Tại kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố (khóa VIII) vừa qua, khi thảo luận nội dung hỗ trợ 10 triệu đồng cho những trường hợp cai nghiện thành công từ 5 năm trở lên để họ thêm niềm tin và nghị lực nhằm tiếp tục “trụ vững” trước sức tấn công của ma túy (MT), có đại biểu cho rằng, cần phải hỗ trợ bằng phương tiện sinh kế chứ không nên bằng tiền mặt, để việc hỗ trợ đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh cho rằng, đây là số tiền không lớn, cần hỗ trợ tiền mặt để mỗi người tự giải quyết những khó khăn trong đời sống gia đình và bản thân; đồng thời việc hỗ trợ tiền mặt chính là thêm một thước đo về xác lập niềm tin trước những nỗ lực, cố gắng thực sự của người cai nghiện thành công.
Trong việc tổ chức cai nghiện MT, dù với hình thức hay phương pháp nào điều mà mọi người quan tâm nhất, chính là sự chia sẻ để tạo niềm tin trên con đường đi đến cai nghiện thành công.
Trên thế giới hay ở Việt Nam, ngay cả ở Đà Nẵng - nơi thực hiện Đề án “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, thì tỷ lệ tái nghiện cao là một thực tế khó chối cãi. Trong khi đó, một thực trạng đáng quan tâm và đang đặt trong tình trạng báo động hiện nay ở Đà Nẵng, đó chính là sự đa dạng trong các hình thức sử dụng MT, sự thâm độc trong các thủ đoạn mua bán MT, sự “trẻ hóa” một cách đáng lo ngại trong đối tượng sử dụng MT, kể cả giới trí thức, học sinh sinh viên...
Tình trạng “trẻ hóa” trong đối tượng nghiện MT là nỗi lo lớn nhất đối với công tác cai nghiện. Bởi việc cắt cơn cai nghiện rất dễ nhưng để duy trì kết quả sau cai là cả một chặng đường gian nan; khi những người trẻ luôn thiếu kiên nhẫn, thiếu niềm tin, dễ bị tác động về mặt tâm lý của môi trường sống - nhất là tác động của bạn bè cùng lứa tuổi và cùng sở thích... Theo điều tra của cơ quan chức năng, trên địa bàn Đà Nẵng, người nghiện MT ở độ tuổi từ 18-30 tuổi chiếm đến hơn 81,3% tổng số người nghiện.
Đó chính là những thách thức lớn đối với việc thực hiện “Đề án không có người nghiện MT trong cộng đồng”. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh không có MT, Đà Nẵng đã kiên quyết triển khai những giải pháp đồng bộ. Đó là việc triển khai các loại thuốc hỗ trợ người cai nghiện và sau cai như Danapha Natrex 50 đến sử dụng chất thay thế Methadone; việc xây dựng trung tâm cai nghiện cho phù hợp với môi trường người cai nghiện MT; việc dạy nghề đến thực hiện mô hình hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; tổ chức Câu lạc bộ sau cai nghiện tại cộng đồng... Với những giải pháp đó, có thể nói, tỷ lệ người tái nghiện của Đà Nẵng thấp so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Thế nhưng, đó cũng chưa phải là con số làm nhiều người thực sự hài lòng. Theo khảo sát và thống kê mới đây của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, bên cạnh gần 1.200 người sử dụng trái phép các chất MT trên địa bàn thành phố có hồ sơ quản lý, thì có 360 người cai nghiện thành công; trong đó có 239 người sau 5 năm trở lên không tái nghiện. Nếu đem chia theo tỷ lệ, thì số người cai nghiện thành công chiếm 19,9% so với người đang nghiện. Một con số nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với những người hiểu biết về tác hại của MT cũng như những người đã từng dính vào MT.
Chính vì vậy, việc bày tỏ một thái độ và sự chia sẻ niềm tin với những người cai nghiện thành công, chính là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện chủ trương “Không có người nghiện MT trong cộng đồng”. Tuy nhiên, đáp lại niềm tin đó, không chỉ các bậc phụ huynh, mà chính quyền cũng luôn mong muốn những người sau cai nghiện xác lập được một niềm tin trong chính bản thân mình.
ANH QUÂN