Người đàn bà giật mình choàng tỉnh trong tiếng ầm ì bay ngang giấc ngủ chập chờn nhiều mộng mị. Chị huơ huơ đôi tay gầy guộc trong bóng tối đặc quánh như muốn nắm lấy một vật gì đó cạnh mình mà không làm sao tìm được. Ôm chặt chiếc gối trong lòng, chị vừa lao nhanh ra khỏi căn nhà tuềnh toàng vừa la to: “Máy bay tới, chạy mau...”. Đôi chân trần đầy nứt nẻ của chị giẫm bừa lên mấy cụm xương rồng tua tủa gai, nhắm hướng dãy núi đen thẫm dưới ánh trăng hạ huyền mà chạy không bén gót. Tiếng chân người thình thịch cùng tiếng gọi khản cả giọng đuổi theo phía sau càng làm cho chị lịm người trong nỗi gấp gáp khôn cùng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Khi mọi người vừa tới nơi đã thấy cái bóng người nhỏ nhoi của chị kịp biến vào vùng cây lá dưới chân núi Hải Vân xanh mờ. Trời sáng dần, soi rõ từng giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt nhem nhuốc của mấy đứa nhỏ đang ngồi bệt xuống đất mếu máo gọi mẹ đến não cả ruột gan…
Mất mấy ngày sau, phải nhờ đến công an xã, gia đình mới tìm thấy chị nằm co ro trong một lùm cây phủ kín dây chạc chìu xanh um rối rắm, đôi bàn chân sưng vù, chi chít vết gai đâm. Cho đến tận lúc về được đến ngõ, chị vẫn không ngớt thảng thốt thì thầm: “Máy bay…, súng? Chạy mau đi…!”.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, người ta thấy chị xuất viện trở về với mái tóc cắt ngắn củn, da thịt hồng hào và nhất là đôi mắt bớt u uẩn hơn trước rất nhiều. Tuy vậy bọn trẻ con hàng xóm vẫn không dám chạy sang nhà chơi như trước đây nữa. Thỉnh thoảng nếu có ai hỏi nhà chị, đều được nghe chúng trả lời: “Nhà bà Tâm khùng hả? Đằng tê tề, cái nhà tôn sát nghĩa địa đó…!”.
Ngôi nhà của chị vốn quạnh quẽ nay lại càng quạnh quẽ hơn khi cái tang người chồng đổ ụp xuống mấy mẹ con trong một ngày đông lạnh như cắt da, cắt thịt. Bảy đứa trẻ lít nhít như củ khoai, củ sắn kêu đói cả ngày khiến trái tim chị như tỉnh cơn đau mất mát. Sau ngày mở cửa mả cho chồng, chị trở nên khác hẳn. Hàng dâm bụt trước nhà thôi đong đưa những nụ hoa đỏ lập lòe, thay vào đó là tấm bảng gỗ nguệch ngoạc dòng chữ viết bằng vôi trắng bệch “Nhận bốc mộ”. Trong cái thế giới vĩnh hằng của những người nằm xuống ấy, hình như chị đã tìm được một cõi buồn vui thánh thiện cho riêng mình.
Đêm qua trăng thật sáng, những nấm mộ im lìm nằm bên nhau trong nghĩa trang đầy ắp tiếng côn trùng. Mùi hoa dẻ kín đáo gửi vào không gian dìu dịu một mùi thơm thơ dại đã đánh thức trong chị một kỷ niệm đã quá xa xăm!
Cũng mùa hoa dẻ chơi vơi như thế này, nơi núi rừng rất xanh, có người con trai xứ Bắc vật vã với cơn sốt rét rừng rung bần bật cánh võng… Binh trạm thì xa, chỉ mấy viên thuốc ký ninh và đôi tay mảnh dẻ, cô gái không thể nào giúp anh đẩy lùi cơn sốt cấp tính ập đến bất ngờ. Không kịp nghĩ ngợi nhiều, cô lấy hơi chạy băng qua mấy triền dốc, mang được bi-đông nước về đến nơi thì anh đã một mình đi xa mãi mãi chẳng bao giờ trở lại. Mặc những giọt nước mắt trào theo tiếng nấc, cô gái tự tay mình đục tên anh trên chiếc vỏ lon sữa bò nhặt được, gởi theo vào lòng đất núi, mong sao hòa bình trở lại, sẽ đưa anh về với câu hát quan họ quê hương anh.
Từ dạo ấy, mỗi lần có dịp công tác ngang qua, bao giờ cô cũng đặt lên mộ anh chùm hoa rừng đẹp nhất rồi lắng nghe tiếng con chim chích chòe đuôi trắng hót quanh quất đâu đó mà ngỡ tiếng ai thì thầm: “Con gái hay khóc nhè là xấu lắm đấy, chả ai yêu…”.
Chị chợt rùng mình như vừa nghe ai gọi tên mình trong cơn gió thoảng. Những tên làng, tên xã bỗng hiện về mồn một trong trí nhớ vốn nhạt nhòa của một người ít nhiều bị bom đạn khốc liệt của chiến tranh giằng xé. Mấy ngày liền hàng xóm không thấy chị xách giỏ đi chợ sớm, tấm bảng với dòng chữ bằng vôi trắng được úp mặt vào giậu hoa trước nhà. Những người khách đến nhờ bốc mộ chỉ nhận được cái lắc đầu buồn bã của lũ trẻ…
Rồi một chiều khi hoàng hôn chập choạng xuống dần sau rặng núi mờ xa, người ta thấy chị trở về với bộ áo quần lấm lem đất núi. Chị đi thẳng vào nhà, trịnh trọng đặt chiếc bị cói nặng trĩu lên bàn thờ rồi thắp nhang khấn vái một mình. Đêm đó, mùi trầm hương quanh quất cả xóm. Sáng sớm hôm sau, một chiếc xe tốc hành dừng lại trước nhà chị một lát rồi lăn bánh mang theo hài cốt của người lính trẻ năm xưa về miền Kinh Bắc xa xôi.
