.

Nhớ Văn Minh Chi

.

Sau ngày giải phóng, được phân công về làm Giám đốc Công ty du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng, Văn Minh Chi (nguyên cán bộ tình báo), được trở về với địa bàn quen thuộc, được tiếp xúc với đồng đội, đồng bào thân thương. Mảnh đất kiên cường này đã chứng kiến những ngày hoạt động sôi nổi của anh khi còn ở tuổi thanh xuân, tham gia hoạt động cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, anh rất lo làm sao để hoàn thành nhiệm vụ khi bước sang lĩnh vực công tác hoàn toàn mới mẻ.

Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Internet)
Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: Internet)

Thế nào cũng phải phục hồi các điểm du lịch, các nơi nghỉ mát như Bà Nà, Mỹ Khê, phải tìm mọi cách để giới thiệu với bạn bè, khách nước ngoài những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử của một quê hương có truyền thống “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Nhiều ngày đêm, Văn Minh Chi trăn trở, Quảng Nam – Đà Nẵng có bờ biển dài trên một trăm rưỡi cây số với nhiều bãi tắm, lắm cảnh đẹp. Phải khai thác mặt thuận lợi thiên nhiên này. Nhưng muốn phát triển nghề công nghiệp không khói, đâu chỉ lợi dụng thiên nhiên sẵn có mà còn phải biết tạo nên cảnh quan thích hợp.

Văn Minh Chi tổ chức khảo sát các bãi tắm Mỹ Khê, Non Nước và nhận thấy Mỹ Khê là một bãi tắm tốt, gần trung tâm thành phố Đà Nẵng. Non Nước thì có Ngũ Hành Sơn, một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh. Bãi biển Non Nước sạch, nước biển trong xanh, lòng cát xuôi là là, ít nguy hiểm cho người tắm. Thế là xem như đã đạt được một tiêu chuẩn. Tuy nhiên cách các núi của Ngũ Hành Sơn trên sáu trăm mét thì trước đây là khu đồn bốt của Mỹ- ngụy. Giữa bãi cát trống trơn, vắng lặng chỉ còn lại mấy nền nhà xi-măng. Ngoài mé biển, một miếu thờ đơn độc. Cuối bãi, gần sát cạnh khu dân cư của xã Hòa Hải mới thấy lơ thơ vài cây phi lao.

Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ, bàn bạc, kế hoạch xây dựng Non Nước thành khu du lịch quy mô lớn đã được hình thành. Lúc bấy giờ đã bước vào những tháng cuối năm 1975. Song song với việc thiết kế, lập bản vẽ khách sạn, Văn Minh Chi cho tiến hành làm xanh nổng cát rộng hàng chục héc-ta.

Phi lao giống mua ngay tại xã Hòa Hải không đủ, phải vào tận Hội An mua thêm. Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác được phát động lần đầu tiên trên bãi biển Non Nước vào đầu năm 1976. Toàn thể cán bộ, công nhân viên của ngành du lịch non trẻ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy Công ty.

Nhiều cán bộ đã hình dung ra cảnh khu rừng phi lao rợp bóng mát dưới nắng hè chói chang, trong khi ngoài kia, cát bỏng rát chân. Nhưng chẳng phải không có người hoài nghi: “Thành tích  trồng cây có rồi đấy, số liệu thống kê khá rôm rả nhưng đất trống vẫn hoàn đất trống cho mà coi”. Văn Minh Chi cũng đã nghĩ đến điều này. Trồng cây rồi còn phải bảo vệ để trồng cây nào sống cây ấy. Phải cử người đứng ra trông nom. Một chòi con được dựng lên giữa nổng cát vắng.

Khu dân cư ở khá xa, lắm khó khăn gian khổ trong khi cắm trụ giữa đồng không mông quạnh này. Lúc ấy, Hà Danh Kiên, một đồng đội cũ của Văn Minh Chi đã tự nguyện cùng ông Đầy, một nông dân địa phương đảm nhiệm việc tưới tắm, chăm sóc, coi ngó, nhân rộng cây.

Lại thêm nhiều đợt trồng cây được tổ chức trong tháng 8, tháng 9, tháng 10, phù hợp với thời tiết ở địa phương. Và cứ vậy, hết năm này qua năm khác, nổng cát trắng xóa được điểm thêm màu xanh mát.

