Nhận xét về Phạm Sư Mạnh, nhà bách khoa lỗi lạc thời Nguyễn là Phan Huy Chú viết: “Ông có tài khí hùng hồn hơn người, nguồn thơ lai láng; đi khắp muôn dặm non sông, đến đâu cũng ngâm đề khắc để lại, lời đều hào hùng thanh thoát đáng đọc”.
Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ, tự là Nghĩa Phu, hiệu Hiệp Thạch, Úy Trai, không rõ năm sinh, năm mất. Ông người làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn (nay là huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương).
Ông và Lê Quát là bạn thân đồng môn, cùng là học trò giỏi của thầy Chu Văn An, về sau làm quan đồng triều, cùng nổi tiếng văn tài và cùng được người đương thời khen ngợi. Ông đỗ thái học sinh (tiến sĩ) đời vua Trần Minh Tông, được vua mến tài mà cho đổi tên thành Phạm Sư Mạnh.
Năm 1323, ông bắt đầu làm quan cho nhà Trần. Đến năm 1345, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc để biện luận với phương Bắc về “đồng trụ” (cột đồng) thời Hai Bà Trưng.
Nguyên cột đồng này được gọi là cột đồng Mã Viện. Theo sử cũ, đó là một cây cột đồng lớn, trên có khắc sáu chữ Hán: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gẫy, Giao Chỉ bị diệt), được viên tướng nhà Đông Hán là Mã Viện cho dựng để làm ranh giới cuối cùng (của nhà Đông Hán) sau khi dập tắt cuộc khởi nghĩa của Trưng Trắc và em là Trưng Nhị vào năm 43 ở Giao Chỉ.
Tháng 4 năm Nhâm Thân (1272), theo Đại Việt sử ký toàn thư, sứ nhà Nguyên (Trung Quốc) là Ngột Lương cũng đã một lần sang hỏi giới hạn cột đồng cũ. Viên ngoại lang Lê Kính Phụ được vua Trần Thánh Tông sai đi hội khám, về nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì.
Trở lại chuyện Phạm Sư Mạnh đi sứ, sử gia Phạm Văn Sơn chép trong Việt sử Tân biên (Tập I, tr.193) rằng, tháng 8 năm Ất Dậu (1345), sứ nhà Nguyên là Vương Sĩ Hành lại sang hỏi việc cột đồng. Vua Trần Dụ Tông sai Phạm Sư Mạnh đi sang biện luận việc này. Từ đó trở đi không thấy phương Bắc hỏi han, nhắc nhở gì đến việc này nữa.
Tuy sử không chép những lý lẽ biện luận của Phạm Sư Mạnh, nhưng có thể suy đoán rằng người phương Bắc đã đuối lý nên không còn hạch sách người Đại Việt về chuyện cột đồng nữa.
Sau khi đi sứ về, ông lần lượt được cử làm: Chưởng bạ thư kiêm khu mật tham chính (1346); Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự (1358); Hành khiển tả tư lang trung (1359); Tri khu mật viện sự (1362), rồi thăng lên chức Nhập nội nạp ngôn...
Sau đó, sử không nhắc đến ông, chỉ biết về sau ông có nhận lệnh đi duyệt quân ở 5 lộ Đông Bắc để chấn chỉnh biên phòng vào năm 1368. Trong lần đi này, ông về ngang dãy núi quê nhà, xao lòng trước cảnh đẹp đã xúc động thành thơ. Bài thơ không có tựa đề này được viết ngày 5 tháng 9 năm thứ 144 Triều Trần (1368), được những người thợ tài hoa của làng đục núi thành bia rồi khắc theo nét chữ của ông. Hơn 6 thế kỷ đã qua, bài thơ vẫn sừng sững tạc vào vách núi chiến công oanh liệt của Đại Việt chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ thứ XIII với những câu hào sảng (theo bản dịch thơ) như sau:
“… Cuồn cuộn sóng Bạch Đằng,/ Tưởng như thuyền Ngô Vương./ Nhớ xưa vua Trùng Hưng,/ Tài chuyển xoay trời đất./ Cửa biển ngàn chiến thuyền,/ Hiệp môn vạn cờ chiến./ Trở tay định thái bình,/ Ngân hà rửa tanh hôi./ Đến nay dân bốn biển,/ Kể mãi năm bắt thù”.
Ông sáng tác Hiệp Thạch tập (Tập thơ Hiệp Thạch) bằng chữ Hán, nhưng đã thất lạc. Hiện chỉ còn 33 bài được chép rải rác trong Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích Diễm thi tập. Hiệp Thạch tập được Phan Huy Chú ngợi khen: “Tình thơ cao siêu, hào phóng, (ông) là một danh gia ở cuối đời Trần”.
Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đều nổi tiếng cả văn học lẫn đạo đức cuối đời Trần. Trước cảnh suy vong của nhà Trần, cả hai từng dâng biểu muốn sửa đổi một số chế độ đương thời, song không được nghe theo.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 250m, rộng 5,5m (ảnh), từ đường Tôn Thất Thuyết đến đường Hà Tông Quyền, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 32/2005/NQ/HĐND ngày 28-12-2005 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC