.

Thức tỉnh lương tri

Trong những ngày này, nhân dân trên cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đều hướng đến những hoạt động tri ân các thương binh, liệt sĩ, những người có công với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc cũng như làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam trên đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” (thơ Tạ Hữu Yên). Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ấy được nhân lên gấp bội, khi từ năm 1947, Hồ Chủ tịch chỉ thị lấy ngày 27-7 hằng năm làm Ngày Thương binh, sau đổi thành “Ngày Thương binh-Liệt sĩ”.

Không chỉ đến ngày này, mà mọi ngày trong năm, nhất là từ khi đất nước và nhân dân hưởng hòa bình, tự do và độc lập, những người thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được quan tâm thường xuyên, bằng nhiều hình thức, cả vật chất và tinh thần. Đó là sự tri ân vô cùng quý báu, bởi như Hồ Chủ tịch đã viết “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do (…). Những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Thực hiện lời dạy đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng luôn dành những tình cảm trân trọng nhất cho những liệt sĩ, thương binh, người có công một cách cụ thể và rõ ràng nhất, rất dễ nhớ để dễ làm. Đó là làm sao cho đời sống gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống chung của nhân dân tại địa phương; đó là làm sao chăm sóc chu đáo sức khỏe của những thương binh và nơi an nghỉ cho các liệt sĩ; là tìm kiếm, quy tập những hài cốt liệt sĩ còn chưa tìm thấy… Và cao hơn hết, chính là làm sao thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao phó, để góp phần xây dựng thành phố quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn, để xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của bao thế hệ. Bởi, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “… Mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.

Đó chính là sự thức tỉnh lương tri mỗi con người Việt Nam, mỗi khi tưởng nhớ đến sự mất mát hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, của hàng triệu người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc và thống nhất đất nước. Để từ đó, mỗi người vượt qua những khó khăn, gian khổ, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả tinh thần, đấu tranh với những thế lực đen tối, đe dọa sự tồn vong của đất nước và tự do của dân tộc. Những thế lực ấy, không chỉ đến từ bên ngoài, mà cả bên trong của từng con người. Đấu tranh với “cái bên trong” ấy, là điều quan trọng và quyết định; nhất là trước những cám dỗ khó cưỡng lại được trong những ngày đất nước hòa bình, trước những làn sóng phát triển và hội nhập ngày càng diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Có chiến thắng với thế lực bên trong đó, thì mới đủ sức cùng nhau chống kẻ thù từ bên ngoài, để tiếp tục bảo vệ và xây dựng đất nước, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thương binh, liệt sĩ đã không tiếc máu xương của mình đổ xuống!

Đó là sự thức tỉnh lương tri của toàn nhân loại, sau những mất mát hy sinh do chiến tranh để lại. Bởi nỗi đau chiến tranh luôn khắc sâu những vết cắt trong lòng người, mà sự xoa dịu không phải là ngày một ngày hai. Chính vì thế, thấm thía nỗi đau ấy, sự sẻ chia là cầu nối dẫn dắt cho mỗi con người đi về phía chính nghĩa, phía hòa bình. Với sự thức tỉnh lương tri đó, nhân loại mới đủ dũng cảm để đoàn kết trên cùng mặt trận, đấu tranh ngăn chặn các thế lực đen tối, những kẻ hiếu chiến luôn lăm le xâm phạm chủ quyền và xâm chiếm đất nước, dân tộc khác đang sống trong hòa bình, độc lập… Đó cũng là khát vọng chính đáng và chính nghĩa của mỗi dân tộc trên thế giới này.

Trước những mất mát, hy sinh to lớn của thương binh, liệt sĩ, thì sự thức tỉnh lương tri trong mỗi con người, chính là việc làm cần thiết nhất và có ý nghĩa nhất!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.