.

Pu Lộc

.

Gặp anh Nguyễn Hữu Lộc ở 36 Ngô Thị Liễu, phường Hòa Cường Bắc, thành phố Đà Nẵng, tôi mới biết anh chính là “Pu Lộc” mà các chiến sĩ quân tình nguyện ở Campuchia hay kể với lòng yêu mến. Thú vị hơn nữa khi biết anh đang giữ bức chạm nữ thần Áp-sa-ra bằng gỗ do một ngài Thứ trưởng của đất nước Campuchia quý tặng…

Anh Nguyễn Hữu Lộc bên các bức ảnh bé Mum.
Anh Nguyễn Hữu Lộc bên các bức ảnh bé Mum.

Bé Mum của “Pu Lộc”

Anh Lộc lấy trong chiếc ví ra mấy tấm ảnh về cô con gái nuôi Campuchia tên Mum khi còn bé và lúc đã trở thành thiếu nữ. Cô gái với gương mặt tươi sáng, nụ cười hiền dịu. Có cả tấm ảnh con gái của Mum tròn một năm. Anh đưa các tấm ảnh lên nâng niu và dòng hồi ức bỗng chốc bừng lên sống động.

Quê ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam, Nguyễn Hữu Lộc đi bộ đội ngay sau khi quê hương giải phóng. Đầu năm 1979, anh có mặt ở Campuchia trong đội hình đại đội thông tin của Trung đoàn 96 đóng ở xã Lò-via, huyện Mông-kơp-rây, tỉnh Bat-dom-bong. Đất nước Campuchia đã thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn-pốt nhưng tình hình vẫn chưa yên. Một lần cùng với người đồng đội trên đường công tác về lại đơn vị, dừng chân ở trung tâm thành phố để ngắm dòng người qua lại, anh bất chợt thấy một cô bé chừng 9 đến 10 tuổi, gầy nhom, nước da vàng võ đến bên và nói: “Chú bộ đội Việt Nam ơi, em đói lắm, cho em ăn với!”. Nói chuyện với cô bé bằng tiếng nước bạn, anh biết cháu tên Mum (có nghĩa là gái) và cha mẹ đã bị bọn Pôn-pốt sát hại. Anh nhìn cháu thương xót và đồng cảm lạ lùng.

Về đơn vị, cơm nước xong, Mum khóc, nói rằng không có nhà để về và cháu muốn ở với Pu Lộc (chú Lộc). Nhưng đơn vị đang làm nhiệm vụ, nay đây mai đó làm sao cưu mang được bé? Anh chở Mum vào trại mồ côi, nài nỉ cô phụ trách nhận giúp vì trại đã quá chật chội. Hai tháng sau, đang làm chuyên gia ở thị xã Bat-dom-bong, anh gặp lại cô bé trong một lần thị xã tổ chức buổi ca múa nhạc. Mum rẽ mọi người, chạy ào đến ôm chầm lấy anh. Thì ra cháu hay tin anh đã về thị xã và đi tìm. Lần này Mum kiên quyết không vào trại mồ côi nữa mà đòi ở với Pu Lộc. Anh nghĩ đến anh và bé Mum như số phận đã được định sẵn, trong thâm tâm anh đã coi bé là đứa con của mình và có trách nhiệm với bé. Vậy là anh xin phép thủ trưởng cho cháu ở lại. Mum trở thành đứa con chung của đơn vị. Ai cũng dành cho bé những món ăn ngon nhất, sắm cho bé nhiều áo quần đẹp. Còn Pu Lộc với chiếc đàn ghi-ta quen thuộc, dạy cho bé hát những bài tiếng Việt. Cuộc sống trôi qua bình yên với bé Mum được nửa năm.

Do yêu cầu công việc, anh phải thuyên chuyển công tác về huyện xa nơi đóng quân gần 50km. Khi ổn định công việc, anh về thị xã thăm cháu. Bé Mum gầy hẳn, gương mặt buồn xo. Thủ trưởng đơn vị bảo: “Từ ngày cậu đi, nó ủ rũ suốt ngày. Thôi tốt nhất cậu cứ đưa nó vào lại trại mồ côi”. Anh đành đưa cháu trở lại trại, lại nài nỉ để cô phụ trách nhận. Hai năm, bé Mum đã một mình đi tìm thăm anh đến hai lần.

Năm 15 tuổi, Mum rời trại mồ côi và được đồng chí Nguyễn Văn Hiền, nguyên Chính ủy Trung đoàn 726 xin vào làm tại Bệnh viện Liên Xô - Cam-pu-chia. Nơi đây có một vị bác sĩ nữ người Nga nhận bé làm con nuôi. Về thăm Mum ở bệnh viện, nơi cháu làm việc, anh vui mừng vì cháu đã lớn và khỏe mạnh. Một năm sau, Mum lấy chồng là lái xe của một đơn vị bộ đội Cam-pu-chia. Năm 1987, anh có lệnh ra quân, về nước, ghé thăm Mum lần nữa thì cháu đã sinh được con gái đầu lòng. Cô bé mồ côi năm xưa đã là người mẹ trẻ, gương mặt rạng rỡ bên chồng con…

Trận đánh mưu trí và bức chạm nữ thần Ap-sa-ra

Khi kể về trận đánh ở xã Pờ-rây-xoài (huyện Mung-rư-xây, tỉnh Bat-dom-bong), giọng anh Lộc bỗng sôi nổi hẳn lên, gương mặt tươi tắn lạ.

