.
Ứng xử với nghệ thuật

Thờ ơ hay... quá kín đáo?

.

Trong thưởng thức nghệ thuật, người miền Trung xa lạ với sự quá khích. Bởi lẽ, họ ngại biểu lộ cảm xúc của mình, thậm chí khiêm tốn, dè dặt với những tràng pháo tay không tốn kém…

Mỹ Linh với liveshow Và em sẽ hát tại Đà Nẵng.
Mỹ Linh với liveshow Và em sẽ hát tại Đà Nẵng.

Không chỉ vì “cây nhà lá vườn”

Nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng do các Phòng Văn hóa-Thông tin của các địa phương ở Đà Nẵng tổ chức đã diễn ra trong sự không mặn mà của khán giả. Thường họ chỉ đến thưởng thức tiết mục của người thân, người quen, hàng xóm, tổ dân phố, phường, xong rồi về và không quan tâm đến những gì còn lại. Ngay cả những hội diễn do Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức cũng không thu hút nhiều người xem. Ông Ngô Văn Bảy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng, thừa nhận thực tế này và cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến các hội thi, hội diễn văn nghệ do trung tâm tổ chức vài năm trở lại đây thưa hơn trước, đáng báo động là vắng bóng khán giả ở các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu, dân ca kịch toàn quốc, người xem phần lớn là thành viên các đoàn, còn khán giả - đặc biệt là khán giả trẻ tuổi - rất ít.

Song, vấn đề không dừng lại ở số lượng, với những chương trình nghệ thuật “cây nhà lá vườn”, người ta đặt câu hỏi về cách thưởng thức nghệ thuật của người miền Trung. Thậm chí, trong các chương trình nghệ thuật được đánh giá cao, các show diễn tên tuổi, các nghệ sĩ trên sân khấu nhận được thường vẫn là sự trầm lặng “hiền lành” quá mức từ phần lớn các hàng ghế khán giả. Trừ những đoạn cao trào không thể không cười của các vở hài, Giáo sư Cù Trọng Xoay Đinh Tiến Dũng trong show diễn Phố cười, Đời cười đến Đà Nẵng vào đầu năm nay cũng đành bất lực trong việc khuấy động không khí tại Nhà hát Trưng Vương. Bởi lẽ, khi anh đặt những câu hỏi giao lưu với khán giả như: “Trong các anh đây, ai sợ vợ, ai không sợ, vì sao?”; “Đố các anh”… thì không một tiếng trả lời, không một cánh tay giơ lên… Hay tại liveshow Và em sẽ hát của ca sĩ Mỹ Linh vào cuối tháng 5 vừa qua, khi nữ ca sĩ liên tục đề nghị: “Hãy hát cùng tôi ca khúc này, hãy hát cùng tôi đoạn này, nào xin mời các bạn…”, thì ngoài fan của diva, phản ứng của khán giả cũng thiếu đi sự nồng nhiệt cần thiết. Chủ nhân của Và em sẽ hát đã lý giải rằng, người miền Trung là thế, không phải họ không nồng nhiệt, mà họ giấu xúc cảm vào trong một cách thầm kín…

Nghệ sĩ cần khán giả

Trao đổi vấn đề này với các khán giả, phần lớn câu trả lời chúng tôi nhận được là do thói quen, hay vì hội chứng “đám đông”, sợ bị lạc lõng, bị đánh giá. Chị Hà Thị Thi (30 tuổi, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chia sẻ: “Mình là người khá sôi nổi, nhưng cả khán phòng không ai nhảy nhót, hò reo, nếu mình độc diễn thì cũng ngại”. Trong khi đó, lập trình viên Nguyễn Ngọc Dũng (35 tuổi) thú nhận rằng, chưa một lần anh đến các triển lãm nghệ thuật, vì trong suy nghĩ của anh đây là những nơi chỉ dành cho giới nghệ sĩ. Tất nhiên chị Thi, anh Dũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh bộc bạch: “Tác phẩm được mình dồn biết bao tâm sức nhưng khi ra đời thì mọi người không chú ý, điều đó làm anh em nghệ sĩ chúng tôi rất chạnh lòng, nhiều khi chẳng tìm đâu ra cảm hứng để sáng tác nữa”. NSND Trần Đình Sanh không đưa ra sự phán xét nào về thái độ thưởng thức nghệ thuật của người miền Trung nói chung và người Đà Nẵng nói riêng. Ông chỉ nói rằng, khán giả là động lực lớn để kích thích nghệ sĩ sáng tạo, có khán giả mới có sân khấu. “Khán giả chính là người thưởng thức, thụ hưởng, cũng là người giám sát những bước đi của nghệ thuật; nếu ngừng lại, nghệ thuật sẽ không phát triển”, ông Sanh khẳng định.

Một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng: “Người miền Trung cần gạt bỏ một số thói quen không tốt, đơn giản chuyện vỗ tay tán thưởng hoặc động viên ai đó, chúng ta quá tiết kiệm, hoặc không để ý, có mất gì đâu. Chúng ta cần hiểu cử chỉ nhỏ đó là yêu cầu tối thiểu của ứng xử có văn hóa trong mọi thời đại”.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.