Người ta gọi anh là anh Tám “khùng” bởi anh không ở lại thành phố mà quyết tâm mua đất trên núi để… trồng cây ăn quả. Nhưng sau 2 năm, anh Tám “khùng” đã khiến mọi người khâm phục khi biến cả vùng rừng núi thành vườn ổi sum suê, trĩu quả.
Anh Tám và vườn ổi trĩu quả. |
Phủ xanh đất hoang
Hơi nóng của bụi đường quyện với khí trời oi bức của mùa hè dường như tan biến khi chúng tôi bước vào vườn ổi của anh Lê Văn Tám (46 tuổi, ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). Dáng người thấp đậm, da ngăm đen, anh Tám đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu. Cầm trên tay một đĩa ổi vừa hái từ vườn vào, anh bảo: “Nếm thử cây nhà lá vườn nhé!”. Ổi do anh Tám trồng có vị ngon, ngọt đậm. Theo chân anh Tám, chúng tôi như lạc trong vườn ổi trĩu quả. Ước chừng mỗi cây ổi “cõng” khoảng 70 - 80 trái, trái nào cũng to bằng nắm tay người trở lên.
Với 800 gốc ổi ban đầu, sau hai năm trồng, hiện anh Tám đã có hơn 2.000 cây ổi và 500 cây tre. Anh cho biết, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi cây có thể cho ra từ 1 - 1,5 tạ ổi/năm, giá tại vườn 5.500 đồng/kg, mỗi năm mỗi gốc thu về khoảng 600.000 -700.000 đồng... Giống ổi thường cho thu hoạch quả quanh năm. Mỗi gốc ổi luôn có nhiều thế hệ ổi từ lớn đến nhỏ để kế thừa. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh Tám thu về hơn 50 triệu đồng lời từ tiền bán ổi. “Bán giá “mềm” chủ yếu thâm nhập thị trường chứ chưa có lời nhiều, nhưng ban đầu thì chịu hòa vốn cũng vui rồi”, anh Tám tính toán. Giống ổi bom da sành Thái Lan được anh lấy từ Đồng Nai về trồng. Loại ổi này dù vỏ sần sùi nhưng đặc biệt thơm và có vị ngọt đậm, quả to đều và nhanh thu hái. Anh Tám cho biết, trồng ổi đơn giản nhưng kỹ thuật chăm bón khác nhau, không có trong sách vở. Anh “bật mí”: “Cắt cành cũng phải có kỹ thuật để làm sao cây ra quả và có năng suất cao. Trời mưa thì cắt cành kiểu khác, nắng cắt cành kiểu khác, làm sao để cây chỉ ngang đầu người trở xuống, vừa tránh gió bão, vừa bảo đảm chất lượng”. Mỗi trái ổi đều được bọc bằng hai lớp, ngoài là nilon, trong lớp giấy để trái ổi trông đẹp hơn, tránh sâu bệnh và các tác nhân khác. Hiện hàng chục tay buôn ở thành phố đến tận vườn anh để thu mua về bán tại các chợ.
Chàng kỹ sư mỏ làm nông dân
Ngày trước, anh Tám vốn là kỹ sư mỏ, công tác ở Sở Thủy lợi Đà Nẵng. Bàn chân anh đã rong ruổi theo các công trình ở khắp Quảng Nam, Đà Nẵng. Rồi anh chợt bỏ ngang, đưa vợ con lên Gia Lai lập trang trại trồng tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Khi con trai đậu đại học, vợ chồng anh một lần nữa bán đất trang trại cùng con về quê hương Đà Nẵng lập nghiệp. Ngày mới lên vùng núi Hòa Ninh, chỉ toàn thấy cây dại, cỏ mọc um tùm không thành đường, vợ anh bàn hay xuống phố mở quán cà-phê. Anh liền bảo với vợ: “Đời mình gắn bó với rừng núi, với vườn cây quen rồi còn sợ gì vất vả. Hơn nữa, cũng nên trồng cây trái cung cấp cho thị trường để bà con mình được ăn rau quả sạch với giá rẻ”.
Bỏ ngoài tai mọi lời bàn ra tán vào rằng trước đây trên vùng đất này chỉ toàn cây dại, rất khó trồng được cây ăn trái, anh quyết định dốc vốn mua 2,6 héc-ta đất nông nghiệp để trồng cây ăn trái với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh mở đường, đào giếng lấy nước, mua giống và hệ thống vòi xoay tưới nước với tổng cộng gần 3 tỷ đồng. Anh còn thuê 2 nhân công bọc ổi và điều khiển hệ thống vòi xoay với mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Sắp đến, anh dự định sẽ xin thêm đất mở rộng diện tích trồng ổi và mở thêm trại giống từ việc chiết cành làm giống.
Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: “Trước đây, cũng có nhiều người lên trồng thử ổi và một số cây ăn quả khác nhưng không hiệu quả. Anh Tám là người đầu tiên của xã Hòa Ninh thành công khi đưa giống ổi bom da sành về trồng trên đất này”.
MAI VY