.
Bếp Việt

Tương tư canh cá giò nấu khế...

Năm nay bà xã hay vô Sài Gòn, lần thì thăm cháu nội, lần thì thăm cháu ngoại. Nước mắt chảy xuôi, xuôi miết đời này qua đời khác, mà còn sống là còn nước mắt! Cháu ngoại mới chào đời, cháu nội thì đã bước sang tuổi thứ tư. Thằng bé ngoan lạ thường, những thứ bảy không đến lớp nó lút thút chơi một mình, mặc cô giúp việc bận bịu nơi gian bếp. Thèm ăn bánh, nội cho nó cũng chỉ ăn tối đa hai cái, nói mẹ bảo ăn nhiều bánh ngọt không tốt. Thích sữa có đường, nhưng khi mẹ cho uống sữa không đường nó vẫn cố uống, bảo uống đỡ mai mẹ mua sữa có đường mẹ nhỉ!...

Nhà chỉ có hai người, nên khi một người đi thì một người phải ở nhà. Mình vốn lười, chợ búa cơm nước lắm hôm qua quít cho xong. Mấy cô bạn có vẻ lơ mơ hiểu ra tình thế nên câu chuyện quanh ly cà-phê sáng loanh quanh thế nào cũng quay về đề tài ăn uống. Tình cờ sáng rồi, đối diện mình là một thiếu phụ Huế, bạn của bạn mình. Chao ôi, gái Huế! Mình thì tuềnh toàng, phiên phiến còn người ta thì kỹ lưỡng, cầu kỳ. Mới nghe đã thấy ngại, đã muốn tìm một cái cớ để một bye ba bốn cũng bye, bye. Nhưng…

Thiếu phụ bảo khi có đám giỗ chuẩn bị cả tuần chưa xong, nhưng khi cần nhanh thì chỉ chừng nửa giờ cơm canh đã dọn ra bàn. Là tùy hoàn cảnh, tùy đòi hỏi, cái bếp Việt tài tình là thế, biến hóa khôn lường, đủ khả năng ứng phó với mọi tình huống. Mới nghe đã muốn nghe tiếp, đã có cảm giác sẽ học hỏi được điều này điều kia. Thiếu phụ nở một nụ cười tươi như trăng rằm, bảo chợ mấy bữa ni nhiều cá giò…

Mình ghé qua chợ, mua ba con cá giò cỡ bốn ngón tay người lớn, nhờ làm sạch sẽ. Lại mua khế, mua hành ngò. Ừ, thiếu phụ bảo khế phải bổ dọc, vắt cho bớt chua. Thiếu phụ bảo đừng ướp chi hết, nước sôi thì bỏ cá, bỏ khế vô, nêm vừa miệng, múc ra tô thì rắc tiêu xay thì rắc hành ngò…

Ôi trời, ngon chi ngon rứa! Mà cái lát khế bổ dọc xem chừng đẹp bát canh, cái mùi hành hoa, mùi ngò, mùi tiêu khêu gợi, cái nước canh ngọt thanh...

Hình như mình ăn tới bốn năm chén cơm như thời trai trẻ?

Hình như thiếu phụ tên là Vân?

HOÀNG

;
.
.
.
.
.