Ngày 5-12-2000, đúng 4 ngày trước khi Quốc hội khóa X thông qua Luật Phòng, chống ma túy (MT), UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Thành phố 5 không”, trong đó cái “không” thứ tư là “Không có người nghiện MT trong cộng đồng”.
Rộng 37ha (rộng gần gấp 4 lần cơ sở cũ) với cơ sở hạ tầng khang trang, hợp chuẩn, Trung tâm 05-06 Đà Nẵng trở thành niềm hy vọng cai nghiện MT thành công cho học viên (ảnh lớn) và lời động viên nhau “Vươn lên bạn nhé” của các học viên. |
12 năm “tuyên chiến” với tệ nạn MT
Lúc đầu, không ít người hoài nghi, ngay cả những người đang công tác trong ngành bảo vệ pháp luật, về sự thành công của cái “không” cực kỳ khó khăn đó. Có người bảo, chỉ mới thuốc lào thôi, mà đã “nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”, thì cái loại “thuốc” gây nghiện gấp triệu lần thuốc lào này khó mà dứt bỏ được.
Thế rồi, cả hệ thống chính trị tập trung vào tuyên truyền, giáo dục cho cả cộng đồng lẫn người nghiện về tác hại của MT. Có điều, “trận chiến” không tiếng súng nhằm chặn đứng nguy cơ làm rệu rã, băng hoại con người, nhất là thế hệ trẻ này quả là cực kỳ gian khó. Đà Nẵng phát triển với nhiều doanh nghiệp, trường học, cơ quan, đơn vị... khách vãng lai ngày một tấp nập đến Đà Nẵng, nhất là sau khi thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Đô thị loại 1 cấp quốc gia vào cuối năm 2003. Đây là tín hiệu lạc quan từ những bước đầu tiên xây dựng thành phố trẻ nhưng tiềm ẩn đằng sau đó là môi trường hoạt động thuận lợi cho các đối tượng tội phạm về MT và làm khó cho ngành Công an.
Địa bàn quận Hải Châu đất chật người đông với nhiều khách sạn, quán bar, karaoke, nhà trọ... là nơi tập trung nhiều đối tượng sử dụng các chất MT tổng hợp (còn gọi là MT đá hay “hàng đá”). Đặc biệt, 9 quán bar trên địa bàn là “điểm hẹn” của các đối tượng sử dụng MT, nhất là MT tổng hợp vào để “phê” thuốc qua âm nhạc và khiêu vũ. Chỉ riêng các vụ việc về MT liên quan đến các quán bar này, Trung tá Trần Văn Khá, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về MT – Công an quận Hải Châu, cho biết từ ngày 1-12-2010 đến ngày 10-5-2012, Đội đã khám phá 4 vụ gồm 10 đối tượng.
6 tháng đầu năm 2012, Hải Châu đã phát hiện, tiếp nhận, thụ lý 9 vụ gồm 10 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất MT. Riêng trong tháng 6 - “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, Đội đã tiến hành khám phá một chuyên án gồm 5 đối tượng chuyên sử dụng “hàng đá”. Kiểm tra nhà trọ 31/12 Châu Văn Liêm, phường Thuận Phước, Đội đã bắt Phạm Hà Mẫn Đạt vì tàng trữ 15 “chấm đá” (MT tổng hợp ketamin, mỗi “chấm đá” có hàm lượng tương đương với 1 gam); bắt Đỗ Văn Linh tàng trữ 11 gói heroin.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoa trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về MT - Công an thành phố Đà Nẵng, cho thấy, số vụ MT được khám phá 6 tháng đầu năm nay tăng 104% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nghĩa là, vẫn chưa thể “lơi tay súng” trong cuộc chiến phòng, chống MT.
