.
Hồ sơ tên đường

Hồ Huân Nghiệp dạy học bên mộ cha

.

Có lẽ trong lịch sử dân tộc, không ai như Hồ Huân Nghiệp. Cha mất, ông làm nhà dạy học bên mộ cha; ngoài 30 tuổi, vẫn xem thường công danh, từ chối mọi sự cám dỗ về danh lợi, ở yên dạy học, nuôi mẹ già.

Đường Hồ Huân Nghiệp trên địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Đường Hồ Huân Nghiệp trên địa bàn phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Hồ Huân Nghiệp (1829-1864) tên chữ là Thiệu Tiên, là một nhà thơ, nhà giáo tận tụy, một gương mặt tiêu biểu, thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên trên đất Gia Định xưa. Ông quê làng An Định, tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (nay thuộc quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh).

Ông nội ông là Ký lục (tương đương chức Tuần phủ) Hồ Văn Thuận, cha ông là Hồ Lợi, một danh sĩ có khí tiết. Nhờ vậy, từ nhỏ ông được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Lớn lên, cũng như cha, ông nổi tiếng văn hay chữ đẹp, sống có khí tiết, được nhiều người kính trọng. Khi cha mất, ông làm nhà bên mộ cha, vừa trông nom mộ, vừa dạy học trò, nuôi mẹ.

Năm ông 30 tuổi, triều đình có mở khoa thi nhưng ông không tham dự, vẫn xem thường công danh, từ chối mọi sự cám dỗ về danh lợi, ở yên dạy học, nuôi mẹ già.

Khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ (1859), Trương Định gửi giấy cử ông giữ chức Tri phủ Tân Bình nhưng ông thoái thác vì còn có mẹ già. Sĩ phu hai huyện Bình Dương và Tân Bình lại gửi cho ông một bức thư trong đó có đoạn: “Trong khi quốc gia lâm nạn, trượng phu ắt phải vì nước quên nhà. Vậy ông là người xứng đáng làm tiên hiền cho cả binh dân, lẽ nào chỉ vì hiếu mà bỏ trách nhiệm non sông”.

Lại thêm mấy người bạn thân khuyên nhắc, ông đưa mẹ về Chợ Đệm (nay thuộc xã Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), lấy vợ để mẹ có người phụng dưỡng rồi nhận lời Trương Định, giữ chức tri phủ Tân Bình để lo việc binh lương cho nghĩa quân.

Lúc đó, Gia Định bị giặc Pháp chiếm, quan lại các phủ, huyện do Trương Định đặt ra đều ẩn náu trong nhà dân mà làm việc. Vậy mà ông vẫn điều động được binh lính và tiếp tế được lương thực cho nghĩa quân.

Nhưng rồi, quan quân nhà Nguyễn cứ liên tiếp bị thua trận, Trương Định phải lui về đóng quân ở Tân Hòa (Gò Công), hội các nhân sĩ để định kế hoạch xướng nghĩa.

Khi Pháp tấn công Tân Hòa, bản doanh “Đám lá tối trời” thất thủ, Trương Định bị đạn gãy xương sống và đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh. Hồ Huân Nghiệp vẫn cùng Phó Lãnh binh Huỳnh Trí Viễn và Quản cơ Mạnh, lãnh đạo nghĩa quân gồm các trai làng gần đó đánh địch nhiều trận, nổi tiếng nhất là trận đánh vào Ngã ba Cai Tâm, trên sông Chợ Đệm, gây cho đối phương nhiều thiệt hại.

Quân Pháp quyết tiêu diệt ông, sau một thời gian dò la, vào ngày 17 tháng 4 năm 1864, chúng ập đến bắt ông, giải về huyện lỵ cũ Tân Bình. Sau nhiều lần mua chuộc, chiêu dụ không thành, thực dân Pháp quyết định hành quyết ông. Năm ấy, ông mới 35 tuổi.

Danh sĩ Nguyễn Thông (1827-1884) đã viết về ông trong sách “Kỳ Xuyên văn sao” của mình: “Phan Văn Đạt (một nho sĩ, một lãnh đạo có khí phách trong phong trào kháng Pháp ở cuối thế kỷ XIX tại Nam Kỳ - NV) xướng nghĩa đầu tiên, thân chịu chết để giữ trọn điều nhân. Trương Định bị thua, chạy trốn, thu thập tàn quân, chiếm cứ Tân Hòa, bỏ mình vì nghĩa. Ví thử khi Gia Định chưa mất được cầm quyền binh nhờ quốc oai và địa thế thì mưu lược sắp đặt há chỉ có thế mà thôi đâu. Còn Hồ Huân Nghiệp ở nhà thờ mẹ, gặp thời loạn lạc không thể không đạt được chí muốn của mình. Nhưng bài thơ ông làm khi ông lâm chung, lời nói mạnh mẽ. Thật đúng là bậc trượng phu tiết nghĩa”.

Đó là bài “Lâm hình thời tác” nguyên văn chữ Hán, đúng như tựa đề là được ông làm lúc sắp bị hành hình. Bảo Định Giang dịch thơ: “Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ/ Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ/ Thân này sống chết màng không nhắc/ Thương bấy mẹ già tóc bạc phơ”.

Lúc sắp phải hành hình, ông vẫn khôn nguôi nhớ thương mẹ hiền như ông còn thời dạy học bên mộ cha.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 665m, rộng 5,5m, từ đường Mỹ An 10 đến đường 7,5 chưa đặt tên, theo Nghị quyết số 71/2008/NQ/HĐND ngày 4-12-2008 về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.