Sinh sống và học tập ở Đà Nẵng được hơn 2 năm, có điều kiện chu du gần như hết mọi ngóc ngách của thành phố, nhưng có một nơi nằm cách trung tâm thành phố không xa, tôi chưa từng đặt chân đến, đó là “ốc đảo” làng Vân, nằm tựa vào vách núi dưới chân đèo Hải Vân, mặt quay về phía biển.
Muốn vào trong làng phải vượt qua những tảng đá nhô cao bên bờ biển. |
Vào một ngày giữa tháng 4, dưới cái nắng oi bức như chảo lửa của khí hậu miền Trung, tôi cùng một người bạn quyết định làm một cuộc dã ngoại lên đèo Hải Vân. Xe chạy mà tiếng động cơ mỗi lúc càng ục ặc do phải liên tục rồ ga vượt lên những con dốc cao, những khúc cua như khuỷu tay gấp lại. Đến lưng chừng đèo, hỏi thăm người dân mới biết: Muốn xuống làng Vân chỉ có cách cuốc bộ theo sườn núi hoặc thuê thuyền thúng vượt hàng cây số đường biển mới đến nơi.
Sợ mất thời gian nên chúng tôi quyết định đi bộ dọc theo triền núi, bám chặt những loại cây thân leo yếu ớt để tạo điểm vịn. Nhìn có vẻ gần, nhưng quãng đường từ trên đèo cho đến bờ biển cũng dài cả chục cây số. Đường đi cách trở, lắm lúc lại gặp những con dốc cao, cây dại um tùm chắn cả lối đi. Sau gần ba giờ đồng hồ vừa cuốc bộ vừa hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi đến được làng Vân cùng với một lão ngư tốt bụng đồng ý dẫn đường.
Đến làng Vân, nhưng muốn vào sâu trong làng nơi có người sinh sống phải đi bộ thêm vài ba cây số nữa mới đến nơi. Khí hậu mát mẻ, từng đợt gió thi nhau lùa vào làm mát rượi cả người như làm vơi đi sự uể oải sau một quãng đường dài trải qua cái nắng, cái nóng của trưa hè. Một khung cảnh thanh bình hội tụ đầy đủ vẻ đẹp hoang dã hiện ra. Rảo bước qua những con đường trong làng, chúng tôi chỉ thấy những cụ già tóc bạc phơ ngồi trước cửa hay những em nhỏ tung tăng cắp sách sau giờ tan học. Theo các em nhỏ, giờ này những người trong độ tuổi lao động đều đã ra khơi. Tiếp chúng tôi bằng những cốc nước suối dân dã, các cụ, các em kể về cuộc sống thiếu trước hụt sau ở “ốc đảo” này.
Họ sống ở đây cũng đã ba thế hệ, do bị bệnh phong không thể sinh hoạt bình thường với cộng đồng nên họ tản cư vào đây lập làng từ năm 1968 nên người bên ngoài gọi là làng phong. Sự hiểu biết về thế giới vũ trụ bao la của họ cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, năm thuở mười thì mới được ra ngoài một lần. Cuộc sống với họ không khá giả, nhưng khi chúng tôi đến, họ tiếp đón hết sức niềm nở. Họ không cần biết chúng tôi là ai, nhưng theo họ, hễ là khách đến thăm là quý lắm nên đã mang tất cả những đồ ngon, vật lạ mời khách, vui mừng bắt chuyện hỏi về cuộc sống bên ngoài với tình cảm thắm thiết như bạn bè thân hữu.
Chia tay làng Vân, một chuyến đi để lại nhiều cảm xúc, chúng tôi thầm cầu mong họ sẽ không còn bị cô lập khi được chuyển đến chỗ ở mới theo chủ trương của thành phố trong nay mai.
THANH BA