Là một Đặc khu ủy viên, Bí thư Khu I, đang triển khai chiến dịch Xuân Mậu Thân, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định cử Năm Dừa làm Bí thư Quận ủy quận Nhì (nay thuộc Quận Thanh Khê), thay chị Lê Thị Tính hy sinh trên đường vào Đà Nẵng.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố và đồng đội trong một lần thăm Năm Dừa (thứ 2 từ trái sang) đang điều trị bệnh. |
Những ngày họp Ban chỉ đạo Mặt trận 4, một kế hoạch “tổng công kích” đã được xác định: Các mũi quân sự đồng loạt tiến công vào các cứ điểm địch từ đèo Hải Vân đến Phước Tường, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, cắt đứt cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Trần Thị Lý), đánh chiếm quân đoàn I, quân vụ thị trấn, tòa thị chính.
Năm Dừa nhận ra nỗi ưu tư trên khuôn mặt sạm đen của ông Hà Kỳ Ngộ - người chỉ huy nổi dậy nội thành. Biết vô cùng khó khăn phải vượt qua, nhưng Bí thư Hồ Nghinh khẳng định: Quân lệnh như sơn. Đảng lệnh như hải. Dù bất cứ trường hợp nào, phải tổ chức nhân dân nổi dậy.
Năm Dừa đột nhập vào Nam Ô-Thanh Khê chỉ đạo một mũi đấu tranh. Lực lượng quần chúng Khu I ầm ầm kéo đến thị trấn Nam Ô, trong không khí bừng bừng thì bị quân Mỹ chặn lại, quân ngụy xông ra, nhiều loạt súng nổ vào đoàn biểu tình. Lần đầu tiên Năm Dừa thấy dao động. Có cây K59 lận trong bụng mà không thể nổ súng, phải lẫn vào đám người, bất lực nhìn cảnh máu me và thi thể bà con ngổn ngang.
Sau trận không thành công như mong đợi của Xuân Mậu Thân, thực hiện chỉ thị của Đặc khu ủy, mở chiến dịch X1-Xuân, Năm Dừa lại vào thành phố. Năm Dừa được một học sinh tên là Phạm Phú Long đưa về ở lại trong nhà mẹ Nhu.
Tên thật của mẹ Nhu là Lê Thị Dãnh, có chồng là ông Phạm Cầm, người làng Mỹ Thị, mẹ có người con trai đầu là Hai Nhu nên gọi là mẹ Nhu. Năm Dừa được Phạm Phú Long con trai của mẹ là cơ sở của Thanh niên-Học sinh, đưa về nhà, bề ngoài là bạn của Long, đóng vai một thanh niên trốn bắt lính.
Mẹ coi Năm Dừa như Long, đói no ngày ba bữa. Anh Năm Được (Ngô Văn Được) chồng chị Tám Trang (Huỳnh Thị Trang) con gái mẹ cũng đối xử với Năm Dừa như người trong nhà. Phú Long bố trí cho Năm Dừa một cái giường nhỏ đặt ở một góc trong nhà, có bức màn che, bên trong một hàng chum, vại đựng mắm, muối. Tới bữa, mẹ dọn cơm lên mâm, đậy lồng bàn, bưng vô buồng cho Năm Dừa. Năm Dừa nói với mẹ: Bữa sau, mẹ thay cái lồng bàn bằng cái thúng cho tiện. Bưng cái thúng vào buồng không ai để ý. Thật ra thì mẹ đã để ý từng động thái của Năm Dừa, từ mối quan hệ với con trai của mẹ, ngày nào hai đứa cũng rầm rầm rì rì, tối lại thì dẫn nhau đi đâu, khuya lơ mới về nhà, đi về thì khỏa dấu chân. Làm gì cũng lấm la, lấm lét, nhìn trước, nhìn sau.
Năm Dừa trụ lại để trực tiếp chỉ đạo công tác thành phố, xây dựng lực lượng Biệt động thành và nắm rõ hơn hoạt động của bọn “bình định” bận đồ đen thực hiện “ba cùng” gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở. Với bọn “ba cùng” thì không thể ăn ở tạm bợ, hai anh em bí mật làm một chỗ trú bất ngờ trong đống lưới vây to đùng ở sau hè nhà. Hôm nào nghe bọn chúng rục rịch gì thì rúc vô cái ổ trong đống lưới nằm cho chắc chuyện.
Một hôm, Năm Dừa từ trong đống lưới lom khom rúc ra, tay cầm cây K.54. Mẹ Nhu đứng sững nhìn Năm Dừa, mắt mở to. Không còn biện bạch quanh co, Năm Dừa khai thật với mẹ: Con là quân giải phóng. Nói sợ mẹ lo, nên bọn con giấu. Mẹ thương tụi con.
Mẹ Nhu ôm Năm Dừa, mẹ dậm chân, òa khóc: Tau tưởng mi trốn lính, ai hay mi làm cách mạng, để mi chui ngủ trong góc buồng, ăn cực, ăn khổ… Mẹ trách Phú Long sao không nói sớm cho mẹ biết anh là quân giải phóng. Từ đó, mẹ đồng ý cho làm hầm bí mật ngay trong nhà, rồi việc ăn uống, quy chế đi lại cũng khác hơn.
Chị Tám Trang trở thành người bảo vệ cho Năm Dừa, chị luôn để ba quả lựu đạn M26 trong cái trả treo trên giàn bếp, phòng khi bị phục kích thì chị tung lựu đạn cho Năm Dừa chạy thoát. Còn anh Năm Được thì làm nghề lái xe, nên Năm Dừa giao chuyển củi, trong là vũ khí từ bãi biển Xuân Thiều vào nội thành, bí mật giấu trong nhà mẹ Nhu.
