.

Mối liên hệ giữa Việt Nam-Ấn Độ

.

Đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ, 5 năm thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Ấn Độ và Việt Nam, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Hội đồng giao lưu văn hóa Ấn Độ (ICCR) và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VICAS) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Văn minh Chăm, mối liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tặng quà cho ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tặng quà cho ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngay từ đầu Công nguyên, trên dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nước ta xuất hiện một số tiểu quốc của người Chăm. Danh xưng của Vương triều này lần lượt là các nhà nước Lâm Ấp (192-749), Hoàn Vương (758-859), Indraputra (875-982) và Chiêm Thành (988-1471). Các thế hệ tiền nhân của người Chăm đã để lại nhiều di vật và chứng tích về sự sáng tạo văn hóa không ngừng. Thần dân của Vương quốc Chămpa là những người dân sống gần biển. Họ nói tiếng Austronesian, ngôn ngữ gọi dân tộc họ là Chăm và tiếp nhận tiếng Phạn, hệ thống chữ viết bắt nguồn từ chữ Pallava Grantha của miền Nam Ấn Độ. Nhiều hình khắc chữ Phạn và chữ Chăm ảnh hưởng từ chữ Phạn được tìm thấy dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Những dấu tích này cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về nền văn minh đương đại Ấn Độ, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ văn hóa và giao thương gần gũi cũng như sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua Vương quốc Chăm.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam và Ấn Độ đã thực hiện nhiều đề tài nhằm tìm hiểu về mối giao lưu này. Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định, người Chăm là một trong 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Trong lịch sử phát triển, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Một trong số đó là những đền tháp hiện còn nằm rải rác tại các tỉnh ven biển miền Trung, tiêu biểu là Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, chưa kể những ảnh hưởng từ tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc và nghệ thuật. Vì thế, những nghiên cứu văn hóa, văn minh người Chăm chỉ ra mối quan hệ văn hóa Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Rajit Rae cho rằng, tháp Chăm và các bức điêu khắc bằng gạch là những đài tưởng niệm vĩnh hằng về sự giao lưu văn hóa sâu rộng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, khoa học chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, tu bổ và quản lý khu di tích Mỹ Sơn cũng như nhiều khu di sản khác tại Ấn Độ và Đông Nam Á.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các học giả đã trình bày các tham luận về điêu khắc Chăm; khám phá những liên hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ; Đền tháp Chăm: mối liên hệ mang tính kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ; các di sản văn hóa phi vật thể Chămpa (di sản tiếng Phạn và chữ Chăm của Chămpa cổ đại; sự tiếp biến văn hóa Việt-Chăm); chia sẻ kinh nghiệm về trùng tu, quản lý từ các di sản Mỹ Sơn, Angkor Wat, Ta Prohm, Wat Phu và các di sản thế giới tại Ấn Độ.

Một trong những vấn đề được các nhà khoa học, nghiên cứu quan tâm tại hội thảo là công tác bảo tồn, tu bổ khu di tích Mỹ Sơn. Được biết, việc tu bổ, bảo quản khu di tích Mỹ Sơn đã được các nhà khoa học Pháp thực hiện từ năm 1937. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu di tích này đã bị hư hại nghiêm trọng. Từ đầu năm 1981, thực hiện Hiệp định hợp tác giữa Bộ Văn hóa Việt Nam cùng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Ba Lan, Tiểu ban hợp tác Việt Nam-Ba Lan phục hồi các di tích Chăm được thành lập với nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu tu bổ các di tích Chăm thuộc các tỉnh miền Trung.

Trong vòng 5 năm, các đền tháp Chăm đã được dọn dẹp và gia cố, hàng ngàn mét khối gạch vỡ, đất đá được sắp xếp lại. Từ khi Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, thông qua UNESCO, Chính phủ Italia đã thực hiện dự án “Bảo tồn di sản thế giới Mỹ Sơn, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới nhóm tháp G” các giai đoạn 1 và 2. Dự kiến, trong năm 2012, Chính phủ Italia sẽ tài trợ cho Việt Nam 420.000 euro để tiếp tục tu bổ nhóm G giai đoạn 3. Bên cạnh đó, Nhật Bản, Đức cùng một số quốc gia khác cũng tham gia vào công cuộc bảo tồn khu di tích Mỹ Sơn.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, những nỗ lực tự thân và sự hợp tác, nghiên cứu, bảo quản, tu bổ khu di tích Mỹ Sơn đã góp phần ngăn chặn sự hoang phế, đổ nát và khôi phục bước đầu nội dung giá trị của di sản. Từ đó, các nhà khoa học ở Việt Nam sẽ học hỏi những kinh nghiệm quý từ Ấn Độ cũng như các nước trong việc nghiên cứu tu sửa, bảo quản khu di tích Mỹ Sơn.

Liên quan đến việc gia cố đền tháp, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết, lâu nay, việc tu bổ tháp Chăm được thực hiện theo cách dùng gạch cũ, gạch mới liên kết bằng xi-măng để gia cố; hoặc dùng gạch mới, máy mài kết hợp với thủ công để mài, đục. Gần đây nhất sử dụng giải pháp trùng tu, gia cố của các chuyên gia đến từ Italia và Ba Lan là sử dụng dầu rái làm vữa liên kết gạch, hạn chế việc phục chế, phục dựng để tránh sự khác biệt giữa phần gốc (cũ) và thành phần xây gia cố (mới). Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nên xem công việc trùng tu di tích là “chữa bệnh cho người già” chứ không phải “trẻ hóa ông già”. Vì thế, cần chú ý đến phương pháp, phong cách, mục đích bảo tồn hơn là công nghệ thực hiện.

Cũng tại hội thảo, Đại sứ Ranjit Rae cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định hỗ trợ Việt Nam trong việc bảo tồn và tu bổ khu di sản thế giới Mỹ Sơn với khoản tài trợ trị giá 3 triệu USD. Dự án sẽ do Viện Nghiên cứu Khảo cổ Ấn Độ (ASI), cơ quan đã rất thành công trong việc tu bổ Ankor Wat, Ta Prhom tại Campuchia và Wat Phu tại Lào thực hiện. Năm 2012 cũng được Việt Nam-Ấn Độ chọn là “Năm hữu nghị” thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động, sự kiện văn hóa, giao thương và các hội thảo về học thuật.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.