Mấy năm sau, khu rừng phi lao được hình thành. Một nhà hàng nhỏ được dựng lên trên nền căn cứ cũ của địch, sát cạnh miếu thờ. Ngoài việc giải khát, dịch vụ đón khách phát triển dần với những phương tiện còn khiêm tốn như dù che nắng, ghế xếp, phao bơi, quần áo tắm...

Khi rừng phi lao khép tán, thì nhà khách số 1 cũng được hoàn thành, bắt đầu đón khách. Nhiều đoàn thanh niên cũng đã đến cắm trại trong khu rừng rợp bóng. Một thời gian sau, nhà khách số 2 được bổ sung thêm vào tổng thể khu nghỉ mát. Khách đến nghỉ đông, nghỉ hè, tắm biển, cắm trại ngày càng đông vui, nhộn nhịp.

Khu du lịch Non Nước hình thành rõ nét dần trên nổng cát trắng xóa, vắng lặng trước đây của những ngày đầu giải phóng. Song song với sự phát triển của ngành du lịch, nhiều công trình xây dựng khác, nhà nghỉ mát của Tỉnh ủy, của ngành Công an... cũng đã mọc lên. Dân trong vùng đến dựng nhà, mở thêm cửa hàng phục vụ xung quanh điểm du lịch. Một khu dân cư mới bắt đầu xuất hiện.

Điểm du lịch mới cũng chứng kiến nhiều biểu hiện tốt đẹp của tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào-Campuchia. Cán bộ Lào, Campuchia công tác ở Đà Nẵng hay từ Hà Nội vào, từ Salavan, Sekong, Batdombong – những tỉnh kết nghĩa với Quảng Nam-Đà Nẵng – đã dừng chân, nghỉ dưỡng tại đây. Đặc biệt trong tháng 7 năm 1987- Tháng hữu nghị Việt Nam-Lào, Trại truyền thống hữu nghị hợp tác của hai Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã dựng lều dưới rừng phi lao. Đông đảo các bạn Lào gồm cán bộ Ngoại giao, Quân sự, Kinh tế và các bạn Campuchia ở tỉnh Batdombong đã đến vui chơi cùng các bạn Việt Nam, ca hát, nhảy múa lam-vông, rom-vông vòng qua các lều trại. Một không khí chan hòa, thân mật, tràn đầy tình hữu nghị anh em giữa ba nước Đông Dương đã diễn ra dưới vòm phi lao xanh mát.

Mơ ước, hoài bão của Văn Minh Chi đã trở thành hiện thực và đang từng bước được hoàn chỉnh thêm với thời gian. Bạn bè cũng bày tỏ sự hài lòng trước sự trưởng thành của ngành du lịch non trẻ của chúng ta. Từ Mát-xcơ-va, Intourist vui mừng thấy Hội hữu nghị Việt_Xô Quảng Nam-Đà Nẵng đã có phần đóng góp tích cực vào kết quả tốt đẹp này. Từ Mỹ, Jeffray Barlow, Phó Chủ tịch Hãng Asian Exploration USA trong Đoàn hòa giải Đông Dương nhận xét: “Điểm tham quan ở gần biển – Ngũ Hành Sơn – thật tuyệt đẹp, có thể so sánh với bất cứ một chùa Phật nào ở Trung Quốc và các bạn cần đẩy mạnh công tác quảng bá hơn nữa... Khách sạn bên bờ biển Non Nước rất đẹp và là nơi dừng chân nghỉ rất tốt”.

Đất lành chim đậu. Từ trứng Rồng thiêng trong truyền thuyết xưa đã nở ra Nàng Tiên nơi miền hoang địa cát trắng và năm mảnh vỏ trứng vỡ ra, lớn lên thành năm ngọn núi.

Ngày nay trên nổng cát trắng, giữa miền hoang địa xa xưa ấy, tinh thần của truyền thuyết càng thêm sống động, phong phú: óc sáng tạo, tính năng động của con người đã đem lại sức sống và sự giàu có cho quê hương, cho đất nước.

Văn Minh Chi không còn nữa để đọc những dòng chữ trên đây của bạn bè, nhưng anh vẫn sống mãi với điểm du lịch hình thành trên bờ biển phía nam thành phố Đà Nẵng thân yêu của anh. 

PHẠM NGỌC CỪ

;
.
.
.
.
.