.
TRUYỆN NGẮN

Cao nguyên

.

Đi miền Trung về, nghe cô Hiền nhắn có Thái gọi ba lần. Anh nhấc máy gọi Thái, Thái hỏi, lên ngay được không. Anh đáp, chưa kịp thở đây, rồi lại hỏi, có chi gấp không. Thái đáp, gấp. Thế là nhân có hai ngày nghỉ, anh chạy ù ra bến xe đi B.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thái là bạn cùng quê của anh. Hồi thi vào Đại học, Thái chọn Mỹ thuật, anh đi học Lâm nghiệp. Bẵng đi chục năm, anh bỗng gặp Thái trong một quán cà-phê ở B. Hắn vẫn thế, ăn mặc cẩu thả, gầy nhom nhem, mắt sáng, miệng cười rộng đến mang tai. Hắn hỏi, răng mi ở đây. Anh đáp, răng mi ở đây. Hóa ra, một lần thực tập, hắn mê xứ này, quyết định ở luôn. Hắn đã có vợ và đứa con trai lên ba. Hắn vẽ, vợ hắn đan len, những chiếc mũ màu hồng, những chiếc khăn màu xanh, những chiếc áo sặc sỡ cho người xứ lạnh và du khách. Nhà hắn nhỏ nhưng gọn gàng, xinh xắn. Phòng lớn nhất khoảng 18, 20 mét dành cho hắn vẽ. Anh sững sờ nhìn những bức tranh hắn treo san sát bên tường. Những con người của hắn khắc khổ, đau đớn. Những bông hoa của hắn thắm tươi, dịu dàng. Rất nhiều những bức vẽ hoa quỳ. Từng bông hoa, từng khóm hoa, từng vạt hoa. Quỳ còn nụ, quỳ nở xòe những cánh vàng, quỳ đã tàn với những lá úa nâu. Hắn than, cả tháng nay đầu óc lùng bùng, tay chân lóng ngóng, chả làm được gì. Vợ hắn chen vào, gặp anh lúc này thật may, em rất sợ những khi anh ấy không vẽ được, hai mẹ con em cứ rón rén, lo âu như nhà có hung thần vậy. Hắn cười buồn bã.

Từ đó, thỉnh thoảng Thái về thành phố ghé anh, thỉnh thoảng anh ra bến xe, tìm một chỗ ngồi lắc lư 5, 6 tiếng đồng hồ, lên chơi với Thái. Anh cũng đâm mê cái miền đất mơ màng đó, cái miền đất có thể chứa chấp Thái, một họa sĩ lãng tử, Ninh – tay nhiếp ảnh lang thang, suốt ngày đeo ba-lô trèo đèo lội suối để chụp ảnh phong cảnh và Vạn, tay guitar cổ điển tài hoa nhất mà anh từng gặp. Nhóm của họ còn có Tư, thầy giáo Anh văn, nghèo, ăn chay, nói tiếng Anh hay đến nỗi có một cô người Áo rồi một cô người Ireland đòi kết bạn. Hỏi Tư, anh cười, chuyện bá láp. Họ thấy mình lạ, mình thấy họ lạ, hấp dẫn nhau bởi cái lạ chứ có hiểu gì nhau đâu. Sự đồng chủng là điều kiện căn bản của hôn nhân cậu ạ. Hình như vợ Tư sang Mỹ lấy một người Đức. Chẳng ai dám hỏi Tư về chuyện đó. Tư có thể ngồi lặng yên hàng giờ nhìn Thái vẽ, nghe Vạn chơi đàn hoặc ngắm nghía những bức ảnh của Ninh bày la liệt trên sàn nhà. Có lần Tư nhặt một bức tranh bị vò nát, quăng ở xó nhà của Thái, vuốt phẳng phiu, nhìn ngắm rồi hỏi Thái, sao cậu vứt. Thái đáp, lúc vẽ tôi thấy bứt rứt, khó chịu, tự dưng chán. Hai tay vẫn chặn lên bức tranh, Tư bảo, cũng có thể tôi lầm nhưng tôi nghĩ đây sẽ là bức tranh đẹp, tôi thích khuôn mặt này, ánh nhìn này, nó như gọi mình. Thái xin lại bức tranh để mãi trong ngăn gỗ, một năm sau mới đem ra vẽ tiếp. Quả nhiên, bức vẽ được rất nhiều người thích, có một nhà phê bình nước ngoài hỏi mua nhưng Thái không bán, Thái đề tặng Tư.