Phạm Phú Long làm giấy tờ giả cho Năm Dừa đi lại, kiếm cho Năm Dừa một bộ đồ “bình định” để che mặt người lạ. Từ căn hầm trong nhà, bên hàng chum vại, được sự đồng ý của mẹ, Năm Dừa cùng Phú Long làm thêm một cái hầm bí mật ngoài bụi tre sau nhà, với lý do là ở ngoài sẽ an toàn hơn trong nhà.
Ở trong nhà mẹ Nhu, Năm Dừa qua lại làm quen với hàng xóm xây dựng thêm được một số cơ sở ở Thanh Khê, như nhà bà Bốn Hường, nhà bà Hiền bán mắm, muối, nhà bà Sáu Xoài, nhà anh Tư Đức, nhà chị Nhiên… Xóm nhà mẹ Nhu trở thành một cái lõm cách mạng. Có được ba căn hầm bí mật, Năm Dừa đưa hai tổ biệt động về ở rồi xuất quân đánh tan tành một trung đội “bình định” đóng cách nhà mẹ hơn 200 mét. Đánh xong, thu vũ khí, ngụy trang dấu dép su lừa địch, rút về hướng Phước Tường, bí mật rút về nhà mẹ Nhu.
Một mình Năm Dừa mẹ đã phải lo cho ăn khá hơn, lo bảo đảm được bí mật, thêm anh em biệt động còn quá trẻ, mẹ phải lo ăn, lo cảnh giới và lo đổ phân cho anh em thật là vất vả. Hồi bấy giờ ở vùng biển Thanh Khê nhiều nhà chưa có cầu tiêu. Bà con ra rừng dương liễu gửi phân dưới cát. Anh em của Năm Dừa đi vào một cái thùng thiếc, tối lại, ngó chừng thấy vắng người, gánh đôi thùng ra nhận ngoài biển.
Khi Năm Dừa kiêm chức Quận đội trưởng, thì Lữ Hùng là một Quận đội phó. Năm Dừa nghe anh em phản ánh Lữ Hùng có những biểu hiện không bình thường. Chưa có phương án thay thế, thì hôm đó, đang ở trong nhà mẹ Nhu, Lữ Hùng nói với anh em sang làm việc với tổ biệt động ở nhà mẹ Hiền (mẹ Vàng) để bàn triển khai diệt bọn bình định. Anh em thấy lạ, lão này, mọi ngày nhút nhát, thích ăn sướng, hút ru-bi, thường bàn ra, sao hôm nay lại đề cập đến chuyện diệt bọn ác ôn? Và, ngay đêm đó, Lữ Hùng đi thẳng lên đồn địch đóng ở Thanh Khê. Sáng sớm hôm sau Lữ Hùng đưa một tiểu đoàn bảo an bao vây nhà mẹ Nhu.
Mới thức dậy, mọi người đang bộn bề với việc nhà, mẹ Nhu đang làm bánh mì cho anh em ăn thì bỗng thấy lính xuất hiện trước nhà. Tổ biệt động vừa kịp xuống công sự mật thì một tốp lính và cảnh sát dã chiến xông vào nhà. Một tên chĩa súng vào ngực mẹ, hỏi:
- Cộng sản đâu, chỉ mau!
- Cộng sản đâu trong nhà tui. Sao không hỏi cậu mà hỏi tui. Mẹ bình tĩnh trả lời.
- Chứa Cộng sản trong nhà mà mụ già này còn ngoan cố - Chỉ hầm bí mật.
- Các ông giữ làng xóm mà để Cộng sản họ lọt vô đây thì các ông là đồ ăn hại. Mẹ nghiêm nét mặt, nặng lời.
- Làm hầm chứa Cộng sản trong nhà, không chỉ hả? Dỡ tấm cốt lên! Hắn nhìn tên lính đi theo, chỉ tay vào dãy chum, quát - Hầm ở dưới chân cái ảng kia kìa!
Không còn là lúc dùng mật khẩu khua gà hay la chó như thường ngày thông báo cho anh em ở dưới hầm biết, mẹ phát lệnh chiến đấu: - Nó phản rồi con ơi. Đánh đi!
Lời mẹ chưa dứt thì tên chỉ huy bắn mẹ gục ngay giữa nhà. Mẹ la to: - Xông lên các con! Mẹ tắt thở. Hai mũi lính lăm lăm súng tràn vào sân, vây quanh nhà mẹ. Tức thì nắp hầm trong nhà bật mở, Nguyễn Văn Huề tung liên tiếp hai quả lựu đạn M26 nổ đoành. Ba chiến sĩ vọt lên quét tiểu liên như mưa. Trong khi hai mũi lính ngụy lui ra, thì từ căn hầm bí mật ngoài bụi tre sau nhà mẹ Hiền (mẹ Vàng), các chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Mười, Trần Chi và Võ Văn Năm tức thì vọt lên, hình thành ngay hai mũi tiến công phối hợp, làm cho bọn địch bất ngờ lui ra xa cố thủ.
Bắt đầu một cuộc chiến đấu giữa 7 chiến sĩ biệt động thành với một tiểu đoàn lính ngụy suốt một ngày 26-12-1968. Bên ta, chiến sĩ Nguyễn Văn Huề hy sinh, Trần Chi, Võ Văn Năm sau khi thoát ra đến sông Phú Lộc, cả một ngày quần nhau với địch, mệt đói đến ngất xỉu thì bị bắt. Ta diệt hàng mấy mươi tên địch, làm chúng nể sợ các chiến sĩ giải phóng, làm náo động cả phía Tây thành phố Đà Nẵng trong mùa Đông năm ấy...
HỒ DUY LỆ