Lúc này là năm 1980, anh ở trong đội công tác giúp bạn xây dựng cơ sở và vận động quần chúng. Dân phản ảnh, cách phum Nẹ-tà-thơ-via khoảng 5km, có chừng 150 tên Pôn-pốt đang ẩn náu trong rừng với đầy đủ vũ khí. Hằng ngày chúng chờ bà con đi đánh cá là tủa ra đường xin gạo, cướp bóc thực phẩm. Bộ đội Việt Nam đã đi truy quét ở nơi xa, dân quân của xã cũng chỉ chừng 2 tiểu đội, lấy đâu ra lực lượng tấn công. Một phương án táo bạo được đưa ra, đó là cho dân quân giả làm dân thường vào rừng để móc nối với chúng, mời chúng về phum ăn uống sau đó phục bắt. Anh Lộc cùng đội công tác vận động phụ nữ cho mượn gạo và mượn chảo lớn để nấu cơm cho hàng trăm người ăn.

Thực hiện theo ý định, dân quân đã thuyết phục bọn địch về phum. Tốp đầu khoảng 20 tên kéo nhau vào ăn cơm trước. Mọi người chuốc rượu cho chúng ngà ngà say rồi giấu vũ khí, sau đó bắt sống toàn bộ quân địch. Tốp sau khoảng 20 tên cũng làm theo kế ấy. Đến tốp thứ 3 khi chúng tỏ vẻ nghi ngờ, Lộc chỉ đạo mang cơm ra tận bìa rừng cho chúng, sau đó 14 dân quân có tiểu liên chia 3 mũi đánh úp. Bị bất ngờ trong đêm, chúng bỏ chạy tán loạn, ta gom thêm 14 tên. Như vậy cả 65 tên bị bắt mà bạn không đổ một giọt máu nào. Số còn lại trốn trong rừng thấy không có tương lai nên đã kéo nhau ra đầu thú. Trận đánh vẻn vẹn tốn kém 300kg gạo mượn của bà con. Sau đó, bộ đội Việt Nam mang gạo về trả kịp thời cho dân…

Sau trận đánh này, Nguyễn Hữu Lộc được đi báo cáo toàn bộ diễn biến trận đánh với Sư đoàn 309. Anh được bầu chiến sĩ thi đua, được phong quân hàm từ Thiếu úy lên Trung úy, được báo công tại hàng chục nơi với khán giả từ 200 đến 700 người, được tham dự lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam tại thủ đô nước bạn… Câu chuyện về anh bộ đội cưu mang cô bé mồ côi Campuchia, về trận đánh mưu trí ở phum Nẹ-tà-tha-via đã được nhiều người dân Campuchia biết tới.

Anh Lộc chỉ cho tôi bức chạm bằng gỗ quý cỡ 25 x 30cm, chạm khắc tinh xảo hình nữ thần Áp-sa-ra. Trong một lần đến Bộ Giao thông và bưu điện kể chuyện, ông Thứ trưởng của Bộ này đã lên sân khấu bắt tay anh thật chặt, và trao tặng anh bức chạm và nói rằng đây là kỷ vật quý của đất nước Campuchia và anh xứng đáng được nhận món quà này. Năm 1987, anh phục viên về  nước, có rất nhiều quà bạn tặng không thể đưa về được, anh đã trao lại cho đồng đội, nhưng bức chạm nữ thần Áp-sa-ra thì giữ mãi đến hôm nay, như giữ lại một thời đầy kỷ niệm, như được  tiếp  thêm sức mạnh vượt qua bao nỗi nhọc nhằn.

Sau khi anh giải ngũ, đang làm Phường đội trưởng phường Hòa Cường thì đổ bệnh, phải nghỉ nửa chừng. Khi chữa được khỏi bệnh thì đến lượt vợ cũng đau liệt giường cả năm trời. Căn nhà tôn thấp lè tè nóng bức càng làm cho vợ chồng và 4 con nhỏ thêm đau ốm.

Đồng đội đã không quên anh. Người cho xi-măng, người cho gạch, xin đơn vị cho công sức bộ đội để anh có căn nhà xây đàng hoàng, lại giới thiệu anh làm bảo vệ ở Trường THPT Nguyễn Hiền. Cuộc sống dần ổn định. Điều đáng quý là thầy trò trường Nguyễn Hiền không coi anh là người bảo vệ bình thường. Biết anh đã có 12 năm quân ngũ và 9 năm ở nước bạn, ngày thành lập QĐND Việt Nam, trường đều mời anh lên nói chuyện, giới thiệu về anh rất trân trọng. Điều này đã động viên anh rất nhiều, tạo thêm cho anh niềm vui sống, nuôi dạy con cái trưởng thành.

 “Nếu có điều kiện, tôi chỉ mong được qua thăm Campuchia một lần nữa, thăm lại những vùng quê tôi từng công tác. Nhất là được thăm bé Mum. Không biết nó còn nhớ Pu Lộc không?”. Anh Lộc ước! Đã hàng chục năm trôi qua, anh vẫn nhớ như in cái ngày gặp cô bé Mum xanh xao, bơ vơ giữa đường. Nhớ những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đóng góp sức mình để dân tộc Campuchia hồi sinh.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.