.
GIỚI THIỆU SÁCH

Thư gửi con không chỉ dành cho phụ nữ

.

Rất khó để nói cuốn sách “Thư gửi con” của tiến sĩ Thái Kim Lan (TKL) thuộc thể loại nào. Tác giả cũng khiêm tốn nói rằng đây là “cuốn sách nhỏ”, là “của riêng” của hai người, của mẹ và của con”… Tuy vậy, do tác giả là một học giả am hiểu văn hóa Đông-Tây, nên “cuốn sách nhỏ” này, dù chỉ tập trung vào đề tài “mẹ và con”, vẫn gợi nghĩ đến nhiều vấn đề xã hội rất có ý nghĩa.

Hai mẹ con Thái Kim Lan và Mai Lan
Hai mẹ con Thái Kim Lan và Mai Lan

Cuốn sách gồm hai phần. Phần 1 (Thư gửi con) được chọn làm nhan đề cho cuốn sách, lại in cả nguyên bản tiếng Đức, có ngày tháng và nơi viết thư cụ thể (hầu hết là trên các chuyến bay) nên rõ là tác giả không “hư cấu” và xem đây là trọng tâm của tác phẩm.

Có thể nói đây là trích đoạn hồi ký “TKL nuôi và dạy con” nhưng có giá trị như một luận văn khoa học về tâm sinh lý trẻ em. Tác giả đã trình bày quan niệm và cả những “thao tác” cụ thể về nuôi dạy con ngay từ trong bụng mẹ, từ “tiếng ru con trong căn nhà Tây và… lời ru đầu tiên là lời ru mà tôi đã được nghe khi lọt lòng: “Ru em em théc cho muồi…” cho đến việc kiên quyết làm bằng được một cái nôi theo kiểu “nhà quê” Việt Nam ngay giữa thành phố lớn nước Đức; từ “chủ trương” như một cuộc cách tân “nuôi con bằng sữa mẹ được xem là cách nuôi con tốt nhất” đến “quyết định không cho con đi học trường đặc biệt”… Tác giả quan niệm đứa con “cần “ở giữa” các tầng lớp thanh, thiếu niên, cùng ganh đua bình thường… hơn là cho con cảm giác như một đối tượng đặc biệt trong xã hội, một thứ “gà nòi” mất thăng bằng nội tâm…”.

Cũng nói chuyện “bú mớm” của trẻ nhỏ, trong tác phẩm “Nỗi khổ của con em” in năm 1993, BS. Nguyễn Khắc Viện đã viết: “… Trẻ em xưa được sờ vú mẹ thỏa thuê, trẻ em ngày nay được sờ vú mẹ quá ít… Một lần bú đâu chỉ có nuốt sữa đầy bụng, mà còn tận hưởng khoái cảm ở môi miệng, được cùng mẹ da kề da, thịt kề thịt, được đôi mắt đắm đuối nhìn mẹ, mẹ đưa mắt nhìn lại… Rồi đến ngày bi kịch cao độ xảy ra: từ sáng đến chiều, mẹ bỏ con lại nhà trẻ… Bao giờ mẹ mới trở lại, còn trở lại nữa hay không?...”.

Đó là bi kịch phổ biến của trẻ nhỏ trong đời sống công nghiệp hóa hiện nay, đưa đến những nỗi khổ tâm lý, lại không nói lên được như người lớn, phải ấm ức ôm lấy trong lòng. Nhiều căn bệnh và cả sự hư hỏng của trẻ em hiện nay bắt nguồn từ đây. Chính vì hiểu rõ như thế, nên mặc dù sống giữa một trung tâm công nghiệp châu Âu, Mai Lan – cô con gái yêu của TKL – “đã được phép bú mẹ hàng giờ… nếu có ai đưa (thứ vú cao su giả vô cảm) cho bé Mai Lan là bé phun ra ngay. Em lại được bố luôn bồng ẳm, thay tã, ôm  ấp, ru cho ngủ… được ngủ chung với ba mẹ ban đêm…”. Hơn thế, Mai Lan còn được bà ngoại săn sóc, nên “đã học nói tiếng Huế thật nhuần nhuyễn, gọi là giọng Huế đặc sệt…”.

Cũng cần nói thêm, TKL, dù nặng lòng với Huế, dù muốn “con luôn ở bên mẹ, ở trong mẹ”, nhắc nhở con cả những chuyện nhỏ nhặt như khi chải tóc ở nhà người khác “con nhớ lượm những sợi tóc rụng, đừng có để chúng nằm bừa bãi trên nền nhà người ta” (Thư viết ở Munchen, ngày 6-8-1996) vẫn không hề “bảo thủ”. Trong chương “Thay lời bạt”, tác giả đã viết rất hay về đứa “con vừa là con của mình, mà vừa là một NGƯỜI KHÁC”. Tác giả viết: “Có thể nói chỉ khi “làm mẹ”, người phụ nữ mới  trọn vẹn là NGƯỜI ĐÀN BÀ, một CON NGƯỜI số nhiều, có nghĩa không một mình… ý nghĩa vươn tới “một người khác” trong chức năng và bổn phận làm mẹ”.

Từ đây, vấn đề cuốn sách của TKL đặt ra đã vượt qua đề tài “mẹ con” và chạm đến những vấn đề xã hội khá là “nóng” - nhất  đối với hàng triệu người Việt đang tạm phải sống xa quê hương: Đó là việc giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa Đông – Tây, việc giáo dục “thế hệ thứ hai” – lớp người sinh ra ở nước ngoài, làm sao để họ tuy phải sống xa quê nhưng vẫn là dân Việt, luôn biết hướng về cội nguồn… 

Phần 2 cuốn sách là 5 bài “Tùy bút cho con” tiếp tục bổ sung, diễn giải tất cả những vấn đề trên bằng những trang văn óng ả, mềm mại, giàu hình ảnh mà không thiếu chất trí tuệ…

Như thế, thiết nghĩ tác giả đã đạt được mục đích khi cho ra đời cuốn sách nhỏ này là “...muốn chia sẻ với bạn đọc, nhất là nữ độc giả, những người đã là mẹ, có khi đang thành bà, những người đang là mẹ hay sắp làm mẹ và ngay cả độc giả thuộc nam giới, điều mà tôi đã và đang học khi làm mẹ, - và có thể nói từ đó, học làm… người…”.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

;
.
.
.
.
.