Chủ trương quy hoạch các nghĩa địa quanh vùng để xây dựng thành khu công nghiệp lớn đã khiến chị bận bịu không ngơi tay. Nhưng cũng từ đó, chị lại trở nên lặng lẽ hơn bao giờ. Nhìn khuôn mặt khắc khổ và đôi mắt buồn buồn của chị, những người hay hóng hớt chuyện trong xóm không ngớt lời đồn đại: “Cứ đào bới xương cốt, mả mồ miết như rứa, lấy mô không u ám”. Chỉ riêng mấy đứa con chị mới biết được mẹ chúng vẫn sống cùng những hồi ức đạn bom giữa những ngày tháng hòa bình. Trong giấc mơ đêm đêm, chị thảng thốt trở mình gọi tên đồng đội cũ đến khản giọng. Lắm lúc nghe tiếng nổ từ bãi mìn bắn đá trong núi vọng ra, chị lại giật mình tưởng trận đánh bắt đầu…
Theo phản xạ người lính, mỗi lần như thế chị lao nhanh về nơi phát ra tiếng nổ, mặc cho gai góc hay mảnh chai lổm nhổm cạnh nghĩa địa gần nhà. Biết vậy, nên lúc chị ngủ say, mấy đứa con chị không quên mang vào chân chị đôi giày bộ đội cũ mèm. Đôi lúc, những bộ phim truyền hình nhiều tập hấp dẫn làm chúng quên cái nhiệm vụ hằng đêm, để rồi sáng hôm sau, chị lại tập tễnh đôi chân sưng tấy lặng lẽ làm tiếp công việc thường ngày ở nghĩa trang mênh mông gió cát.
Không ít lần chị thấy mình trở về tuổi đôi mươi với hai bím tóc mượt mà bềnh bồng trôi trên dòng sông rực rỡ cờ hoa, giữa một ngày trời xanh, xanh lắm. Từng cụm mây trắng lững lờ phiêu du ra tận biển rộng, bàn chân như có men say thênh thang khắp phố, khắp phường. Trong thời khắc yên bình thần tiên ấy, một tiếng nổ lạc lõng của sự thù hận muộn màng đã làm đau buốt trái tim con người. Từ thẳm sâu của miền ký ức chập chờn, giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên đôi má xanh xao vì sốt rét, tiếng nức nở nghèn nghẹn bật ra từ vành môi cắn chặt đến lịm người. “Nhớ đưa anh về quê…”, tiếng vọng từ tâm thức gần bốn mươi năm rồi không ngớt gọi tên chị. Như một người mắc nợ quá khứ, chị cứ vô vọng gửi thư, nhắn tìm thân nhân đồng đội… và rồi chỉ nhận được hồi âm của chính mình.
Thỉnh thoảng những hồi ức chợt hiện về giữa cuộc sống tẻ nhạt đã đưa chị với chuyến đi xa đâu đó mấy ngày, để khi trở về bộ áo bộ đội đã sờn lại thêm bạc màu vì mồ hôi và bụi đường xa. Lần này thì khác, khi chuyến xe đò cũ kỹ đỗ xịch trước ngõ hoa thắm màu dâm bụt, mấy đứa trẻ trong nhà chạy ùa ra reo to đón mẹ như mọi hôm bỗng chựng lại trước nụ cười rộng lượng của một người đàn ông cao lớn, vai khoác chiếc ba-lô căng cứng lỗ chỗ những vết thủng tròn tròn. Chị dịu dàng đi bên cạnh, hai tay vung vẩy túi trái cây đầy ắp, khẽ khàng mắng con Vàng vừa sủa vừa thụt lùi đến tận gầm giường…
Bữa cơm đầu tiên có người đàn ông trong nhà bỗng đàng hoàng và ấm cúng hơn hẳn. Bọn trẻ rất vui khi biết đang ngồi cùng mâm với người bạn chiến đấu cùng đơn vị ngày trước của mẹ mình nên rôm rả chuyện trò đến nỗi chén sạch cả hai dĩa thịt đầy tú hụ lúc nào không hay biết. Từ ngày đó, người đàn ông ở lại hẳn cùng bọn trẻ, hàng cột tre xiêu vẹo trước hiên được thay bằng những thân cây bạch đàn thơm nức. Mỗi sáng trong căn nhà nhỏ, thay vì bọn trẻ, người ta thấy bóng dáng cao lớn của người đàn ông cúi xuống áp bàn tay thô ráp lên đôi chân trần đầy vết gai đâm của chị, thì thầm những lời âu yếm, dịu dàng…
Vắt vẻo trên cao của ngọn cây thầu đâu sau hè, lại trong trẻo vang lên tiếng hót tựa suối reo của chú chim chích chòe đuôi trắng đang mải mê đi tìm bạn, lảnh lót kết thành chuỗi âm thanh ngọt ngào choàng thật nhẹ vào trái tim người đàn bà năm xưa ấy. Giờ đã có một đồng đội xưa đến với mình, nhưng chị vẫn cứ vô vọng gởi thư, nhắn tìm thân nhân đồng đội… và rồi chỉ nhận được hồi âm của chính mình. Với chị, món nợ quá khứ vẫn còn ở phía trước…
NHƯ HẠNH