.

Rác ở Khánh Sơn

.

Lẽ thường, khi trong nhà xuất hiện một bịch rác, người ta liền nghĩ ngay đến việc làm thế nào vứt chúng đi càng sớm càng tốt. Còn sau đó, rác đi đâu, về đâu, hay, rác được xử lý như thế nào, lại là chuyện không phải của mình…

Hàng trăm người tranh thủ lượm lặt rác thải trước khi chúng được chôn.
Hàng trăm người tranh thủ lượm lặt rác thải trước khi chúng được chôn.

Rác chồng lên rác

Bãi rác Khánh Sơn. Giữa ngày nắng chói chang. Theo chân ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải - thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (MTĐT) Đà Nẵng - tôi len theo từng giồng rác cao ngất ngưỡng. Trên “đỉnh” rác, người đàn ông cầm chiếc bánh mì đưa lên miệng ăn bình thản. Ngay cạnh, người đàn bà cũng bưng bát mì tôm vừa mua ở mấy cái quán “mọc” ngay quanh bãi rác ăn vội. Chốc chốc, một xe rác lại vào bãi đổ.

Xe đến nơi. Rác chưa kịp đổ xuống, từng chiếc cuốc chỉa đã được người nhặt rác ở đây giơ lên, hạ xuống nhịp nhàng. Rác bị xới tung.

Ở tổ 13 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, không ai lạ gì gia đình ông Nguyễn Văn Tiến khi có đến 5 thành viên dành ¾ thời gian trong ngày cho rác. Vì thế, chuyện ăn, uống, nghỉ ngơi được thực hiện ngay trên bãi rác lớn. Hôi cũng kệ. Nhớp cũng kệ. Đói cứ ăn. Mệt cứ nghỉ. Ông Tiến tâm sự: “Dù 10 năm qua sống nhờ bãi rác này, nhưng không biết nên cảm ơn nó hay ghét bỏ nó. Bởi, có rác thì mình dựa dẫm. Còn không thì, có lẽ mình đã đi làm nghề khác. Con cái cũng làm nghề khác. Có đâu cả gia đình cứ suốt ngày ở trên một bãi rác khổng lồ này”.

Ở Khánh Sơn, trung bình mỗi ngày có hơn 100 người lượm rác. Họ lấy từ đó chai lọ, bao nhựa, sắt vụn, cao su… để bán cho các vựa phế liệu. Công việc tưởng đơn giản lại giúp bãi rác Khánh Sơn phân loại một phần rác thải. Điều mà trong quy trình xử lý rác ở đây chưa thực hiện được trước khi chôn lấp.

Trái với mùi hôi thối nồng nặc như khi rác vừa được chuyển đến từ thành phố, tại một giồng rác khác, mùi của rác giảm hẳn. Ông Thái nói: “Rác ở đây đã được xử lý qua hóa chất theo hình thức phun sương (chủ yếu là chế phẩm sinh học L2100 CHV) trước khi tiến hành chôn lấp”.

Theo quan sát của chúng tôi, rác ở Khánh Sơn được chôn theo hình thức “lộ thiên”. Về bãi tập kết, rác được phun hóa chất để giảm thiểu mùi hôi, ruồi nhặng. Tiếp đó, trong quá trình xử lý sinh học, rác hữu cơ sẽ nhanh chóng phân hủy và lên men hiển khí, giảm thiểu được khối lượng chất thải. Lớp rác sau chồng lên lớp rác trước. Vài ba tháng, rác sẽ được phủ lên một lớp đất mỏng. Do đó, rác vẫn được chất cao, chắn ngang tầm mắt, dù đã được “chôn”.

Phương pháp xử lý lạc hậu

Trung bình mỗi ngày xí nghiệp xử lý 670 tấn rác thải sinh hoạt đô thị, trong đó 70% là rác hữu cơ. Mỗi tấn rác có mức xử lý 30 nghìn đồng. Ông Thái cho rằng, đây là mức kinh phí quá thấp. Trong khi Hà Nội, Sài Gòn, giá xử lý từ 12 đến 18 USD. Với mức này, Đà Nẵng chỉ có thể giảm thiểu mùi hôi của rác, chôn lấp hợp vệ sinh chứ không thể thực hiện các bước xử lý, tái chế tiếp theo.

Những năm qua, khi nhắc đến bãi rác Khánh Sơn, người ta thường đề cập đến những hạn chế của nó. Như thiếu hệ thống thu khí biogas; thiếu biển báo cách tường rào ít nhất 100m; bờ đê ngăn cách giữa các hộc rác thiết kế thấp nên không ngăn được nước mưa tràn vào hộc rác đang vận hành; thiếu hệ thống phun sương tự động (hiện nay việc phun hóa chất được thực hiện bằng tay theo phương pháp thủ công); khoảng cách khu dân cư và vành đai cây xanh ngắn; lượng bùn nạo vét mương máng, cống rãnh tập kết về bãi không có hộc chứa nên đổ bừa lên rác gây mất mỹ quan… Ngoài ra, cơ quan chức năng không tiến hành quan trắc chất lượng nước ngầm bên dưới bãi rác nên khó đánh giá được hiệu quả bảo vệ mạch nước ngầm khu vực chứa rác.

