.

Nếu Murray thuộc thơ Hồ Dzếnh

.

Hai tay ôm lấy mặt, mắt thất thần nhìn lên khán đài và nhìn vào màn trời New York sẫm tối, Murray như không tin vào điều vĩ đại vừa đến với mình. Anh không nhảy cẫng lên, không nằm lăn ra đất cũng chẳng hò hét man dại như bao tay vợt khác lúc giành chiến thắng cuối cùng, chỉ đi thơ thẩn quanh sân như kẻ mất hồn. Mà sao không mất hồn, không bỗng chốc ngây ngô được khi trải qua giây phút vinh quang ngút trời này! Anh đã nếm trải biết bao đắng cay tủi hờn của chiến bại, đã không ít hơn bốn lần tay trắng ngậm ngùi cúi mặt rời sân sau những sự kiện đỉnh cao của quần vợt để giờ đây lần đầu nếm trải hương vị Grand Slam đầu đời. Những người bạn cùng trang lứa và cùng chơi bóng với anh từ tuổi ấu thơ là Nadal, Djokovic đã làm được điều ấy lâu rồi, thậm chí về đích trước tiên trong cuộc chạy đua trực tiếp với anh. Bây giờ anh đã ôm trong tay chiếc cúp vô địch US Open, chấm dứt cơn khát Grand Slam kéo dài đằng đẵng 67 năm của đảo quốc sương mù. Đêm New York vì thế bất tử với bản thân Murray và trở nên vĩnh hằng với một nước Anh khao khát chiến công từng nhiều phen gạt nước mắt vì vấp ngã của đứa con thân yêu.

 Andy Murray tự  hào trước danh hiệu vô địch tại US Open 2012. (Ảnh tư liệu)
Andy Murray tự hào trước danh hiệu vô địch tại US Open 2012. (Ảnh tư liệu)

Nước Anh ngây ngất và thế giới cảm động vì thấu cảm sự kiên trì và khâm phục hành trình bền bỉ của anh. Trong một thời đoạn mà làng banh nỉ thế giới bị “thao túng” bởi phong độ đỉnh cao của Federer, Nadal rồi Djokovic, đất diễn dành cho Murray quả hẹp vô cùng. Bốn lần đánh trận chung kết các giải Úc, Mỹ mở rộng và cả Wimbledon ngay trên quê xứ mình là bốn lần anh vấp ngã đau đớn trước các kình địch với thành tích đáng buồn chỉ thắng được mỗi một set! Những người mến mộ tài năng của anh ấm ức vì nhận ra tài năng của anh không hề thua kém đối thủ, anh chỉ thất bại vì không vượt được sức ép tâm lý. Vinh quang cứ đùa cợt trêu ngươi chàng trai Scottland, cứ mãi chọc ghẹo anh bằng câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Cả ở cuộc hẹn dễ chịu nhất diễn ra trên vườn nhà Wimbledon vài tháng trước đây “người tình” cũng không thèm đến. Lần ấy, anh làm công chúng thổn thức vì giọng điệu chừng như tột cùng tuyệt vọng trên gương mặt đầm đìa nước mắt.

Nhưng Murray không hề tuyệt vọng! Bản lĩnh và khát vọng của một chàng trai không chấp nhận đầu hàng trước thách thức giúp anh kịp thời đứng dậy. Phẩm chất không thỏa hiệp với sự dễ dàng được hun đúc từ tấm bé trỗi dậy hối thúc anh kiên trì tập luyện. Người thầy Ivan Lendl nhận ra khát vọng của cậu học trò đã tận lực ở bên cạnh anh, truyền cho anh từng ngón nghề với tất cả tâm can. Chính Lendl nói rằng ông đã linh cảm Murray sẽ giành chiến thắng vì tố chất lớn của anh là tính khiêm tốn học hỏi và sự bền bĩ vượt qua thách thức. Cứ như chính chàng trai Scottland biết rằng người tình dù thất hẹn nhưng cuối cùng sẽ phải đến vì bản thân sự kiên trì theo đuổi tình yêu chân chính của mình là nét quyến rũ của ái tình.

Và tình yêu rồi cũng đến với chàng, ngất ngây mà độ lượng. “Như một nụ cười” là ý tưởng của Murray khi nhìn về chiến quả lần đầu chạm tay vào chiếc cúp danh giá nhất. Một nụ cười thôi, nhưng đó là nụ cười vô giá của chàng trai đang yêu đón nhận người tình sau bao lần phải phập phồng thao thức đợi chờ. Một nụ cười thôi bởi còn phải biết khóc vì bao nhiêu thử thách mới lại đón chờ phía trước để có thể giữ lấy tình yêu.

Một nụ cười thôi vì Murray hôm nay phải khác với Murray hôm qua, khác với chính anh ngày mai. Một nụ cười thôi vì, cũng như một câu thơ của Hồ Dzếnh, “cái bay không đợi cái trôi”…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.