Khai mạc Trại viết lý luận, phê bình văn học tại Nghệ An vừa qua, PGS TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: “Ngày càng thiếu vắng các nhà phê bình văn học nghệ thuật (VHNT); hoạt động lý luận phê bình (LLPB) VHNT còn lạc hậu, xa rời hiện thực cuộc sống và hiện thực VHNT…” (Website Hội Nhà văn Việt Nam, 4-8-2012). Chẳng những sáng tác, mà cả phê bình văn học cũng đang xa rời hiện thực cuộc sống!
Thế nhưng, hiện thực là hiện thực nào? Hiện thực như thực của nhà Phật hay hiện thực qua cái nhìn của chủ nghĩa thực dụng Mỹ? Hiện thực của trường phái hiện thực phê phán hay của trào lưu lãng mạn? Của hiện thực xã hội chủ nghĩa hay của trường siêu thực? Của hiện đại hay của hậu hiện đại?... Đó là các câu hỏi không thể tránh.
Việt Nam thiếu truyền thống triết học, là điều miễn bàn. Nhưng nói văn chương Việt Nam hôm nay không bám hiện thực cuộc sống có liên quan mật thiết với sự thiếu khuyết ấy, thì chắc chắn sẽ bị phản đối. Vậy mà lạ thay, đó là sự thật. Sau Freud, ai dám cho rằng các giấc mơ đầy cảnh tượng quái dị không là “hiện thực”? Hoặc họa phẩm với những nét chằng chịt như sợi dây thần kinh của Paul Klee thì kém hiện thực hơn các bức tranh chân dung của họa sĩ thời Phục hưng? Mỗi trường phái triết học, mỗi trào lưu văn học nghệ thuật hiến tặng cho nhân loại cách nhìn mới, khác về hiện thực. Chúng làm phong phú đời sống tinh thần con người. Vấn đề là ta hành xử thế nào với các “phương tiện” đó?
“Suốt đời tôi không làm gì hơn là đẩy cho đến cùng, cái mà quý vị chỉ dám làm có một nửa…” - Dostoievski nói thế. Và ông đã phân tích tới cùng tâm lý chiều sâu của nhân vật, qua đó cho ra đời hàng loạt kiệt tác mang tính khai phá, tạo ảnh hưởng sâu rộng đến văn học và tư tưởng thế giới. Còn ở ta, muôn năm nửa chừng. Tiếp nhận trào lưu lãng mạn, nửa đường đứt gánh, thì đã rồi. Sáng tác hiện thực, Balzac đẩy ý tưởng đến cùng để dựng nên Tấn trò đời khổng lồ, ta thì nửa vời để rồi chẳng tới đâu. Chủ nghĩa hiện đại, ở ngoài kia thiên hạ làm nên bao nhiêu tác phẩm sáng giá, ta thì nhập nhằng hiện đại với lãng mạn hậu thời. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nửa vời - ta thành “hiện thực phải đạo”.
Bởi ở đó ta nửa vời… Chưa được trang bị tri thức triết học, ta không học cách truy vấn tận cùng sự thể. Ta nhìn hiện thực theo cảm tính, quán tính. Các mệnh đề “văn học xa rời hiện thực”, “không bám vào hiện thực cuộc sống”, “né tránh hiện thực”… được nhai lại đến thành bão hòa trên sách báo bấy lâu, là điều thật. Nhất là với văn chương hôm nay.
Ta né tránh hiện thực xảy ra trước mắt. Viết về nó, nhà văn cứ mơ hồ, lớt phớt bề mặt. Nhà văn chưa được trang bị kỹ năng quan sát hiện thực nhiều chiều, đa góc cạnh, hiện thực ở bề tối, nơi góc khuất, để có thể phân tích và mổ xẻ chúng tới nơi tới chốn. Từ đó dẫu không có ý né tránh, bởi mơ hồ và đại khái, ta cũng thành né tránh. Nỗi buồn chiến tranh được cho là xuất sắc, nhưng thân phận của nó ra sao sau khi nó được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thì thiên hạ đều biết. Đơn giản, bởi Bảo Ninh đã dám thử cụ thể và “khác chiều”.
Khác với nền dân chủ Tây phương, truyền thống xã hội Việt Nam về cơ bản thiết định trên tính cố kết gia đình và cộng đồng thay vì tính liên đới giữa các cá nhân độc lập, ưu tiên bảo vệ nền nếp gia phong hay ổn định cộng đồng thay vì bảo đảm quyền lợi cá nhân như là thành tố độc đáo làm nên tập thể nhỏ, lớn đó. Không có gì dở cả. Thế nhưng, văn học là hoạt động sáng tạo độc lập, vận hành trong thiết chế truyền thống kia, đã chịu bao thiệt thòi. Tài năng cá nhân với những suy nghĩ và hành xử cá biệt luôn bị dị nghị. Đòi hỏi nhà văn ta vượt thoát và “chối bỏ” nó như Cao Hành Kiện đã làm, là điều cực khó khăn. Để được tồn tại giữa lòng môi trường văn hóa ấy, nhà văn chấp nhận thỏa hiệp.
Cá tính, độc đáo với ý hướng “đẩy tới cùng” không phải chưa từng xuất hiện trong hành trình sáng tác của nhà văn Việt Nam. Có, nhưng họ biết dừng lại đúng lúc. Còn lại, họ xả xú-páp trong các cuộc lai rai bù khú bạn bè, chứ ở văn bản thì - không. Cá biệt, nhà văn có “lỡ” phơi bày hiện thực nhạy cảm kia ra, đọc lại, họ không ngần ngại tự kiểm duyệt. Nhà văn không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình (nếu nhà văn đã nghĩ ra được và hoạch định trước đó). Không dám sống, viết, theo đuổi tới cùng, thì làm gì có sáng tạo?
Né tránh hiện thực là hệ quả tất yếu của truyền thống văn hóa văn chương Việt Nam cùng mọi biến tướng của nó.
Nhưng liệu nhà văn còn có thể tránh né hiện thực mãi không? Câu trả lời là: không! Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu. Hiện thực phổ quát, kèm với nó là sự thống khổ của đám đông có mặt khắp nơi, ở sát cạnh nhà bạn, ngay giữa lòng tập thể nhỏ bé tưởng yên ấm của bạn. Thống khổ và bất công lồ lộ được phương tiện thông tin đủ loại đẩy vào tận phòng ăn, giường ngủ bạn, ám ảnh giấc mơ bạn. Đám đông ấy không để yên cho sự im lặng của bạn, khi im lặng đó bị coi như một thái độ. Họ càng không tha thứ cho tiếng nói của bạn, nếu đó chỉ là tiếng nói lưỡng lự, nửa vời.
Chỉ dũng cảm đối mặt với hiện thực kia và dám nói lên tiếng nói quyết liệt của mình, nhà văn mới có cơ may tiếp cận và khám phá được hiện thực “như thực”, để qua chữ nghĩa của mình, hắn có thể phơi mở trọn vẹn cái hiện thực vừa được thức nhận sâu thẳm kia.
Và cũng có nghĩa là - sáng tạo.
INRASARA