.

G20 phản ứng với giá lương thực tăng cao

.

Rút kinh nghiệm từ hai nạn đói 2008 và 2010, nhóm G20 tạo ra một ủy ban có nhiệm vụ phản ứng nhanh với tình trạng giá lương thực tăng cao. Cái tên đặt ra nghe rất “kêu”: Diễn đàn phản ứng nhanh khủng hoảng. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp, Stephane Le Foll cho biết G20 dự định sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên nếu như tình hình giá ngũ cốc tiếp tục tăng phi mã. Nói như thế có nghĩa cái tên rất kêu này cũng chỉ mới nằm trên bàn giấy!

Hạn hán làm mất mùa màng dẫn tới giá lương thực tăng cao.
Hạn hán làm mất mùa màng dẫn tới giá lương thực tăng cao.

Hạn hán ở Mỹ năm nay làm cho mùa vụ bắp và đậu tương mất 17% so với mùa trước. Đây là hai sản phẩm nông nghiệp Mỹ xuất khẩu nhiều nhất. Kết quả là giá tăng mạnh: 30% với đậu tương và 50% với bắp kể từ tháng 6 tới nay. Hạn hán ở Ấn Độ làm cho mùa màng thất thu nghiêm trọng. Mùa mưa trước đó cũng có lượng nước giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 1,2 dân số Ấn Độ vốn tự cung tự cấp nguồn lương thực nhưng dự báo họ phải phụ thuộc đáng kể vào nhập khẩu lương thực.

Năm 2008 là năm tồi tệ nhất với mức giá lương thực tăng gấp ba lần đã làm cho người dân các nước nghèo nhất thế giới càng thêm khốn khổ. Bạo loạn lương thực buộc chính quyền Indonesia phải cử cảnh sát tới canh giữ ở những khu vực chứa gạo; người dân Haiti bị bắn chết vì cố đi tìm cái để ăn.

G20 đã có được cơ sở dữ liệu chung về thị trường nông nghiệp và diễn đàn phản ứng nhanh khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng giá lương thực năm nay đã bắt đầu từ tháng 6 nhưng Ủy ban mới của G20 phải đợi tới tháng 9 mới chính thức bắt tay vào... phản ứng nhanh. Năm 2008, có khoảng 100 triệu người rơi vào tình trạng thiếu ăn. Năm 2010 có khoảng 44 triệu người. Người đứng đầu tổ chức cứu trợ Oxfam, Marita Wiggerthale, dự báo năm nay cũng sẽ ở mức trên 40 triệu người thiếu ăn vì giá lương thực quá cao. Hàng triệu người Kenya, Somalia và Uganda thiếu thốn cùng cực.

Ngoài chuyện thời tiết khắc nghiệt làm mùa vụ giảm sút, lượng nông sản thu hoạch lại không hoàn toàn tập trung giải quyết “cái ăn” cho người dân. Oxfam cho biết có tới 40% sản lượng bắp của Mỹ thu hoạch về để sản xuất xăng sinh học. Chính vì thế, G20 dự kiến trong cuộc gặp đầu tiên của Ủy ban Phản ứng nhanh này sẽ đem vấn đề xăng sinh học ra bàn thảo để xem xét liệu nó có đẩy tình trạng giá lương thực thế giới tăng cao đột ngột hay không?

ANH THƯ

;
.
.
.
.
.