Cả đám bạn này thường tụ tập chỗ Thái, vì dù sao, đó cũng ra dáng một cái nhà hơn cả.

Ở bên họ anh thấy thanh thản, không còn gánh nặng nào trên vai, như kiểu nói của Maiakovxki khi ông nhớ đến tuổi thơ giữa bao giằng xé, đau đớn của một đời sống đầy biến cố.

Anh lên bến kịp một chiếc xe lớn có máy lạnh, có TV. Anh vừa định ngồi xuống thì người phụ nữ bên cạnh xin đổi ra gần cửa sổ. Anh khoanh tay trước ngực, muốn ngủ một chút nhưng volume TV hình như đã mở hết cỡ. Một giọng hát ẻo lả. Anh ngẩng nhìn, ca sĩ có khuôn mặt nhọn, tóc nhuộm vàng, rẽ ngôi, áo vest màu đỏ. Một chiếc khuyên tai óng ánh, một chiếc dây chuyền lớn với mặt đá bóng loáng. Không biết đàn ông hay đàn bà. Anh thở dài. Gần như tiếp ngay sau là tiếng thở dài của người phụ nữ. Ơ, hóa ra là một người có khuôn mặt nhìn nghiêng khá lôi cuốn. Có lẽ nhờ chiếc mũi cao? Anh nhắm mắt, cố nghĩ đến giấc ngủ nhưng anh vừa thiếp đi thì nghe thấy một giọng nói rụt rè, anh là người ở B phải không ạ? Anh choàng dậy, ngồi ngay người, vâng, gần như thế. Tôi thường đến đó thăm bạn bè vào ngày nghỉ. A, người phụ nữ reo khẽ, vậy chắc anh biết cà-phê Lâm? Vâng, tôi không hiểu tại sao ai đến B, cũng tìm đến đó. Có người nói nó là một phần của B. Anh đợi phản ứng của người phụ nữ vì cái nhận xét khá lý thú của Tư trong một lần họ ngồi ở quán. Nhưng cô ta im lặng, hai tay khoanh trước ngực, mắt nhìn mung lung về phía những dãy núi. Anh đỏ mặt, ngượng vì đã nói quá nhiều. Anh cũng khoanh tay, nhắm mắt, nhớ mấy câu thơ về cái quán cũ nào đó, một cái quán được bao phủ bởi thứ ánh sáng mơ hồ, thứ ánh sáng vốn có của căn phòng. Ừ, đó là sự hấp dẫn của cà-phê Lâm. Có người đã dành tất cả các buổi sớm của mình để ngồi ở đó, giữa những bức tường đã cũ, những chiếc bàn đã cũ, những bức tranh đã cũ với thứ ánh sáng mơ hồ, ngưng đọng ấy. Quán lúc nào cũng đông khách mà lúc nào cũng trầm lặng. Anh bảo Thái, chỉ có cái xứ thơ mộng của ông mới có được một nơi chốn như thế. Có lần Thái đã vẽ ông chủ quán nhưng bức họa không thành. Có một cái gì bí ẩn và thấu suốt trong ánh nhìn của ông. Thái chỉ mới nhìn thấy vẻ u uẩn. Ừ, Thái, không biết có chuyện gì xảy ra với hắn đây. Sợ nhất là chuyện vợ chồng bạn bè lục đục, mình xớ rớ, làm gì cũng vô bổ, nói gì cũng vô duyên. Lạy trời cho vợ chồng hắn yên ổn. Hình như anh thốt nên lời vì người phụ nữ chợt quay lại, dạ, anh bảo
cà-phê Lâm là một phần của B? Trời đất, tưởng cô ta không nghe thấy. Anh đáp, đó là nhận xét của bạn tôi. Bạn anh chắc là một nhà thơ? Không, một thầy giáo dạy tiếng Anh. Cô cười khẽ, chắc anh ấy ngồi ở Lâm tất cả các buổi sáng? Anh giật mình, chị quen Tư? Cô đưa tay vén mấy sợi tóc vì gió, không, tôi đoán thôi. Anh đáp, giọng đùa cợt, còn tôi thì đoán chị đã có những kỷ niệm rất đẹp ở đó. Người phụ nữ đáp, giọng trang nghiêm, vâng. Rồi lại im lặng. Anh lại tưởng mình thất thố, muốn xin lỗi nhưng chẳng biết phải nói gì. Anh khoanh tay, nhìn ca sĩ trên TV đang ngửa người, giật mạnh micro, ư ư a a, để kết thúc bài hát. Quái thật, ai cũng ư ư a a, bài nào cũng ư ư a a mà thiên hạ cứ phát rồ phát dại vì họ. Tư bảo mode là biểu hiện của bầy đàn. Tư bao giờ cũng thâm thúy, thâm thúy một cách nhẹ nhàng. Nghe nói dạo này Tư ốm yếu luôn. Thân như chiếc cành khô mà đầu óc thì vẫn sáng láng. Lần này phải bắt Tư đến bác sĩ, nghe nói ông bác sĩ Minh ở gần nhà Thái rất khá… Ông ta ham mê hội họa, thỉnh thoảng ghé qua chỗ Thái uống trà, chuyện vãn. Ông ta nói rất hay về Van Gogh, về những bức tranh hoa hướng dương. Ông ta thường nhắc đến câu nói của Van Gogh về hoa, hình như là “nụ cười héo hắt có màu xanh tím của cánh hoa cuối cùng giữa mùa thu”. Mỗi lần, ông lại kêu lên, một con người như thế mà sống cùng khốn. Ông trời trao cho một chút gì lại lấy đi một chút gì, ghê gớm thật.

