.

Ngược xuôi mùa mía

.

Ai có thể ngờ thứ nước uống bình dân như nước mía lại có ngày… tăng giá. Càng về cuối hè, nguồn mía cung cấp cho Đà Nẵng càng… đuối, và dĩ nhiên, giá được đẩy lên đôi chút. Nhưng lên giá cũng mặc, càng nắng nóng, người ta càng uống dữ. Xe nước mía xuất hiện khắp nơi trong mùa hè cũng đủ chứng minh cho sức hút của loại nước tự nhiên này.
 

Vựa mía Bảy Thành chuẩn bị đưa mía đi bỏ cho bạn hàng.
Vựa mía Bảy Thành chuẩn bị đưa mía đi bỏ cho bạn hàng.

Chưa hết nắng đã gần hết mía

Chưa hết tháng 6, cái nắng vẫn đang rát khô, rát cháy. Đất mía Trường Định (Hòa Liên, huyện Hòa Vang), một trong số rất ít những vùng còn trồng mía của Đà Nẵng đã không còn hàng để bán. Theo ước tính của dân trồng mía Trường Định, mỗi năm nơi này cung ứng cho thị trường gần 70 tấn mía. Từ đầu tháng hai, các lái buôn đã ào ạt đến thu mua, làm giá… Mía Hòa Liên vốn được tiếng ngọt thanh, thơm dịu, nên giá nhỉnh hơn các nguồn khác đôi chút: Thu mua tại vườn đã từ 55-60 nghìn đồng/vác hơn hai mươi cây, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Nông dân sau mỗi mùa mía kéo dài cả năm, chỉ cần thỏa thuận giá rồi khoán trắng cả đồng mía cho lái buôn tự thuê người chặt, bó, vận chuyển. Nếu gộp cả các vùng mía Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang), mỗi năm, Đà Nẵng có thể tự cung ứng đến hơn phân nửa số mía được tiêu thụ trên thị trường. Vào thời điểm này, khi số “ngọt thanh” đã không còn dồi dào, thì mía từ Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định… mới có “cửa” vào Đà Nẵng nhiều; bởi theo dân buôn mía chuyên nghiệp, mía ở những vùng này thường có vị ngọt gắt, ít được người uống ưa chuộng.

Nhưng nói gì thì nói, dù gắt hay thanh, nước mía vẫn được tiêu thụ ào ào. Ông Bùi Văn Trung, một nông dân trồng mía lâu năm của Hòa Liên tặc lưỡi tiếc rẻ khi nhìn ra cái nắng đòng đòng trên mấy đám mía xanh non vừa mới trồng: “Chừ mà còn mía, bán mới đã nè. Tại năm rồi trời nắng quá, ít mưa, nên cây mía lên không đều, không nhiều, không bằng sản lượng các năm. Mùa nắng nóng còn dài dài. Rứa mà họ thu mua hết trơn”. Bởi vậy, nên dù gần vùng trồng mía, những xe nước mía quanh đó lại phải chạy đi mua lại mía từ các vựa ở Nam Ô. Một chủ xe nước mía ở Hòa Liên vừa xay mía, vừa giải thích cho việc tăng 1.000 đồng cho mỗi ly nước trong mấy ngày qua: “Bữa nay mua mía khó lắm, bán ít lời”. Dân buôn mía cũng công nhận, do năm nay có nhiều đợt nắng nóng, số mía tiêu thụ cũng nhiều hơn từ khoảng 20%.

Theo nghề buôn mía đã trên hai mươi năm, ông Đặng Thành, chủ vựa mía có tiếng Bảy Thành ở đường Nguyễn Đình Tựu, gần ngã ba Huế, nói rằng, mía cũng có lúc thăng lúc trầm. Có thời, người ta thèm mía, không chỉ uống nước mà còn nhai rào rạo, đến nỗi mùa lạnh, ông cũng bán được vài chục vác mỗi ngày. Sau đó, thị trường tràn ngập đủ loại đồ uống ngon lành, bắt mắt, nước mía bị đẩy xuống hàng thứ yếu, lại bị gán cho cái “tội” gây tiểu đường. Và nay, khi thiên hạ đã chán chường với đồ uống có gas, có chất hóa học…, họ trở lại chuộng nước mía như một thức uống thiên nhiên và “nguyên chất” theo cách nói nôm na của những người bình dân. Vì vậy, mía lại bắt đầu có giá. Nắng càng to, mía càng có giá, các lái buôn lại được dịp làm giá với nông dân và cả các vựa mía. “Mình không thể tự mua mía tại vườn vì “Rừng nào cọp nấy”. Nhưng giá quá tay lái buôn được đẩy lên cao hơn nhiều so với giá gốc. Trong khi đó, mình không thể bán quá cao cho bạn hàng vì còn để họ bán kiếm lời. Chúng tôi đành chịu vì giá dường như đã được lái buôn thỏa hiệp từ trước”, ông Thành cho hay.

