Từ hơn 20 năm trước, ngay thời gian đầu khởi công xây dựng, Nhà thiếu nhi Đà Nẵng đã là một địa chỉ đầy hấp dẫn thu hút đông đảo thiếu nhi toàn thành phố tập trung về vui chơi, sinh hoạt, học tập. Ngoài những lớp học năng khiếu, các Câu lạc bộ (CLB) như: CLB chỉ huy (hay còn gọi là CLB Nghi thức), CLB Y học, CLB Văn học, CLB Điện ảnh, CLB Hữu nghị, CLB Tập hát… vẫn thường xuyên góp mặt dưới những hàng cây xanh rợp mát, với nhiều nội dung phong phú, sôi nổi.
Tác giả (người thứ 4, hàng đầu, từ phải qua) và CLB Nghi thức Nhà thiếu nhi Đà Nẵng tại khuôn viên UBND thành phố Đà Nẵng. Nguyên Thy (người thứ 1, từ trái qua, hàng đầu). |
Thời điểm ấy, tôi là cán bộ Nhà thiếu nhi chủ yếu lo công việc xây dựng tờ báo Vàng Anh, chứ không chuyên trách các CLB, nhưng thỉnh thoảng, do yêu cầu đột xuất, có lúc tôi cũng trực tiếp gắn bó cùng các em trong những tháng hè sôi động.
Hồi năm ngoái, có lần đang đứng giữa chỗ đông người, bỗng một gã thanh niên to lớn chạy đến chào tôi vồn vã: “Anh còn nhớ em không? Em là Quốc, “lính” của anh đây. Hồi nhỏ em đánh trống ở CLB nghi thức Nhà thiếu nhi đó!”. Tôi nhìn gã, không thể nào hình dung được gương mặt này ra sao khi còn là một thiếu niên sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi Đà Nẵng vào thời điểm tôi đã từng gắn bó, cách đây hơn 20 năm trước.
Nhiều lần sau đó, tôi lại gặp Quốc giờ đây trong vai trò Giám đốc Plaza Vĩnh Trung, thỉnh thoảng đại diện cho đơn vị tài trợ một số hoạt động văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Để rồi, cuối cùng, khi tình cờ gặp lại một bức ảnh trong xấp tài liệu cũ, tôi mới thực sự nhận ra: Quốc tên thật Huỳnh Tấn Quốc, hồi ấy là tay trống chủ lực của CLB nghi thức Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, đồng thời cũng là một đội viên lanh lẹ, hiếu động, nhanh như sóc trong mọi hoạt động. Trong bức ảnh, tôi chụp chung cùng đội hình CLB nghi thức tại khuôn viên UBND thành phố Đà Nẵng vào khoảng mùa hè 1987-1988, Quốc là người đứng ở vị trí thứ 7 (hàng đứng, từ phải qua).
Điều đáng nói hơn nữa, trở lại hồi ức bên cạnh những gương mặt hồn nhiên, trong sáng một thời từ bức ảnh khá xa xưa, tôi không chỉ nhận ra mình Quốc, mà còn có những nhân vật thú vị khác.
Cụ thể, đó là cậu bé có tên Duy Hòa, người ở vị trí đầu tiên (hàng ngồi, từ phải qua). Lần đầu, tôi thật ấn tượng về Hòa, đó là một buổi sinh hoạt trại hè ở bãi biển Bắc Mỹ An. Lúc ấy, với mục đích đùa nghịch một cách tự nhiên, Hòa dẫn một nhóm hóa trang bước ra sân bãi. Bằng giọng Bắc rất chuẩn y hệt một MC chuyên nghiệp, Hòa giới thiệu sôi nổi lưu loát trong nhiều phút liền như có sẵn một kịch bản về một cuộc thi hoa hậu quốc tế. Chính vì vậy, nhiều năm sau gặp lại, tôi không ngạc nhiên khi Duy Hòa trở thành biên tập viên của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, và là một trong những MC chủ lực điều hành các sự kiện lớn diễn ra tại miền Trung. Giờ đây, thỉnh thoảng trong những lần hội ngộ, Hòa vẫn nhắc lại những kỷ niệm không thể phai mờ dưới “ngôi nhà tuổi thơ”.
Nguyên Thy, một cô gái có gương mặt sáng rỡ, xinh xắn như búp bê. Hồi đó, dường như ngoài CLB nghi thức, Thy còn sinh hoạt cả các CLB Văn học, CLB Hữu nghị… Bởi vậy, có nhiều lần Thy hay ở lại sau cùng, phải nhờ tôi chở trên chiếc xe đạp cọc cạch về một ngôi nhà nào đó trên đường Hoàng Diệu…
Khoảng hai năm trước, tình cờ gặp lại, Thy cho tôi biết, em đang giảng dạy tiếng Pháp tại Đại học Đà Nẵng. Em đã học xong Thạc sĩ và đang theo đuổi chương trình học tập cao hơn. Nhận được bức ảnh về kỷ niệm về một mùa hạ cũ chuyển đến qua email, Thy hồi đáp nói rằng: “Nhìn lại tấm hình này tự nhiên em rất nhớ những ngày tháng sinh hoạt ở NVH thiếu nhi. Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà bây giờ tụi em đứa nào cũng đã có gia đình và bận rộn đủ thứ việc. Hết rồi những ngày tháng vô tư, đùa giỡn. Em nhận ra được một số bạn nhưng lâu nay không liên lạc, nên em không biết rõ các bạn đó đang làm gì và ở đâu. Theo em, ngoài anh Tấn Quốc và Duy Hòa, ở hàng thứ nhất (từ phải qua): chị Thảo là người thứ 5 (bên cạnh anh Sáng), thứ 8 là Lan, thứ 9 là Châu; ở hàng thứ 2 (từ phải qua), người thứ 2 là anh Nam Hải (hiện đang công tác tại trường Hoàng Hoa Thám), thứ 5 là Thịnh và thứ 6 là Duyên. Còn một số bạn khác em không nhận ra…”.
Từ ngày ấy đến nay, đã trải qua hơn 20 mùa hạ. Mỗi lần ngang qua những vòm cây xanh mát của Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, lại nhìn thấy những em nhỏ vô tư đùa vui không mệt mỏi, tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Huyền Kiêu: “Hạ đỏ vẫn chàng tới hỏi/ Em thơ, chị đẹp em đâu?...”. Bài thơ này, tác giả diễn đạt những nỗi buồn vui của bốn mùa xuân hạ thu đông, trong đó, chỉ có mùa Hạ là mang hình ảnh lạc quan nhất của đời người.
TRẦN TRUNG SÁNG