Anh gần như giật mình khi xe đỗ xịch lại. Thành phố với những ngôi nhà trắng, những mái đỏ thấp thoáng sau cây. Người phụ nữ đã đứng lên từ bao giờ, anh luống cuống nhường lối. Cô mặc một chiếc quần nhung đen, một chiếc áo thun xanh thẫm, tóc cột gọn. Rất giản dị và rất đẹp. Anh cười một mình, rồi nói, chào cô. Cô mỉm cười gật đầu rồi chợt nói với theo khi anh đã ngồi sau chiếc Honda, sẽ gặp lại anh ở Lâm. Anh đưa cánh tay huơ huơ tỏ ý đáp lời.

Vợ con Thái đang ngồi hóng mát trước cửa, thằng bé nhìn thấy anh trước, nhảy cẩng lên, a bác. Anh hỏi, có chuyện gì vậy. Vợ Thái đáp, dạ, rồi chạy vào nhà gọi chồng. Dù sao thì cũng không phải chuyện của vợ chồng lục đục, lạy trời.

Thái cầm cả bút vẽ chạy ra, phải triệu ông lên để ngắm hoa quỳ lần cuối. Anh trợn mắt, ở xứ của hoa quỳ mà ông bảo vậy là sao. Thái ậm ừ, vậy mà đúng như vậy đó. Người ta sắp đốn hết hoa quỳ rồi… Ông có hình dung ra một thành phố trụi trần là như thế nào không. Anh ớ người không đáp, lây nỗi buồn của Thái. Vợ Thái chen vào, thôi hai anh vào nhà đã. Cô nhìn anh cầu cứu. Anh cười, tưởng gì, ai mà giết được hoa quỳ, tớ chưa từng thấy giống cây nào mạnh mẽ như thế. Mà từ bến xe về đây, ở đâu cũng vàng rực cả lên. Ôi cái giống nghệ sĩ đa cảm các cậu, chán chết. Anh nói một thôi một hồi, thụi tay vào lưng Thái, lôi Thái vào nhà. Anh ngồi bệt xuống sàn, dựa lưng vào tường nhìn bức vẽ còn trên giá. Một phụ nữ mặc áo đen, chiếc khăn đỏ sẫm choàng qua vai. Anh ghé vào Thái, này, có khi cậu nhầm lẫn nguyên nhân của nỗi buồn đấy. Thái cười gượng gạo.

Mới chập tối, Tư, Vạn đã sà tới. Ninh bị cảm cúm gì đó do hiệu ứng hoa quỳ, Tư bảo vậy. Tư có chiếc áo vest mới, màu đen. Anh hỏi, Úc, Áo hay Mỹ đây. Tư cười, chợ B, mấy chục ngàn, được chào mời, cám ơn đủ cả.

