.

Trên quê hương cụ Trần

.

Nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã viết: “Nước Việt Nam có nhiều anh hùng trên chiến trường nhưng có ít người rao giảng chân lý đã chết vì chân lý”. Ở đất Quảng có Tiến sĩ Trần Quý Cáp, người đã “rao giảng chân lý” và đã “chết vì chân lý”.

Cứ mỗi dịp lễ, Tết, học sinh lại đến dâng hương mộ cụ Trần Quý Cáp.(Ảnh do Trường THCS Trần Quý Cáp cung cấp)
Cứ mỗi dịp lễ, Tết, học sinh lại đến dâng hương mộ cụ Trần Quý Cáp.(Ảnh do Trường THCS Trần Quý Cáp cung cấp)

Chính tâm chí hào hùng, lòng yêu nước nồng nhiệt cùng cái chết bi tráng của cụ đã gây xúc động mạnh biết bao thế hệ. Và những câu chuyện về tấm lòng trung kiên của cụ vẫn được nhiều người kể lại cho con cháu mình nghe.

Cơn gió cụ Trần

Dù đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Nguyễn Phú Trục thôn Nhị Dinh (xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nhớ và kể lại vanh vách những câu chuyện về người chí sĩ yêu nước Trần Qúy Cáp. Chuyện không khác những gì đã được sử sách ghi lại, nhưng ông nhấn nhá ở đoạn kể về giờ phút cuối cùng của cụ Trần khi bị chém ngang lưng ở Khánh Hòa. Tỏ rõ khí phách của bậc anh hùng, trước mặt tên Công sứ Pháp và các quan lại triều Nguyễn, cụ Trần đã giằng khăn bịt mắt, xin quan giám trảm cho đặt hương án, bái tạ bốn phương trời, bái tạ quê hương mình, bái tạ nhân dân Diên Khánh, rồi ngồi xếp bằng, bình thản chờ đao phủ.

Sau này, khi hài cốt của cụ được học trò và gia đình rước về chôn cất ở nghĩa trang Gò Bướm, ông Trục vẫn nhớ những năm trước 1945, cứ đến ngày giỗ của cụ, học trò cụ khắp nơi về Điện Phước cắm rợp cờ từ đầu cầu Vĩnh Điện theo đường ĐT 609 (nay là đường Trần Quý Cáp) lên tận mộ cụ để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Rồi chiến tranh kéo dài, nên ngày giỗ cụ được gia đình tổ chức tại nhà, nhưng những thế hệ học trò của những ngôi trường mang tên cụ vẫn ra mộ làm lễ viếng hằng năm.

Cùng với một số người già trong làng, ông Trục cho biết thêm, cứ đến ngày giỗ của cụ lại có một luồng gió lạ đi sát qua vườn, vào một số nhà trong thôn rồi đi ra. Người dân Nhị Dinh thành kính gọi đó là gió cụ Trần.

Tấm gương cho thế hệ mai sau

Hơn 30 năm, Trường THCS Trần Quý Cáp vinh dự được mang tên người chí sĩ yêu nước. Năm 2009, trường được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, bao thế hệ thầy và trò xã Điện Phước đã không ngừng học tập, phấn đấu theo tấm gương hiếu học của cụ Trần. Hiệu trưởng Phan Minh Vinh chia sẻ, mặc dù cuộc đời hoạt động của cụ rất ngắn nhưng những gì cụ để lại rất to lớn với đời sau.

Để các thế hệ học trò không quên nguồn gốc, đầu mỗi năm học nhà trường đều tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu tiểu sử liên đội” trong đó có nội dung về cuộc đời và hoạt động của Trần Quý Cáp, từ đó vun đắp tinh thần hiếu học, lòng yêu quê hương, uống nước nhớ nguồn trong mỗi học sinh. Đồng thời, trong phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, học sinh của trường còn nhận chăm sóc khu vực lăng mộ của cụ.

Hằng năm, cứ vào những dịp lễ, Tết như ngày giỗ của cụ, ngày Tết cổ truyền, ngày Thương binh liệt sĩ, ngày Quốc khánh 2-9…, nhà trường đều tổ chức cho đội viên, đoàn viên những buổi thăm viếng, thắp hương. Sau mỗi mùa lũ, học sinh cũng thường xuyên tự giác ra dọn cỏ, lau nhà bia, quét sạch bùn đất để lăng mộ luôn sạch sẽ, ấm úng.

Dù đã ra trường được nhiều năm, nhưng bạn trẻ Mỹ Hạnh (thôn Nhị Dinh) vẫn còn nhớ những lần thi chuyển cấp, thi học sinh giỏi em vẫn cùng các bạn mang vôi ra quét lại mộ cụ cho khang trang, sạch sẽ và thắp hương mộ cụ, với niềm tin sẽ được cụ phù hộ.

Có lẽ, theo tấm gương hiếu học của cụ mà nhiều thế hệ học trò lớn lên từ ngôi trường này đã rất thành công trên con đường học vấn. Mới đây, tân Tiến sĩ Trần Nhật Tân, giảng viên Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, về thăm trường và trao học bổng cho học sinh giỏi.

Ông Đào Cúc, Chủ tịch UBND xã Điện Phước, cho biết cùng với phong trào Nông thôn mới, bộ mặt của quê hương đang thay đổi từng ngày, khi nghe tin con đường Trần Quý Cáp nối từ thị trấn Vĩnh Điện lên Bến Đá sắp tới được mở rộng, chạy dài lên giáp huyện Đại Lộc, nhân dân Điện Phước không khỏi vui mừng, tự hào vì xã có thêm con đường mang tên người chí sĩ yêu nước nổi tiếng. Rồi mai đây, con đường này không chỉ là giao thông huyết mạch của xã, mà còn là nơi giáo dục, nhắc nhở thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Riêng tại hai thôn Nhị Dinh 1 và 2 có khoảng 500 hộ mà có tới 5 tiến sĩ, trong đó cụ Trần là vị tiến sĩ đầu tiên. Sau này có thêm TS Trần Văn Thọ (GS Đại học Waseda, Tokyo), TS Trần Văn Nam (Giám đốc Đại học Đà Nẵng), TS Mai Đức Lộc (Tổng biên tập Báo Đà Nẵng) và TS Trần Nhật Tân.

Cũng theo ông Cúc, những đóng góp của cụ Trần cho phong trào Duy Tân là niềm tự hào của quê hương, là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về truyền thống hiếu học. Năm 1998, xã Điện Phước vinh dự được phong tặng đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xã có 852 liệt sĩ, 76 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 152 thương bệnh binh và hàng ngàn gia đình có công với cách mạng.

Trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, người dân là chủ thể, quyết định, phát huy truyền thống quê hương, đây chính là một yếu tố khơi dậy tinh thần yêu nước truyền thống lịch sử. Các nhà trí thức Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành Ý, Mai Dị… không chỉ là những tấm gương sáng mà còn là động lực để thế hệ sau noi theo.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.