.
Tạp bút

Từ những dấu yêu

Những âm thanh đầu tiên, những sắc màu đầu tiên của cuộc đời đến với tôi qua khung cửa ấy, từ bậc thềm ấy. Cũng từ khung cửa ấy, bậc thềm ấy, tôi bắt đầu mơ về những chuyến đi.

Nắng mai đẻ trứng gà trên vách, tôi năm tháng tuổi đưa tay chụp bắt. Tiếng chim hót líu lo ngoài vườn, tôi nín khóc lắng nghe. Mẹ chống cửa lên cho nắng tràn vào căn buồng nhỏ, tôi cười nói bi bô với những bàn tay lá xôn xao.

Lớn thêm một chút, tôi bò quanh chiếc giường tre anh Hai tôi từng bò, rồi vịn cửa sổ đứng dậy. Tôi nhún nhảy trên chân bà theo chú mèo con giỡn nắng ngoài sân, vẫy tay mừng rỡ khi thoáng thấy bóng mẹ đi làm đồng về. Tôi giả tiếng gà chiếp chiếp, tiếng lợn ụt ịt, tiếng chó gâu gâu. Tôi chỉ tay vào lá ổi, vào bông bụt, vào hoa mướp mà phân biệt xanh với đỏ với vàng.

Tôi hai tuổi rưỡi, ba mẹ dời nhà. Nền cũ để lại, khu vườn đầy tiếng chim để lại, nhưng khung cửa sổ ấy thì mang theo. Tôi vẫn được ngồi bên khung cửa nhìn ba xắt thuốc bắc bốc cho bà con trong làng và chờ mẹ đi chợ về, đợi anh Hai chặt vỏ xoài làm cối xay với giao ước: “Ngồi yên đó mới được cho chơi” vì đã có lần anh chặt mía, tôi le te chạy lại ngồi bên bị ăn một cái cán rựa ngất xỉu. Rồi khu vườn nhà mới lại đầy tiếng chim với ổi, xoài, chanh, mít chẳng thiếu thứ gì. Những buổi trưa hè, gió từ vườn thổi vào mát rượi ru tôi chìm vào cổ tích ban ngày.

Em gái, rồi em trai lần lượt ra đời. Tôi ôm em trên chiếc giường tre đặt cạnh cửa sổ ấy cho mẹ hái rau, giặt giũ, nấu cơm. Tôi chỉ cho em mây bay ngoài kia, cánh hoa mào gà rung rinh ngoài kia. Tôi hát ru em lời ầu ơ ngọng nghịu, rằng con mèo con chó có lông, rằng gió mùa thu chị ru em ngủ. Khi em tôi ngủ rồi, tôi lại đưa mắt nhìn đàn chim bay về phía chân trời tít tắp, mà suy tư rằng không biết nơi ấy có gì lạ, có gì vui.

Chị em tôi trải những món đồ chơi ra đầy hiên nhà. Chơi đồ hàng! Đó là trò khoái nhất của lũ con nít làng tôi thuở ấy. Những xoong nồi, bát đũa, chai lọ bé tí bằng nhựa cho chúng tôi thỏa nỗi ước ao làm người lớn. Chơi đồ hàng, càng đông càng vui, bọn trẻ con trong xóm tụ tập trên cái hiên nhà tôi đông như hội. Mua bán chào mời rộn rã. Nấu nấu ăn ăn rộn rã. Tiền lá mít giắt lưng quần. Tàn những cuộc làm người lớn, hiên nhà tôi lại sạch sẽ, láng bóng cho mẹ ngồi sàng gạo. Và bài học về làm việc một cách có khoa học, tôi học đầu tiên tại đây, khi nhận nhiệm vụ nhặt thóc cho mẹ.

Hiên nhà, chỉ nhắc đến hai từ ấy thôi, tim tôi đã rung lên những nhịp yêu thương. Ấy là nơi tôi ngồi đuổi gà buổi trưa mùa phơi lúa, thấy con gà nào chạy đến nong lúa là cầm chiếc dép liệng cho một cái trúng ngay cẳng, kêu quang quác. Ấy là nơi mấy anh em tôi thi nhau lặt đậu phộng, ai lặt nhiều nhất khỏi phải nấu cơm tối. Ấy cũng nơi tôi trải cái nong ra rồi lăn vào đó học bài làm bài, nghe tiếng reng reng ngoài đường cái là chạy ngay lên đầu hè lấy mấy cục sắt nhôm lượm được đem đổi cà-rem, những cây cà-rem của tháng ngày nghèo khó chỉ toàn đá với nước đường lại làm tôi thèm thuồng đến thế. Là nơi tôi dạy em gái chơi chi chi chành chành, chơi ô ăn quan, chơi tập tầm vông tay không tay có, rồi nhảy lò cò. Là nơi tôi bắc ghế ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, nghe mẹ kể chuyện thời con gái với thoáng tự hào lẫn tiếc nuối xa xăm. Là nơi tôi quạt cho nội nồi than ấm chiều đông cuối cùng...

Hiên nhà, đấy cũng là nơi đặt chậu cá cảnh của em trai tôi. Em mê tít những chú cá bé xíu bơi loăng quăng trong chiếc chậu nhỏ mà anh Hai tôi lấy xi-măng thừa trộn cát đúc cho. Chiếc chậu nhỏ, thêm mấy cục đá đặt giữa, vài mảnh san hô, ít viên bi, đôi ba cọng rong nhặt từ sông, dăm bảy cánh bèo hoa dâu. Cả thiên đường của em tôi đấy. Có lần, em chơi cá quên cả giờ học, mẹ tôi giận quá đập bể cả chậu cá. Em gào khóc đến sưng cả mắt. Thương em, tôi đâm giận mẹ. Giờ thì mọi chuyện đã xa xôi quá rồi, em trai tôi cũng không còn nữa. Nhưng mỗi lần trở về, nhìn vào góc hiên ấy, tôi lại như thấy em tôi đang lúi húi cho cá ăn, mắt sáng lên hồn nhiên, em gọi tôi hí hửng: “Chị Ba, con cá mẹ đẻ một đàn cá con luôn. Chị thấy cu có giỏi không?”.

Bao nhiêu là thương mến đã đến và ở lại lòng tôi như thế, mặc cho dòng đời cuộn chảy, mặc cho tôi của bây giờ có đôi lúc bị cuốn vào những vòng xoáy khốc liệt. Từ khung cửa sổ nhìn trời nhìn mây, tôi biết dệt cho mình những thảm ước mơ, để tôi ngồi lên tấm thảm ấy mà bay đến những chân trời rộng mở. Nhưng dù có bay đến đâu, tôi vẫn mãi hoài không xa hiên nhà với ắp đầy kỷ niệm ấu thơ cùng những bài học  làm người đầu tiên. Để khi mỏi mệt trên đường thiên lý, là tôi có thể chạy ngay đến, ngả đầu vào vòng tay trìu mến kia mà tìm lại tin yêu.

Nên tôi bỗng lo sợ mơ hồ, khi chỉ rất ít cánh tay học trò giơ lên khi tôi hỏi: “Nhà em nào có hiên nhà và cửa sổ?”.

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.