.

Văn minh dịch vụ

Mặc dù ngày Tết Đoan Ngọ đã lùi xa nửa tháng, nhưng một nữ giáo viên vẫn ấm ức chuyện giá dịch vụ giữ xe trong ngày này tại một bãi giữ xe tư nhân cuối đường Phạm Văn Đồng. Số là, hôm đó trùng vào ngày cuối tuần, cũng là hôm Đà Nẵng tổ chức khai mạc chương trình “Đà Nẵng-điểm hẹn mùa hè” nên cô đưa các con đi chơi tại Công viên Biển Đông. Khi lấy xe máy ra về,  chủ bãi giữ xe thu 5 nghìn đồng. Thế là diễn ra một cuộc cự cãi nho nhỏ vì cô cho biết, mọi ngày mình chỉ gửi xe với giá quy định là 3 nghìn đồng cũng tại bãi này. Đáp lại, bà chủ gọn ơ: “Cô ơi, bữa ni là ngày Tết, để tui làm ăn với! Mỗi năm có ngày chớ mấy?” Khi bị dọa sẽ gọi điện cho cơ quan chức năng thông báo việc giữ xe phá giá này, bà chủ còn vớt vát “Bữa ni ngày nghỉ ai làm việc!”; nhưng rồi chạy theo giúi 2 nghìn đồng “thối lại”!

Nữ giáo viên cho biết, mình là người ở thành phố đây, gửi xe thường xuyên còn bị “chém đẹp” như thế, huống chi là khách du lịch nơi khác đến. Vấn đề không phải chỉ là chuyện  2 nghìn đồng chênh lệch ấy, mà chính là cách ứng xử dễ làm tổn thương khách hàng - những người đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho những người thực hiện dịch vụ giữ xe nói riêng và những người làm dịch vụ nói chung, nhất là trong những dịp lễ, Tết.

Thực tế, không chỉ ở bãi giữ xe này hay bà chủ cụ thể đó, mà trong quá trình tổ chức dịch vụ du lịch cũng như các loại hình dịch vụ khác, đã có hiện tượng “té nước theo mưa” và thường rơi vào những mùa cao điểm. Mặc dù chính quyền thành phố và các địa phương đã có động thái quyết liệt trong việc ngăn chặn tình trạng tăng giá dịch vụ vào mùa cao điểm, lễ, Tết hoặc sự kiện lớn..., nhưng vẫn còn có hiện tượng “chém, chặt” với tâm lý làm dịch vụ theo kiểu chụp giật. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Đà Nẵng trong quá trình hướng đến xây dựng thương hiệu an toàn, thân thiện với du khách theo Đề án phát triển dịch vụ thành phố giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 vừa được triển khai.

Thế nhưng, với nhận thức còn hạn chế, nhiều người vẫn không thấy được rằng, việc chung tay góp sức vào xây dựng, gìn giữ và quảng bá thương hiệu ấy chính là đem lại nguồn thu nhập cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho sự phát triển ngành dịch vụ mà mình có phần trong đó. Hiểu một cách đơn giản, trong bất kỳ thời điểm nào, nếu bà chủ của bãi giữ xe trên chỉ cần lấy đúng giá, thì sẽ tạo được thiện cảm cho người gửi, và dĩ nhiên lần sau người ta tìm đến. Nhưng chỉ cần lấy chênh lệch giá một lần, chỉ được 2 nghìn đồng thôi, nhưng sẽ mất hàng chục, hàng trăm nghìn đồng... ở những lần tiếp theo bởi người gửi xe sẽ không ghé nữa!

Ở một góc nhìn khác, khi tình hình thu ngân sách cũng như các mặt hoạt động khác trong 6 tháng đầu năm, được UBND thành phố báo cáo tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố (khóa VIII) là giảm sút và khó đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm, thì dịch vụ du lịch đã có những bước phát triển khả quan. Tổng lượt khách du lịch ước đạt 1.327 nghìn lượt người, đạt 51% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 1.268 tỷ đồng, đạt 63,4% kế hoạch năm, tăng 38,8% so với cùng kỳ. Trong số 1.268 tỷ đồng đó, có những “đồng tiền lẻ” từ việc giữ xe của người dân.

Mặc dù trong 6 tháng qua, Đà Nẵng đã gặp những khó khăn nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội do tác động từ tình hình chung, nhưng chính quyền thành phố đã nỗ lực không ngừng để đem lại sự mới mẻ, hấp dẫn từ việc tổ chức các sự kiện du lịch nhằm tăng thu cho mỗi gia đình, mỗi người dân tham gia và thụ hưởng nguồn thu dịch vụ đó. Chính vì vậy, khi làm dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, cần làm cho mỗi người dân Đà Nẵng tham gia kinh doanh dịch vụ thấy rằng, không có “thời giá” theo mùa lễ, Tết! Có như vậy, thì mới tạo được lòng tin bền vững, tạo được nền tảng thực sự để thúc đẩy dịch vụ của Đà Nẵng theo định hướng mới - hiện đại, văn minh và hiệu quả!

Giá và giữ  giá đúng cũng là văn minh.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.