đã dày công vun bồi. Bài học này lại càng có giá trị và mang tính thời sự khi mà biển Đông đang dậy sóng từng ngày. Quân thù đã và đang lăm le xâm chiếm biển đảo quê hương, chiếm đi những nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tổ quốc ta.

Hoàng Sa, Trường Sa ơi! Tôi chưa một lần đặt chân đến quần đảo Hoàng Sa với những cái tên: Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ánh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn, Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá; ở quần đảo Trường Sa với những cái tên:  Ba Bình, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Đá Hoa Lau, Thị Tứ, Đảo Dừa… Ôi! những cái tên nghe sao mà thân thương quá! Nghe như đã thấm vào máu thịt ngàn đời của cha ông để lại. Hơn bao giờ hết, tôi lại nghĩ đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo, về cuộc sống của họ trên những nhà giàn đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển biên cương. Tôi chưa từng đến Hoàng Sa, Trường Sa mà sao thấy nhớ thương, xao xuyến và ước ao được một lần viếng thăm nơi “đầu sóng ngọn gió” này, để được tận mắt ngắm nhìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, để được sẻ chia dù chỉ là một phần rất, rất nhỏ những gian truân, vất vả của người lính đảo, được cùng các anh chong mắt giữ gìn biển đảo của quê hương, dẫu chỉ một lần. Các anh tiếp tục đi trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại trong lịch sử, là biểu trưng cho ý chí và sự sáng tạo của Việt Nam. Con đường ấy là niềm tự hào, nguồn cổ vũ và động viên lớn lao không chỉ của những chiến sĩ trên những “con tàu không số” mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Nó đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử: Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Không chỉ riêng tôi, hầu như mọi người Việt Nam và nhất là tuổi trẻ lòng tràn đầy nhiệt huyết, tình cảm chân thành đó được gửi gắm trong từng viên đá, từng lá thư đầy ắp ân tình, những lời ca, điệu múa… chuyển đến Trường Sa. Mạch ngầm của tình yêu biển đảo được khơi lên thành những con sóng dữ xông pha, sẵn sàng nhấn chìm những kẻ xâm lược, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Nơi “đầu sóng ngọn gió”, các anh là những chứng nhân cho chủ quyền đất nước, những con “mắt Trời” rạng ngời giữa vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, làm nên mùa Xuân cho dân tộc Việt.

HUỲNH VIẾT TƯ

;
.
.
.
.
.