.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Vùng đất Bàn Thạch qua tư liệu xưa

.

Khu dân cư Tứ Chánh Bàn Thạch (gọi tắt là Tứ Bàn) nằm bên con sông cùng tên, nơi có chợ Vạn sầm uất với nhiều dãy phố buôn bán ngang dọc, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của vùng Tam Kỳ xưa.

Văn bản năm Thành Thái thứ năm (1893) xác định địa danh “Bàn Thạch man”.
Văn bản năm Thành Thái thứ năm (1893) xác định địa danh “Bàn Thạch man”.

Sách Đại Nam nhất thống chí (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 1970, tr.332) chép: “Chợ Tam Kỳ ở huyện Hà Đông, tục gọi là chợ Man”. Chữ “man” trong bản chữ Hán được viết với tự dạng 蔓 (bộ thảo đầu + chữ mạn 曼) với nghĩa gốc chỉ danh một đơn vị hành chính có từ thời các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.
Tìm hiểu các đơn vị hành chính của phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam ghi trong sách Phủ biên tạp lục (NXB Khoa học, Hà Nội, 1964, tr.89) do Lê Quý Đôn soạn năm 1776, ta gặp “Bàn Thạch man” – một trong 19 man của “thuộc Thương nhân hội tân” hành nghề buôn bán. Một văn bản ghi ngày mùng 9 tháng 8 năm Thành Thái thứ năm (1893) hiện còn lưu tại tộc Hồ - một tộc đồng tiền hiền làng Tứ Bàn - cho thấy địa hiệu của vùng đất này đến lúc đó vẫn là “Bàn Thạch man”. Vậy, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII đến cuối  thế kỷ XIX, Bàn Thạch là một “man” chứ chưa phải là một “thôn” hoặc “xã”.

Đến năm Khải Định nguyên niên (1916), thời điểm lập địa bạ “Bàn Thạch điền thổ bộ” [磐石田土簿] còn lưu tại địa phương, Tứ chánh Bàn Thạch được xác định là một “thôn”. Địa bạ này liệt kê 127 đơn vị trích lục đất đai gồm đa số là đất vườn, đất thổ cư… với tên cụ thể của từng sở hữu chủ. Văn bản mở đầu tập địa bạ này cũng đã nói rõ, sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng đất đai từ hai xã Tam Kỳ và Dưỡng An vào năm Duy Tân thứ chín (1916) thì Tứ Chánh Bàn Thạch đã tách riêng ra thành một thôn (“biệt lập thôn hiệu”), được lập sổ bộ dân đinh riêng (“tu trước đinh bộ”) và đến kỳ thuế thì nạp đầy đủ (“thuế kỳ chiếu thôn nội địa phận điền thổ thập tam mẫu linh ngân thuế thâu sung”). Vậy, Tứ Bàn thành một thôn kể từ năm 1916.

Để có được sở hữu đất của số đông hộ dân cư (lập thành thôn) như thế, hẳn quá trình chuyển nhượng đất đai của dân Bàn Thạch man với chủ sở hữu bản địa phải diễn ra trong thời gian rất lâu dài - có khi trên cả trăm năm. Nghiên cứu quá trình định cư của một số phái tộc tiền hiền Tứ Bàn có thể thấy rõ điều đó!

Vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, theo tư liệu tộc Nguyễn – đồng Tiền hiền thôn Tứ Bàn, ông tổ của tộc là ông Nguyễn Phước Doãn người làng Vân Thê, tổng Đường Pha, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào vùng Tam Kỳ.

Khoảng giữa thế kỷ XIX, theo tư liệu tộc Trần – đồng Tiền hiền thôn Tứ Bàn, người đầu tiên của  tộc vào vùng ven sông Bàn Thạch - Tam Kỳ là ông Trần Công Mân. Tổ tiên ông Mân từ quê gốc ở Nghệ An vào định cư tại làng Phong Nhất (xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện nay). Từ Phong Nhất, ông Mân vào buôn bán tại vùng Bàn Thạch man.

Cũng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, theo tư liệu tộc Hồ - đồng Tiền hiền thôn Tứ Bàn, người đầu tiên của tộc đến buôn bán ở vùng Bàn Thạch man là ông Hồ Đức Bảo quê gốc ở làng Tú Tràng, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (bao gồm khu vực các xã Tam Thành, Tam Phước, Tam Dân huyện Phú Ninh hiện nay).

Theo địa bạ Tứ Bàn nói trên, cả thôn có tổng diện tích 13 mẫu, 11 xích, 2 thốn. Trong 127 đơn vị đất liệt kê trong địa bạ có 21 đơn vị đất thuộc xứ Nhà Núi, 102 đơn vị đất thuộc xứ Truông Dài, 3 đơn vị đất tân thứ (đất nền chợ trên bến sông), 1 đơn vị đất do xã Dưỡng An chuyển nhượng.

Theo tư liệu hiện còn thì hai xứ đất Truông Dài và Nhà Núi (thuộc xã Tam Kỳ xưa) được tộc Trần thôn Hương Trà và tộc Nguyễn thôn Hương Sơn (nay thuộc địa bàn phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ) xác lập đồng sở hữu và khai vào bộ điền năm Cảnh Trị thứ bảy (1669) đời vua Lê Huyền Tông (Đàng Trong là thời chúa Nguyễn Phúc Tần).

Như vậy, các vị Tiền hiền làng Tứ Bàn đã có công “quy tập dân cư”, “tạo mãi điền thổ” (mua ruộng đất) để lập thành man/thôn Tứ Chánh Bàn Thạch từ khoảng giữa thế kỷ XIX về sau.

Trên Đình thờ Thất phái Tiền hiền Tứ Bàn có đôi câu đối: “Bàn Thạch tự thiên khai, hạ ốc cừ cừ quang tổ ấm/ Truông Dài bồi địa thắng, xuân phong diệu diệu phát tôn chi”. Tạm dịch: Đá tảng tự trời sinh, nhà cửa dày liền nương phước Tổ/ Truông Dài thêm đất tốt, cháu con phát triển tựa hơi xuân.

Câu đối không chỉ giải thích xuất xứ của tên gọi Bàn Thạch (đá tảng) mà còn thể hiện rõ gốc gác của cuộc đất (Truông Dài - Nhà Núi) mà người dân nơi này đã “tạo mãi” và lập nên Chợ Vạn, ngôi chợ đã đi vào ca dao: Kể cầu Ông Bộ kể ra,/ Cây Trâm, Trà Lý, bước qua Bàu Bàu,/ Tam kỳ, Chợ Vạn bao lâu, /Ngó qua đường cái, thấy lầu Ông Tây...

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.