“Tôi muốn trao cơ hội cho các em, những bạn trẻ khiếm thính nhưng rất thông minh”, bà Kathleen Josephine, chủ tiệm Bread of life-Bánh sự sống, số 4 Đống Đa, Đà Nẵng nói về đội ngũ nhân viên đặc biệt của mình.
Bà Kathleen (thứ 3 từ trái qua) trực tiếp dạy nghề cho nhân viên của mình. |
Khéo léo như ai
Không thể trò chuyện như những nhân viên bình thường, nhưng qua đôi tay múa dấu mềm mại, ánh mắt thật tập trung và thân thiện, các bạn khiếm thính của quán Bread of life cũng khiến khách hàng hết sức hài lòng. Trong bộ đồng phục áo đỏ, mũ trắng, cô “đầu bếp” Võ Thị Kim Oanh (26 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) tỏ ra rất chuyên nghiệp với các món Âu như Pizza, mì Ý, hambuger… Từ một người khiếm thính, tình cờ biết bà Kathleen qua một người bạn hồi cuối năm 2006, Oanh đã trở thành người có nghề nghiệp và chỗ ở ổn định. Vui hơn cả, cô đã có được tổ ấm bé nhỏ và đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng ra đời trong niềm hạnh phúc khôn tả của “bà ngoại” Kathleen.
Cũng rẽ vào nghề một cách bất ngờ và may mắn như Oanh, Phan Tài Toàn (quận Hải Châu) cho biết ban đầu anh có ý định đi học in lụa. Nhưng muốn học cái gì cũng cần phải biết “nói”, thế nên Tài mong muốn được gặp bà Kathleen để học ngôn ngữ ký hiệu. “Vậy mà cũng 7 năm, giờ tôi lại là người thợ làm bánh”, Tài cười rạng rỡ.
Bread of life như một dây chuyền chế biến chuyên nghiệp, mỗi người một công việc phối hợp nhịp nhàng. Nhìn cô gái trẻ Phan Thị Diễm (18 tuổi, quê Gia Lai) mướt mồ hôi với các thao tác nhào, nặn bột trong sự hướng dẫn tận tình của bếp trưởng Tâm, mới cảm nhận hết sự say mê và khéo léo không thua kém bất cứ ai ở những bạn trẻ này.
Giảm kỳ thị để mở ra cơ hội
Sang Việt Nam từ năm 1998, với tư cách là thành viên của Tổ chức World Concern (Tổ chức Quan tâm thế giới), thực hiện những dự án giúp đỡ trẻ em khiếm thính ở độ tuổi 13-19. Năm 2005, dự án dừng hoạt động, thay vì quay trở về Mỹ, bà Kathleen Josephine và chồng, ông Bob Huff đã chọn Đà Nẵng là chốn dừng chân và Bread of life ra đời. Bà cho biết khi đến Việt Nam làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với trẻ khiếm thính, hình ảnh bất hạnh của các em đã in sâu trong trái tim. Bà muốn ở lại, giúp đỡ các em nhiều hơn để các em có cơ hội hòa nhập xã hội.
Đến nay, Bread of life có 27 nhân viên, trong đó có 18 em bị khiếm thính, các em chia nhau làm việc theo ca. Nhân viên của Bread of life đến từ các tỉnh xa đều được ông bà Huff bố trí nơi ăn ở. Nữ ở trong ký túc xá được thuê riêng, nam ở ngay tại cửa hàng.
Nói về những nhân viên của mình, bà Kathleen luôn dành cho họ những lời đầy yêu thương: “Điều tuyệt vời nhất là các em rất chăm chỉ và nhiệt tình. Dù không nghe, không nói được nhưng các em luôn chú ý đến thái độ của khách. Khách vui thì niềm vui đó rạng ngời trong ánh mắt của các em.” Bà tâm niệm: “Tôi chỉ hy vọng qua tiệm bánh của mình, mọi người bước vào sẽ có cái nhìn khác về người khiếm thính. Chừng nào suy nghĩ thương hại không còn tồn tại, chừng ấy trẻ em khiếm thính đến tuổi lao động mới có nhiều cơ hội được tuyển dụng và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp trong tương lai”.
NHẬT HẠ