.

Thư của mùa xưa

.

1. Anh chị lấy nhau cũng gần 30 năm, nhưng vì  anh công tác xa nên thời gian không gần gũi nhau cũng gần 15 năm. Xa nhau nên ngày trước mọi thông tin liên lạc chỉ bằng thư từ. Anh vẫn thường viết thư cho chị từ hồi mới quen nhau cho đến những năm tháng sống đìu hiu đơn độc trên một vùng núi. Ngôi trường nơi anh dạy học là một huyện cực Nam của tỉnh Đăklăk, cách thành phố Buôn Mê Thuột tới 130 cây số, đường đi lại độc đạo xuyên sơn, dằng dặc cả ngày đường mới tới nơi, chưa kể là ngày ấy Fulro đã từng nhiều lần xả súng rất nguy hiểm. Thời ấy, đó là vùng đất hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.

Thư cho nhà thường được viết trong bảng lảng sương mù hoặc khuya khoắt với những cơn gió cao nguyên lộng hành thổi ù ù trong u thẳm bóng đêm đến rợn người nên bao giờ cũng chắt chiu từng dòng cảm xúc mang mang bổi hổi ngập tràn trang giấy những nồng ấm khó quên. Thư tình của một người đang bị đóng đinh bằng nỗi cô đơn đến cùng độ bao giờ cũng mang lại nơi người nhận những xúc động ngọt ngào. Mười lăm năm chia cắt, thời ấy đi lại khó khăn trắc trở, những cuộc hành trình đi về đổi xe đổi tuyến ăn bờ ngủ bụi nhưng những ngày về phép thật ngắn chẳng tầy gang. Cả 3 lần sinh con một mình chị vượt cạn trong cô đơn khắc nghiệt phải khép lòng không nói cùng ai. Chị phải bỏ công việc nhà nước một mình chạy chợ thân cò quãng vắng để thương khó nuôi con. Anh hiểu điều đó nên bao nhiêu uất nghẹn lo toan và những niềm thương nhớ như những đợt sóng trào luôn ùa lên những trang thư ngập tràn nước mắt. Thời gian của ngút ngàn cách biệt trong nỗi bất an thường trực để anh hiểu sự cần thiết bên nhau mang ý nghĩa lớn lao vô cùng.

2. Chị quý những bức thư vô vàn. Trân trọng đến nổi mỗi lần nhận thư là mỗi lần run rẩy, bần thần bởi ở đó là nguồn an ủi lớn lao nhất giữa ngược xuôi trần thế. Chị cẩn thận lưu giữ để đêm đêm những lúc buồn tủi nhất lại đem thư ra đọc, đọc ngây ngất trong những khoảnh khắc hạnh phúc đến lặng người. Chị lại tự hào với những bức thư, đến nỗi những đứa con lớn lên đều thuộc lòng thư của bố vì được mẹ cứ đọc đi đọc lại. Những lá thư như một cuốn sử ký nhiều chương hồi về một chuyến viễn hành của ký ức được gọi tên là tình yêu. Các đứa con lớn lên trong khốn khó vẫn giữ riêng cho mình niềm tự hào về cha mẹ, tự hào một cách mông lung  đôi khi có phần tội nghiệp nhưng với chị là một điều cần thiết.

3. Đã 30 năm, cuộc sống cứ lao về phía trước bỏ lại một thời khốn khó sau lưng. Các con đã bắt đầu trưởng thành, gia đình đã sum họp. Thi thoảng anh lại lặng lẽ lục trong ngăn tủ của chị. Chiếc hộp thiếc đã hoen rỉ vì thời gian đựng đầy những lá thư cũ của mùa xưa. Thư viết thời bao cấp được viết trên nhiều loại giấy: giấy học trò vàng ố, phía sau những tờ lịch ngày và những tờ tranh cổ động… nghĩa là vơ được cái gì thì viết cái ấy. Anh đang đọc lại ký ức, bùi ngùi ngổn ngang  tâm trạng. Không phải mọi cái đều trơn tru bình lặng cho dù là quá khứ từng nụm nịm yêu thương. Nhớ, thổn thức. Xa xót. Những khoảng thời gian chị không nhận được thư. Mong ngóng, vật vã, bàng hoàng. Những cuộc phiêu lưu mềm lòng mê đắm không biết trước của một người thường xuyên đối bóng côi cút giữa rừng già. Thôi thì những lầm lỗi thời tuổi trẻ… cứ coi như “những phút giây ngoài chồng ngoài vợ” như một câu thơ của ai đó. Và chị đã từng tha thứ. Những thời khắc khủng khiếp nhất của cuộc sống vợ chồng, chính chị chứ không phải một ai khác, tự đứng dậy bằng cách đọc lại những bức thư bằng một tâm thế thật mãnh liệt, rằng không thể có điều gì trắc trở khác lòng với một người đã từng có những lá  thư như thế. Niềm tin hay là một cách tự huyễn hoặc tự dối mình, như ngụy tín để vượt qua nỗi đau của riêng chị  Những khi nghĩ đến điều này, có lúc anh cảm thấy ngượng ngùng, nhưng cũng như chị khi  không còn trẻ nữa ngồi đọc lại những lá thư của mùa xưa, anh cảm thấy mình không làm thương tổn chị bởi tất cả những gì viết ra đều rất đổi chân thật, sự chân thật mà ngay người viết ra nó cũng ngỡ ngàng. Và như thế, trong một góc khuất của tâm hồn, anh thầm cám ơn người vợ thương khó đã giữ gìn những kỷ vật. Cám ơn những thư của mùa xưa, vì khi đọc lại, anh cảm thấy một chút nhẹ lòng dù cuộc sống chưa hẳn đã hết nhọc nhằn.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.