.

Trên những công trình tình nguyện

.

“Nếu ai nghĩ các bạn nữ đi tình nguyện chỉ cho vui là... nhầm rồi. Các bạn xông xáo và nhiệt tình vô cùng. Có bạn làm việc mệt quá ngất xỉu, được động viên về nhà nhưng nhất quyết từ chối, hôm sau lại thấy ra công trường trộn hồ”.

Hà Vi (bên phải) xông xáo vận chuyển vật liệu cùng các bạn nam trong chuyến đi tình nguyện tại thôn Dương Lâm I, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Hà Vi (bên phải) xông xáo vận chuyển vật liệu cùng các bạn nam trong chuyến đi tình nguyện tại thôn Dương Lâm I, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Không sợ đen và xấu

Trong đợt đi tình nguyện hè vừa rồi, ngày nào bạn Thái Thị Bích Thủy, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà cũng có mặt từ sáng sớm, cùng gần 100 đội viên khác làm đường bê-tông tại tổ 1 phường An Hải Đông. Suốt buổi thi công, Thủy không nề hà bất cứ công việc nào từ đào đất, san nền đến vận chuyển vật liệu. Chỉ qua mấy ngày, làn da trắng hồng của cô bạn đã sạm hẳn. Bàn tay vốn chỉ quen cầm bút, làm việc nhẹ nhàng nay thường xuyên bị phồng rộp. Nở nụ cười trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, Thủy bảo: “Mệt, nhưng vui. Nếu sợ đen, sợ xấu thì mình đã không xin đi tình nguyện rồi”.

Cũng như Thủy, mùa hè năm nay Lê Nguyễn Hà Vi, sinh viên năm 4 Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã từ chối chuyến du lịch Hạ Long cùng gia đình để tham gia đi tình nguyện do nhà trường tổ chức, tại thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Suốt gần 10 ngày dầm mình giữa thời tiết thất thường, Vi trở nên rắn rỏi hơn hẳn. Mấy hôm đầu còn e ngại nắng, gió, nhìn đoạn đường đất dài ngoằng, lổm nhổm những đá, sỏi, bụi rậm, Vi ngán ngẩm. Hôm ra công trường, Vi cẩn thận đeo khẩu trang, bao tay. Lo cô không làm nổi việc ở “tiền tuyến”, một cậu bạn trong đoàn định chuyển Vi về đội hậu cần. Vậy là sợ “mất việc”, Vi đã xông ra khuân vác vật liệu, tát nước, kéo xe rùa như một chàng trai chính hiệu. Sau một ngày vất vả trên công trường, tối về Vi lại cùng các bạn tham gia các hoạt động tập thể khác.

Nói về những bạn nữ trong đoàn, Nguyễn Tấn Quang, sinh viên Đại học Kiến trúc không giấu sự thán phục: “Nếu ai nghĩ các bạn nữ đi tình nguyện chỉ cho vui là... nhầm rồi. Các bạn xông xáo và nhiệt tình vô cùng. Có bạn làm việc mệt quá ngất xỉu, được động viên về nhà nhưng nhất quyết từ chối, hôm sau lại thấy ra công trường trộn hồ”.

Tự hào với màu áo tình nguyện

Nhiều bạn nữ đã chia sẻ rằng, khi khoác lên mình chiếc áo xanh tình nguyện, họ thấy mạnh mẽ và chủ động hơn. “Sau mỗi chuyến đi, tụi mình đã chứng minh cho mọi người thấy, con gái cũng có thể đảm nhận được những phần việc mà lâu nay tưởng chỉ dành riêng cho các bạn nam”, Bích Thủy tự hào nói. Còn cô bạn Võ Thị Ngọc Ánh (Đại học Bách khoa) chia sẻ: “Trước đây mình vẫn nghĩ, những công việc nặng nhọc không thuộc về phái yếu. Nhưng sau chuyến đi tình nguyện ở Đăklăk (năm 2011), mình đã thay đổi suy nghĩ. Bây giờ, ở nhà mình sẵn sàng giúp ba sửa điện, sơn lại vách tường cũ,  giúp bà ngoại chở hàng ra chợ”.

Sự năng nổ các bạn nữ trong những chuyến đi tình nguyện còn tạo được niềm tin nơi các bậc phụ huynh. Tự hào khi nói về sự thay đổi của con gái, cô Đào Thị Anh, mẹ Vi chia sẻ: Hôm cháu về đến nhà, da đen nhẻm, mặt đầy mụn. Mới 2 tuần mà trông con bé như từ… rừng bước ra vậy. Nhìn cảnh ấy cả nhà ai cũng xót, nhưng thấy con mạnh mẽ hơn nhiều, nên năm sau nếu Vi xin đi gia đình cũng không ngăn cản.

Anh Cao Xuân Thịnh, Bí thư Đoàn trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: “Chương trình tình nguyện hè được Đoàn trường triển khai từ cuối tháng 6 với hơn 200 tình nguyện viên tham gia, trong đó nữ chiếm 1/3. Các bạn rất nhiệt tình trong công việc và sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh”.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.