Có diện tích gần 52ha với tổng vốn đầu tư trên 2,8 triệu USD, bãi rác Khánh Sơn theo tính toán sẽ hoạt động trong vòng 15 năm (tính từ năm 2006). Đến nay, 2/5 hộc đã đầy rác. Bà Phan Thị Nữ, Trưởng phòng Công nghệ-Môi trường, Công ty TNHH  MTV MTĐT Đà Nẵng cho biết, khoảng 10 năm nữa, bãi rác này sẽ đóng cửa vì tuổi thọ hết. Do đó, bài toán trước mắt là giảm thiểu khối lượng rác thải đã qua xử lý. Điều này không dễ khi rác mỗi ngày một tăng, trong khi phương pháp xử lý vẫn cũ, lạc hậu.

Là đơn vị trực tiếp vận hành quy trình xử lý rác thải sinh hoạt tại Khánh Sơn, Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải luôn đối mặt với những tình huống phát sinh ngoài ý muốn. Ông Hà Văn Thái cho rằng, những khiếm khuyết từ khâu quy hoạch đã kéo theo hàng loạt khó khăn. Tài nguyên rác bị bỏ qua khi tất cả đều được chôn lấp. Ô nhiễm xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được quản lý chặt chẽ. Theo ông Thái, khi bài toán về hạch toán kinh tế không bảo đảm thì những hạn chế kể trên ở bãi rác Khánh Sơn vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Nilon phế thải thành dầu

Khoảng 3 tháng qua, đề tài trao đổi chính của bà con hành nghề nhặt rác ở Khánh Sơn là chuyện chiếc bao nilon dơ bẩn được chế biến thành dầu PO và RO. Dự án do Công ty CP Môi trường Việt Nam thực hiện. Nhà máy xây dựng trên diện tích 12ha với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 520 tỷ đồng. Khi hoàn chỉnh, nhà máy sẽ hình thành các dây chuyền phân loại, tách rác tự động. Tinh chế túi nilon để sản xuất dầu PO và RO. Sản xuất than sinh học từ rác hữu cơ rắn. Phân vi sinh từ rác hữu cơ mùn. Sản xuất gạch không nung (gạch lát đường) từ chất thải rắn vô cơ hay singa… Hiện tại, dây chuyền công nghệ sản xuất dầu từ nilon phế thải đã được chạy thử nghiệm. Từ nay tới cuối năm sẽ hoàn thành giai đoạn 1.

Trong phút nghỉ ngơi, ông Phan Đức Cư (tổ 2, Khánh Sơn) trầm ngâm: “Mấy năm trước, khi nghe loáng thoáng việc có nhà đầu tư xây dựng dây chuyền biến rác nilon thành dầu, chúng tôi rất phấn khởi khi nghĩ sản phẩm mình thu lượm được (nilon) sẽ có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu. Nhưng giờ nghe bảo có dây chuyền tách rác tự động, rác chuyển thẳng đến nhà máy. Không lượm rác nữa, người lao động như chúng tôi sẽ làm gì để sống”.

Đó cũng là lý do hàng chục hộ dân sống quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn đón nhận thông tin trên khá thờ ơ. Dù trước đó, lãnh đạo nhà máy đã hứa, sẽ xem xét nhận một số lao động có sức khỏe, tay nghề vào làm việc. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam nói, để giải quyết vấn đề dân sinh, thành phố cần vào cuộc một cách quyết liệt.

Cũng theo ông Tuấn, với tỷ lệ 8% nilon có trong 670 tấn rác phát sinh hằng ngày ở Đà Nẵng, nhà máy có thể sản xuất ra khoảng 17 tấn dầu PO và RO mỗi ngày. Đây là công nghệ sản xuất 3 trong 1 (than, gas, phân sinh học). Tùy theo nhu cầu của thị trường, nhà máy sẽ linh động trong vấn đề sản xuất. Hiện sản phẩm dầu PO và RO đã được kiểm định về chất lượng và được bao tiêu toàn bộ. Giá bán thấp hơn 10-15% giá thị trường. Từ công nghệ này, qua nhiều quy trình, rác thải cũng có thể sản xuất ra điện chiếu sáng.

Ông Lê Đỡ, Phó Tổng giám đốc, Công ty TNHH MTV MTĐT Đà Nẵng: Tương lai cần hướng đến phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, giảm khối lượng của rác, tạo ý thức cho người dân. Đà Nẵng cần quan tâm đến vấn đề xử lý, thu gom rác thải. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, nỗ lực của các đơn vị tư nhân như Công ty CP Môi trường Việt Nam khi tham gia vào việc xử lý rác thải, biến rác thành sản phẩm hữu ích là việc làm đáng biểu dương và cần nhân rộng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.