Xay nước mía rã tay

Giờ đi đâu cũng thấy xe nước mía: Từ làng quê đến thành thị, phố lớn, ngõ nhỏ, trong hẻm, ngoài đường, đâu đâu cũng sẵn xe nước mía mà bất cứ ai cũng có thể “xề” vô làm một ly mát lạnh giữa trời nắng chang chang rồi chạy tiếp. Sức hút của nước mía lớn đến nỗi: Những hàng quán trước đây chuyên bán cà-phê, các loại giải khát đóng chai, hàng ăn… cũng tranh thủ “kẹp” xe nước mía trước cửa để tăng thêm nguồn thu. Những quán nước ở vỉa hè Bạch Đằng, đoạn giao lộ với Quang Trung vốn nổi tiếng với nước dừa, cũng bán nước mía mạnh tay hơn hẳn. Chỉ trong vòng ít tiếng “cắm” quán lúc trời đang oi ả, chúng tôi ghi nhận: Tới hơn phân nửa người lần lượt vào quán kêu nước mía. Chủ quán phải huy động tới 5 nhân viên mới đủ bưng bê phục vụ cho lượng khách tăng tỷ lệ thuận theo nhiệt độ ngoài trời. Xe mía hoạt động hết công suất cả ngày từ khoảng 9 giờ sáng đến 9 giờ đêm cũng chưa ngớt khách. Nước mía vốn bình dân, chỉ có giá từ 5.000-7.000 đồng/ly, phục vụ chủ yếu cho dân lao động. Nhưng ở sông Hàn, giá lại là 10.000 đồng/ly vì người uống còn phải “trả thêm” cho cái khoản ngồi hóng gió và lê la trò chuyện, bởi khách hàng chủ yếu là những cô cậu thanh niên chọn nơi này làm chỗ gặp gỡ bạn bè, tán dóc, chứ không chỉ đơn thuần là giải khát.

Nhiều nơi tranh thủ “kẹp” xe nước mía với các loại dịch vụ khác.
Nhiều nơi tranh thủ “kẹp” xe nước mía với các loại dịch vụ khác.

Càng nắng, chủ hàng càng xay nước mía rã tay. Chị bán nước mía ngay bờ sông Túy Loan (Hòa Phong, huyện Hòa Vang) khoe: “Bữa nào nắng to, bán cũng được hai vác”. Mà tính ra, với chừng đó mía, có thể làm được tới 150 ly nước. Nhiều bạn hàng của ông Đặng Thành còn bán “ác chiến” hơn. “Có nơi bán mạnh tới 4-5 vác mỗi ngày”, ông Thành nói. Theo ước tính của một số chủ vựa mía, tại Đà Nẵng có tới gần 30 vựa mía lớn nhỏ ở tất cả các quận, huyện, và mỗi ngày có thể cung ứng hai nghìn vác mía cho cả ngàn điểm bán. Những hôm trời nóng cao độ, năm bảy nhân viên ở vựa mía Bảy Thành làm luôn tay cũng không kịp cạo, róc, chặt mía để bỏ cho bạn hàng. “Có bữa phải làm tới 10 giờ đêm cũng chưa xong”, vợ ông Thành vừa nói, vừa tranh thủ giải quyết vác mía đang làm dở.

“Nước mía siêu sạch” sạch tới đâu?

Dù Đà Nẵng chưa ghi nhận một báo cáo cụ thể nào về ngộ độc thực phẩm do uống nước mía, nhưng theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) Đà Nẵng, nước mía là thức uống đường phố được xếp vào một trong mười nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao do được chế biến để dùng ngay, không qua quá trình gia nhiệt, tiệt trùng, thanh trùng để bảo quản, bảo đảm vệ sinh. “Uống nước mía không sạch có thể dẫn đến các nguy cơ về bệnh đường ruột như thương hàn, tả, lỵ, tiêu chảy do virus… do việc bảo quản sơ sài, để ruồi nhặng bay vào và phải dùng kèm với nước đá trong khi nguồn nước đá hiện nay cũng chưa hoàn toàn bảo đảm an toàn”, ông Tiến cho hay.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, nếu các chủ xe nước mía tuân thủ tốt một số tiêu chí cơ bản về vệ sinh trong chế biến như có tủ kính che đậy, tránh bụi, côn trùng; trang thiết bị được lau chùi thường xuyên; nguồn nước đá phải đảm bảo; người bán được tập huấn kiến thức về VSATTP… thì người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm thưởng thức món nước tự nhiên này mà không phải quá lo lắng.

Đánh vào tâm lý lo ngại VSATTP của người dân, nhiều cửa hàng đã trưng biển “Nước mía siêu sạch” để thu hút khách. Ở các xe “siêu sạch” này, cây mía chỉ được ép qua một lần, gạn bỏ hết xơ mía và được che đậy, đóng gói khá kỹ (đối với nước mía được mua mang về), nên có giá nhỉnh hơn nước mía “thường” đôi chút. Theo một chủ hàng “siêu sạch” ở khu phố chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chi phí đầu tư cho một xe “siêu sạch” cao hơn từ 5-10 triệu so với các xe theo kiểu cũ. “Nước mía “siêu sạch” hiện được bán khá nhiều trên thị trường chẳng qua chỉ là quảng cáo để thu hút khách hàng, muốn nói đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn VSATTP, sản phẩm bán ra không phải qua nhiều công đoạn gây mất an toàn. Còn chưa có ai chứng minh được sạch tới đâu, thậm chí có khi chất lượng cũng ngang ngửa nước mía “thường”. Vì vậy, trong mùa nắng nóng, luôn cẩn thận không phải là quá thừa”, ông Tiến khẳng định.

HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.