.

Lời người trong cuộc

.

Hẳn cũng như tôi, trước khi bắt tay vào cuộc phỏng vấn những người từng dính cái chết trắng, các phóng viên đều cảm thấy thực sự khó khăn. Nhiều câu hỏi day dứt được đặt ra trước buổi gặp mặt: Sẽ nói gì, làm gì để tạo niềm tin? Bắt đầu như thế nào cho câu chuyện trôi theo một nguồn mạch tự nhiên? Phải dùng thái độ nào để nhân vật không cảm thấy khó chịu, không thấy cái chết trắng đã xa ngày ấy lại trỗi dậy trong lòng...

Những người cai nghiện ma túy tham gia lao động sản xuất tại Trung tâm GD-DN 05-06/CP TP. Đà Nẵng.
Những người cai nghiện ma túy tham gia lao động sản xuất tại Trung tâm GD-DN 05-06/CP TP. Đà Nẵng.

“Trốn chạy” nhà báo

Và nỗi băn khoăn của tôi hoàn toàn có cơ sở, khi những cuộc điện thoại cho các cán bộ chuyên trách phòng chống ma túy ở cộng đồng thuộc quận Hải Châu - một điểm nóng về số người nghiện ma túy tại Đà Nẵng - để xin thông tin liên tiếp bất thành. Đáp lại là những lời từ chối khéo: “Những người này đi làm ăn xa cả, rất khó gặp”, hoặc “Tôi bận quá, chị gọi lại sau giúp”...

Đến khi tôi liên lạc được với anh Huỳnh Văn Thành, một cán bộ phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thì cả hai chúng tôi phải... chạy lòng vòng mấy địa chỉ, mới có người gật đầu chịu gặp, với điều kiện không chụp ảnh, không đưa tên thật, dù trước đó, anh đã ra công điện thoại trước cho hàng chục trường hợp đã cai nghiện tốt. Và anh N.H.Q (*), sinh sống tại tổ 26 Vĩnh Trung, một trong rất ít người đã cai nghiện thành công từ năm 2004 đến nay mà không tái nghiện lần nào, đã nói ngay khi anh Thành vừa đi khuất: “Thực sự tôi không thích lên báo, nhưng vì chú Thành hay qua lại thăm hỏi, chú gọi, tôi nể quá”.

Mặc cảm đường về…

Nhưng sự “trốn chạy” của họ không chỉ đối với nhà báo, mà gần như đối với cả cuộc sống quanh mình, khi họ vẫn mang trong lòng nỗi mặc cảm về một vết nhơ.

Cũng như anh Q., lánh xa ma túy đã khó, nhưng đi trên con đường trở về với cuộc sống yên bình lại càng cam go. Đến giờ này, sau 8 năm từ trung tâm cai nghiện trở về, anh vẫn sống khép mình với tất cả, kể cả người thân. Có một vợ, một con và một em bé nữa chuẩn bị chào đời, anh vẫn lầm lũi làm công việc lái xe chở nước đóng chai cho đại lý, xong việc là trở về đóng kín cửa. Nỗi niềm riêng khi anh mới mười tám, hai mươi, anh và gia đình chưa bao giờ hé môi cho vợ anh biết để từng ngày bảo toàn lấy hạnh phúc gia đình và hình ảnh của một người chồng, người cha.

Anh bảo, ngày mới ra trại còn khổ hơn. Dù được chính quyền quan tâm và có nhiều hoạt động như tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vốn làm ăn, học nghề..., anh chẳng biết làm sao thoát khỏi ánh mắt nghi ngại của hàng xóm láng giềng. Những cái cúi mặt, những tiếng xì xào đó, dù cố phớt lờ, anh vẫn nghe nặng lòng. Anh đánh bạn với những người ở xa chỗ cư trú, khác quận, khác phố... để “không ai biết đến mình, đến quá khứ của mình mà dè bỉu, phân tích, đánh giá” như anh nói. Rồi anh đắm vào những cuộc nhậu miên man đến tận khuya, để về nhà là ngủ ngay, để quên mình là mình, và cố gắng xua đi hình ảnh cái chết trắng vẫn còn lởn vởn chưa nguôi ngoai. Con ma đó không phải biến mất đi khi người ta từ trung tâm cai nghiện trở về, mà chỉ chực nuốt lấy họ khi có điều kiện thích hợp, lúc “con mồi” yếu ớt và suy kiệt. Bởi vậy, anh Q. tránh gặp những bạn bè cũ, những địa điểm cũ, những người quen cũ... để dứt bỏ hẳn ma túy. Anh cũng tránh cả những cuộc gặp mặt những người sau cai tại phường, vì sợ rằng, trong cuộc gặp giữa đôi bên, cái ham mê chết người đó lại cuốn anh đi, làm khổ vợ con.

Trong câu chuyện của chúng tôi, đôi khi có những khoảng lặng không tên vì anh quay mặt đi chỗ khác và nhìn xa xăm như cố quên đi quá khứ; còn tôi cảm thấy mình “ác” khi đang dần mòn khơi lại một nỗi đau đã chôn kín gần chục năm trời.

Anh nói rằng anh đã vật vờ, lăn lộn, khó chịu vô cùng khi cai nghiện, cùng với nỗi dằn vặt rằng mình đã làm khổ mẹ, khổ cha. Nhưng con đường trở lại với ma túy sẽ thật gần, nếu những người làm cha làm mẹ không biết tha thứ và tin tưởng ở sự phục thiện của con.

Mong manh cai nghiện-tái nghiện

“Trong việc cai nghiện, ngoài bản lĩnh và ý chí của chính mình, quan trọng nhất vẫn là gia đình. Nếu gia đình quá bó buộc, dò xét, làm mình “quê” trước mặt bạn bè, mình sẽ lại sa vào đó”, anh trầm ngâm nói. Vì lằn ranh giữa đúng-sai đó quá mong manh, nên anh Thành, cán bộ phường Vĩnh Trung, nhiều năm kinh nghiệm trong việc vận động những người sau cai ở địa phương, vẫn thường thăm hỏi, tới lui nhà họ như những người thân thiết, để khi cần, có thể khuyên răn, động viên họ trở về nẻo thiện.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy Ngà, bộ phận tổng hợp, tuyên truyền, tư vấn - Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, Sở Lao động Thương binh và xã hội, do ranh giới cai nghiện-tái nghiện rất “mỏng”, nên trong 6 tháng đầu năm nay, tính đến 25-6-2012, trong 291 người đang tập trung ở Trung tâm GD-DN 05-06/CP TP. Đà Nẵng, có đến gần 100 người tái nghiện, chủ yếu là những người có độ tuổi rất trẻ từ 18 đến dưới 30.

Trong số những người nghiện ma túy tại thành phố, Hải Châu và Thanh Khê được xem là hai địa bàn “nóng” nhất với số người nghiện mỗi nơi bao giờ cũng chiếm trên 1/3 tổng số. Và vì có số người nghiện cao, các đối tượng sau khi cai nghiện có nhiều điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ, dẫn đến lôi kéo nhau, hai địa bàn trên dễ tạo “môi trường thuận lợi” cho những người đã cai lại lầm đường trở về với cái chết trắng. Có người rất quyết tâm nên chỉ qua một lần là vĩnh viễn không chạm tới ma túy; có người sau hai, ba lần lên trung tâm, mới cai được; nhưng cũng có trường hợp trở đi trở lại như một nỗi ám ảnh không tài nào dứt bỏ...

HẰNG VANG

(*) Tên thật đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.
 

;
.
.
.
.
.