Món canh sườn hầm actiso của vợ Thái được hưởng ứng nhiệt liệt. Anh ăn xong trước, ngồi nhìn đám bạn chuyền tay nhau chén rượu gạo. Vạn bỗng phá lên cười, đập vào vai anh, sao lần thần vậy, mơ màng cô nào chăng. Tư nhỏ nhẹ, cậu tinh thật, tôi cũng thấy khang khác. Anh đỏ mặt, vớ vẩn. Ăn nhanh lên còn ra Lâm. Tư hỏi, hẹn ai ngoài đó vậy.

Bọn họ chiếm cả quán cà-phê còn vắng khách. Tư gọi, 4 đen, “phin” cũ. Tư sợ loại “phin” inox sáng loáng. Ông chủ quán gật đầu rồi biến vào phòng trong. Bữa nay trông ông ta khang khác, vì chiếc sơ-mi nâu chăng, hay vì mái tóc mới cắt, hay, chợt lòng anh nhói lên, hay ông là người mà người phụ nữa kia cần tìm. Anh tự cười mình mà lòng dạ thì nóng ran, bồn chồn. Một cô gái nhỏ mang cà-phê đến, cô còn vụng về, rụt rè, chiếc “phin” của Vạn nghiêng tràn ra. Vạn có tật nói to, bỗng thì thầm, cứ từ từ, cứ từ từ. Cô gái đỏ mặt, hơi cúi người chào rồi cáo lui. Tư cũng thì thầm, tớ không hiểu sao hàng đàn hàng lũ các cô xinh đẹp theo nghe cậu đàn hát mà chả có cô nào lọt mắt xanh. Hay là cậu làm sao. Vạn đưa 2 ngón tay lên môi suỵt khẽ, tôi lạy ông, mắt hướng về phía cô gái. Thái ngồi thụt sâu vào góc tối, hai tay khoanh trước ngực, chẳng nói chẳng rằng. Anh dán mắt vào bức rèm trúc cũ, có ý đợi người chủ quán. Anh quay ngoắt ra cửa khi có tiếng động, hóa ra là hai cô cậu còn trẻ, rồi ba người đàn ông đứng tuổi, rồi một anh chàng tóc dài buộc sau gáy, rồi hai gã béo tốt, áo quần mới cứng… Quán mỗi lúc một đông, tiếng rì rầm như tiếng một bầy ong. Tư bỗng hỏi, chán chưa, ra Thủy tạ đi. Anh đáp vội, thêm lát nữa, Thủy tạ lạnh chết.

23 giờ, chủ quán xuất hiện, kéo ghế ngồi bên anh, sao bữa nay mọi người âu sầu vậy. Anh đáp, giọng có phần chua chát, còn ông, sao có vẻ vui tươi vậy. Người chủ quán cười lớn, vui thật, con trai tôi ở ngoại quốc về, ngày mai hai cha con ra Bắc ra Trung, có lẽ phải mất cả tháng. Ôi trời ơi, anh kêu lên, giọng hoan hỉ, nào, cụng ly chúc mừng. Anh chìa ly cà-phê đã cạn về phía Tư, Thái, Vạn. Người chủ quán bỏ ra bao Pall Mall còn mới rồi cáo lui, hẹn gặp sau.

23 giờ 15 rồi 23 giờ 30, quán vắng dần. Anh nói giọng khàn khàn, thôi, nhổ neo.

Thành phố thiếp ngủ trong gió lạnh, cả bọn lặng im bước bên nhau xuôi theo con dốc. Căn nhà ven đường còn sáng đèn, vọng ra giọng hát trầm trầm của một ca sĩ nổi tiếng từ thập niên trước: làm sao biết từng nỗi đời riêng. Để yêu thêm yêu cho nồng nàn. Tình như đã hoài những chờ mong. Tình vu vơ sao ta muộn phiền… Anh xuýt xoa kêu lạnh. Tư nói bâng quơ, cuộc tìm kiếm huy hoàng và tuyệt vọng cái tuyệt đối. Thái quay lại, ông bảo sao. Tư đáp, không có gì. Vạn hát xin một lần tạ ơn với đời, chút mặn nồng cho tôi. Có những lần nằm nghe tiếng cười. Nhưng chỉ là mơ thôi.

Ý NHI

;
.
.
.
.
.