.
Tản văn

Thóc rơi

Lâu lâu về quê, ra đồng thắp hương cho mệ ngoại, tối về mất điện, tôi chong đèn ngồi lục lại những tờ kiểm tra những năm còn học tiểu học. Trong tờ đề bài ghi “Hãy kể về ước mơ của em”, tôi đã mở đầu thế này “Ước mơ của em là trở thành chủ xay xát gạo. Em sẽ không từ chối bất cứ một loại thóc nào, từ thóc mót, thóc mốc, thóc lép hay thóc quét đất...”. Đọc đến đây, nhớ mệ ngoại, tôi ứa nước mắt.

Mệ ngoại tôi trước là cô giáo trường làng. Mệ lấy chồng muộn, ông ngoại lại đi chiến đấu xa nhà hàng năm ròng nên chỉ có mỗi má tôi. Năm ông ngoại tôi hy sinh, mệ nghỉ dạy về trồng rau, nuôi gà. Tiền bán rau, quả trong vườn, bán trứng gà với đi gặt thuê cho người ta đủ cho mệ và má tôi, lúc đó mới mười tuổi rau cháo qua ngày. Mệ ngoại chỉ chính thức đi quét thóc rơi từ năm má tôi vào đại học.

Gặt lúa về, sau khi tuốt, người ta chở từng xe rơm ngất ngưởng ra đường lớn để phơi. Trong đám rơm ấy vẫn còn sót lại những hạt thóc dai chưa bứt ra khỏi nhành. Nắng ruộm làm những cuống thóc giòn đi, bứt khỏi nhành, rơi xuống mặt đất. Cuối ngày, khi người ta xốc về nhà những xe rơm được nắng thơm thơm nhẹ nhàng như mây, mệ ngoại tôi lại gánh gồng hai chiếc mủng nho nhỏ ra đường. Bằng chiếc chổi rành nhỏ, mệ cần mẫn cúi xuống mặt đất có những hạt thóc lẫn trong lớp sỏi, nhóm lại thành những góc nho nhỏ. Rồi bằng chiếc bát keng xanh, mệ ngoại xúc đổ vào trong mủng những bát thóc lẫn đất ấy. Mệ đi dọc con đường ra sông, đến khi lưng lửng hai mủng, mệ kẽo kẹt gánh về phía bến sông, sàng sảy, đãi chắt lấy những hạt chắc đem về nhà phơi trên góc sân nhỏ.

Tôi mới sáu tuổi, má tôi nhận quyết định thuyên chuyển lên dạy ở một trường miền núi. Tôi đòi má mang tôi và mệ ngoại đi cùng nhưng mệ không đồng ý. Đêm hè nằm quạt cho tôi, mệ thủ thỉ “Má con lên đó ở ký túc xá còn có đồng nghiệp, học trò. Mệ con mình phải ở nhà để giữ chồng cho má con, giữ ba của con. Ba con đi xây cất hoài, mỗi lần về lại thấy nhà cửa hoang vu, vắng lạnh, thể nào cũng sinh chuyện”. Chỉ một câu nói của mệ, tôi ngoan ngoãn ở lại.

Những buổi chiều mùa hè, khi mệ vun từng khóm đất nhỏ để sàng sảy những hạt thóc sót, tôi lại ngồi vắt từng nắm đất dẻo quẹo, ấn xuống mặt đất người ta vừa xốc rơm đi, thể nào những hạt thóc vương vãi còn trốn đâu đó cũng bị hút vào nắm đất. Tôi có hẳn một rá những nắm đất chim chim mang đi đãi. Trong khi mệ ngoại dầm chân dưới sông, đãi đổ, nhặt nhạnh, vứt đi thân lúa xác với sỏi nhỏ, tôi cũng trụng rá dưới nước, vừa bóp vừa khỏa cho hết đất, còn lại những hạt thóc vàng ươm quý giá. Khi đã xong việc, cũng là lúc quần áo tôi đã ướt mướp những đất với nước. Tôi ào xuống dòng nước mát lành của dòng sông, ngụp lặn giữa những hoa súng với thóc lép bồng bềnh.

Hôm nào đi quét thóc đất, tận tối mịt mệ con tôi mới về đến nhà. Mệ ngoại lại tất tả múc nước giếng cho tôi tắm lại rồi mò mẫm ra vườn hái rau nấu canh. Cơm nước xong, trăng lên sáng tỏ, mệ dạy tôi tập viết, tập tính, xoa lưng cho tôi ngủ và trở dậy mấy bận trong đêm quạt cho tôi nếu tôi nhõng nhẽo kêu nóng.

Hết mùa, trong khi nhà người ta lo cất thóc đã khô khén vào thùng, vào sập, vào cót, mệ ngoại tôi cũng cần mẫn ngồi sàng sảy lại đám thóc đất để cho ra những hạt thóc sạch sẽ, nguyên hình. Tổng cộng, mùa ấy, mệ ngoại và tôi có nguyên một sân gạch phơi thành phẩm của một mùa sàng sẩy, chắt bóp, ai ngang qua cũng tấm tắc. Mệ bảo chiều sẽ gánh hai thúng thóc đi xay xát thành gạo ngon nấu cơm cho tôi ăn. Tôi mừng lắm, cả chiều hôm ấy ngồi trên lớp mà cứ nhấp nhổm không yên. Khi tôi về đến cổng, mừng rỡ khi thấy đòn gánh gác gọn gàng lên chái nhà. Sau hè, mệ ngoại tôi, đôi lưng còng đang cầm chiếc chày lớn, giã thóc trong chiếc cối đá lớn đã sắp lên rêu.

Mệ nhìn tôi, nụ cười móm mém, hiền từ: “Cả làng cả xã mỗi cái máy xay xát gạo. Đông người chờ quá, mệ lo con tối nay không có gạo mới ăn nên mang về tự giã lấy vậy”. “Giã gạo lâu lắm, lại mệt nữa”, tôi phụng phịu. “Gạo giã có tấm, mệ còn cào được hến nữa, ăn càng ngon”. Nhanh chóng lấy lại nụ cười, tôi tung tăng ra ngõ chơi ô với chúng bạn.

Một nhóm phụ nữ đang xúm lại nói chuyện với nhau “Bà giáo Thứ cũng thật là. Con gái là giáo viên, con rể thì khỏe mạnh kiếm ra tiền, thế mà còn bày đặt đi quét thóc đất. Mang ra máy xay xát, nó thấy toàn thóc lép, cân lên nhẹ tưng, công xát chẳng được bao nhiêu nên không nhận, thế là bà giáo phải quảy gánh về”. Một người phụ nữ khác tỏ vẻ thông cảm “Cũng tội cho bà! Ngày xưa tôi học lớp bà giáo dạy đó. Bà hiền từ, thương học trò lắm. Đồng lương giáo viên của hai má con thì ăn vào đâu. Con bé con ốm đau suốt, thế mà ba mẹ nó đi biền biệt. Mỗi chiều bà giáo gánh thóc đất đi, dáng oằn xuống, không thương sao được. Đừng nói thế phải tội...”.

M.A

;
.
.
.
.
.