Đã có một "thành luỹ"
Chính cái siêu lợi nhuận từ buôn bán MT đã khiến cho kẻ xấu ngày càng ra sức nghiên cứu, sáng chế ra nhiều loại MT mới với sự giúp đỡ của khoa học-kỹ thuật. Xưa, trồng cây anh túc ít nhất phải mất 6 tháng mới điều chế ra thuốc phiện và dùng nó cần phải có lỉnh kỉnh các dụng cụ bàn đèn. Nay, chỉ cần ngồi trong phòng thí nghiệm vài tuần là đã có thể “sản xuất” ra hàng loạt loại MT, gây lúng túng cho cơ quan chức năng.
Thuốc lắc hay ecstasy, một dạng MT tổng hợp xuất hiện lần đầu vào năm 2005 thì đến nay đã có nhiều “phiên bản” và trở thành thời thượng trong giới trẻ: “phi hàng đá bất thành sinh nhật”. Sự “biến hóa” muôn hình vạn trạng của MT đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng.
Thượng tá Hoa đơn cử như trường hợp bắt 492 viên TFMPP ở Khách sạn Jimmy trên đường Hồ Nghinh hồi năm 2009 nhưng không có căn cứ pháp lý để xử lý được. Sau khi ngành Công an kiến nghị, mãi đến ngày 22-2-2011, Chính phủ mới bổ sung chất này vào danh mục các chất MT và tiền chất trong Nghị định 17/2011/NĐ-CP của Chính phủ để cấm sử dụng trái phép.
Biết là khó, nhưng thành phố vẫn quyết tâm trên “mặt trận” phòng, chống MT mà minh chứng cụ thể là xây mới Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 Đà Nẵng với kinh phí 175 tỷ đồng (Trung ương 100 tỷ, thành phố 74 tỷ) tại cơ sở cũ ở Bàu Bàng, xã Hòa Bắc. Được đưa vào sử dụng hôm 28-6-2011, Trung tâm hiện có 239 học viên, trong đó có 236 học viên cai nghiện MT.
Ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm, cho rằng so với cơ sở cũ ở thôn Phò Nam bên kia sông Cu Đê, học viên về cơ sở mới được 4 “cái sướng”: (1) được người nhà thăm nuôi một lần mỗi tuần (trước, mỗi tháng); (2) được tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ (hát karaoke, xem phim màn ảnh rộng...), thể dục-thể thao (bóng đá, bóng chuyền, cầu lông…); được ăn ngon hơn với 700.000 đồng/tháng (trước chỉ 360.000 đồng)/học viên và hằng tuần được ăn thêm chất tươi; (4) được liên lạc về nhà tại 28 buồng điện thoại ở 7 ban toàn Trung tâm.
Học viên thấy cơ sở hạ tầng của Trung tâm 05-06 mới quá tốt đã thốt lên: Đến bây giờ mới thực sự gọi là cai nghiện! Đến nay, cả cộng đồng đã thấy chủ trương “Không có người nghiện MT trong cộng đồng” là đúng. Ý thức cộng đồng về tệ nạn MT đã được nâng lên; tuy vẫn còn một vài đơn vị thực hiện chưa tốt, chưa quyết liệt, nhưng nhìn chung, đã có một “thành lũy” vững chắc được tạo nên nhằm chống lại hiểm họa khôn lường này. Qua đó, mới thấy khó hay dễ còn tùy vào quyết tâm và cách làm.
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII trong hai ngày 3 và 4-7 vừa qua, HĐND thành phố đã xem xét chính sách hỗ trợ người cai nghiện MT thành công từ 5 năm trở lên, không tái nghiện trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người cho 239 trường hợp hiện đã cai nghiện MT thành công từ 5 năm trở lên, không tái nghiện. Riêng từ ngày 1-3-2012 trở đi, các trường hợp cai nghiện MT thành công từ 5 năm trở lên, không tái nghiện sẽ được hỗ trợ 1 lần với mức 10 triệu đồng/người. Chính sách đầy nhân văn này sẽ là động lực tích cực góp phần thực hiện thành công chủ trương lớn “Không có người nghiện MT trong cộng đồng” của “Thành phố 5 không”. |
VĂN THÀNH LÊ