.

Về Hòn Tàu

1.  Mẹ tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại mỗi khi nghe một mẩu tin nhắn tìm đồng đội trên truyền hình: “Giờ này nó nằm ở đâu, sao không thiêng mà về báo mộng cho nhà biết để đi tìm chứ”. “Nó” là cậu tôi, em trai của mẹ, ông hy sinh năm 1972 khi vừa bước qua tuổi 21, tại Mặt trận Phía Nam.

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày nhà ngoại tôi nhận được giấy báo tử cậu hy sinh, đến nay, hình ảnh về cậu vẫn chỉ có duy nhất mảnh giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công và một tấm hình đã nhòe theo thời gian. Và cũng ngần ấy thời gian, nhà ngoại tôi mong chờ, hy vọng về một điều thần kỳ xảy ra, một niềm tin mơ hồ vẫn âm ỉ cháy trong suy tưởng của mọi người. Bà ngoại ra đi khi vừa qua tuổi 72, nước mắt lăn dài khi bà tạ thế, “tao không chờ được thằng Tứ (tên của cậu - Liệt sĩ Phan Bá Tứ) trở về”. Rồi ông ngoại trong nỗi hy vọng dai dẳng chờ đợi bằng sự im lặng, cũng không thể đợi “ngày cậu trở về”. Bây giờ, mẹ tôi khi nhắc đến cậu, vẫn ngời lên niềm hy vọng khó tả nổi, “người ta vẫn tìm thấy mộ liệt sĩ mỗi ngày đấy thôi, biết đâu một ngày, cậu (tụi bay) trở về…”.

2.  Địa danh Hòn Tàu ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với tôi trước ngày 18-5-2012 chỉ là cái tên địa danh, mơ hồ biết qua trang viết của báo chí. Nơi đó 40 năm về trước, đêm  22-5-1972, là đêm định mệnh của 10 cán bộ, chiến sĩ, trong ban tuyên huấn Quảng Đà (Đặc khu ủy Quảng Đà). Máy bay B52, loạt bom rơi đúng khu căn cứ, làm sập hầm. 5 chiến sĩ hy sinh tìm thấy thi thể ngay lúc đó, 5 người còn lại bị vùi sâu dưới đá núi Hòn Tàu, những tưởng sẽ vĩnh viễn sau lớp bụi thời gian và…

3. Con đường vượt núi lên với căn cứ Hòn Tàu bây giờ chỉ mất chừng một giờ đồng hồ. Ấy thế mà suốt gần 40 năm nó vẫn im lìm giữa rừng già, như một trò chơi ú tim với những đồng đội, đồng chí của các anh. Tháng 8-2011, sau những nỗ lực, trăn trở của đồng đội, người thân, 5 liệt sĩ còn lại nằm trong lòng núi Hòn Tàu cũng đã được tìm thấy. Các anh đã được đưa về với đồng đội, rời khỏi núi lạnh hang sâu suốt 39 năm ròng nằm lại. Nước mắt người hôm nay nhỏ xuống, xen kẽ những người cùng thời là lớp con cháu tiếp nối dòng chảy truyền thống uống nước nhớ nguồn. Tôi không thấy được nỗi lòng người thân của các anh sau “ngày trở về” thế nào vì tôi chưa từng được gặp. Nhưng nghĩ đến mẹ tôi, sau bao mỏi mòn trông đợi trong tuyệt vọng, gặp lại “người thân” còn nỗi mừng vui nào tả xiết.

Đừng buồn mẹ nhé! Chiến tranh là khắc nghiệt, là đau khổ và chia ly, là mất mát… Chiến tranh cũng mang lại những phút giây hội ngộ diệu kỳ đến không tưởng, dù nó đớn đau và ác nghiệt. Không thể khuyên mẹ thôi đừng hy vọng, cũng không thể khuyên mẹ mai này về với tổ tiên, mẹ hãy nhắm mắt an lòng, rằng con cháu mẹ sẽ tiếp tục cuộc kiếm tìm nếu còn một tia hy vọng…

Về Hòn Tàu, cũng là về với cội nguồn, về với dòng chảy truyền thống đã thành suối, thành sông trong dòng văn hóa Việt ngàn đời nay. Về Hòn Tàu thức dậy trong tôi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ rằng đâu đó cậu tôi và bao nhiêu đồng đội, đồng chí của cậu vẫn nằm lại trong  rừng già hay vùng hoang vu biên ải…

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.