.

Nhớ về thời khắc 1945

.

Những chàng trai, cô gái thế hệ Cách mạng Tháng Tám 1945, nay ai còn sống, ít nhiều cũng đã bước qua tuổi tám mươi. Chiến tranh lùi xa, nhưng những năm tháng cống hiến đời mình cho cách mạng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người.

Bà Lê Thị Kinh chia sẻ  những năm tháng cống hiến đời mình cho cách mạng.
Bà Lê Thị Kinh chia sẻ những năm tháng cống hiến đời mình cho cách mạng.

Đọng lại niềm tự hào

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Ông Ích Khiêm, bà Nguyễn Thị Ngân Trung (nguyên tổ trưởng tổ Việt Minh bí mật xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) năm 1945) nay đã tuổi 83. Bà ngồi trước mặt tôi, nở nụ cười phúc hậu. Câu chuyện quay về khoảng thời gian đầu năm 1945, khi bà 15 tuổi. Thời điểm đó, xóm bà đón những người tù chính trị từ Hội An về. Mỗi tối, bà con trong xóm được họ tuyên truyền về Đảng, về Bác Hồ. Từ những câu chuyện này, bà hiểu nhiều điều về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà giặc Pháp đang gây ra trên đất nước mình.

Để gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền sắp diễn ra, bà sắm vai phụ nữ đi buôn, qua mắt bọn mật thám, về các xã lân cận như Duy Trung, Duy Trinh tuyên truyền về đường lối cách mạng. Bà nói những điều mắt thấy tai nghe, gần gũi với đời sống lúc bấy giờ nên dễ dàng nhận được sự đồng cảm, ủng hộ từ người dân. Bà kể lại: “Thời hoạt động bí mật cơ cực lắm. Phần phải ngụy trang, qua mắt bọn mật thám, phần đi đâu cũng đi một thân một mình, không dám mang gì theo. Quần áo chỉ có hai bộ. Nhiều lần đi công tác về ngang nhà, định ghé thay bộ đồ bẩn, nhưng vào mới biết bộ kia đã bị mấy chị khác lấy mặc”.

Cũng thời gian này, tại thành phố Đà Nẵng, sau khi nhận Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Nhân dân theo lệnh may cờ, chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa. Các lò rèn trưng dụng vào việc đúc vũ khí, giáo mác. Ông Đoàn Bá Từ được điều vào Ủy ban Mặt trận Việt Minh thành phố, làm cán bộ vận động quần chúng. Với nhiệm vụ này, ông thường xuyên cùng đồng đội đi trên ô-tô, đến những nơi đông người như chợ, trung tâm thương mại để tuyên truyền (bằng loa) về cuộc cách mạng của Việt Minh.

Cuối cùng, thời khắc lịch sử đã đến. Sáng 26-8-1945, sau tiếng còi của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố, toàn bộ lực lượng đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Bây giờ, ở tuổi 95, cán bộ lão thành Cách mạng Đoàn Bá Từ vẫn nhớ như in giây phút mình đi cùng đoàn với ông Lê Văn Hiến (lúc ấy là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời) đến Tòa thị chính để thu ấn triện, tài liệu giao cho cách mạng. Tại cuộc mít-tinh ngay sau đó, Chủ tịch Lê Văn Hiến tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân và công bố 10 chính sách của Việt Minh. Từng ngóc ngách thành phố Đà Nẵng vỡ òa trong niềm hạnh phúc chiến thắng.

Nếu ai đã từng đọc qua những bài báo viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đoàn Bá Từ, sẽ tin rằng, ẩn sâu trong con người ông là một tấm lòng nhân hậu, bao dung. Có một kỷ niệm mà mỗi khi nhắc lại, ông đều bật cười. Ngày 16-8-1945, khi cách mạng giao nhiệm vụ cho Đoàn Bá Từ (lúc này là Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên, kiêm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền) đi thu ấn triện của Tri huyện Hòa Vang. Khi đi, lãnh đạo giao cho ông một cây súng đề phòng bất trắc. Nhưng do không tự tin về khả năng bắn súng của mình, nên Đoàn Bá Từ tháo hộp đạn bỏ ở nhà, tay không đến gặp quan tri phủ. Nói về “lá gan” của mình thời đó, ông hóm hỉnh: “Lúc này chính quyền phong kiến đã tan rã, nên việc cướp chính quyền diễn ra rất thuận lợi. Việt Minh đi đến đâu, đại diện tầng lớp phong kiến nộp con dấu đến đó”.

Ký ức Tuần lễ Vàng

Trong câu chuyện của mình, những người có mặt trong thời khắc 1945 lịch sử như bà Ngân Trung, ông Đoàn Bá Từ còn kể cho tôi nghe những ký ức về Tuần lễ Vàng mà họ đã trải qua. “Chưa bao giờ có cuộc vận động nào nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân như vậy”, Đoàn Bá Từ nói.

Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra Tuần lễ Vàng ở Đà Nẵng, tại góc đường Hùng Vương-Phan Châu Trinh, bà Phạm Thị Nhung (thường gọi là Nhung Bé) - khi đi ngang qua đây đã cởi ngay chiếc kiềng vàng thường đeo trên cổ quyên góp cho cách mạng. Bà Bé chia sẻ, ngày ấy, trong lòng mỗi người đều tâm niệm rằng, mình phải đóng góp chút gì cho cách mạng. Không có vàng, có tiền, thì đã có đồng, có sắt, theo tinh thần lời kêu gọi trên khắp phố phường Đà Nẵng: “Đem đồng đem đỉnh đi đâu. Đem đi đúc búa đập đầu thằng Tây”.

Nhớ về chuyện này, còn có bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 16 tuổi, bà Kinh đã tham gia tổ chức học sinh yêu nước tại Trường Nữ sinh Đồng Khánh (Huế), tham gia tổng khởi nghĩa tại Quế Sơn (Quảng Nam). Đến tháng 12-1945, bà vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, khi 20 tuổi. Bà nhớ lại: “Khi Tuần lễ Vàng diễn ra, tôi đang là Bí thư Hội LHPN xã Quế Sơn. Mẹ tôi (bà Phan Thị Châu Liên, lúc này là Ủy viên Ủy ban Cứu tế xã hội tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) thông báo với gia đình sẽ góp vàng cho cách mạng. 6 chị em tôi ai cũng ủng hộ. Mẹ lấy số tiền dành dụm được, khoảng hơn 6 lạng vàng, mang đến điểm quyên góp trong niềm vui được cống hiến”.

Sự hy sinh của những người con ưu tú không chỉ dừng lại ở một thời điểm, mà xuyên suốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Những ai đã từng chứng kiến thời khắc lịch sử ấy, nói như ông Đoàn Bá Từ, họ đều hiểu rằng: “Cuộc đời của mỗi người đã bước sang trang mới, thoát khỏi ách kìm kẹp của chế độ phong kiến và tay sai để từng bước làm chủ cuộc sống của mình”.

Chỉ một ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh (3-9-1945), chính quyền cách mạng phải đối mặt với tình hình kinh tế suy kiệt. Ngân quỹ Trung ương chỉ còn 1,25 triệu đồng Đông Dương (trong đó 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu hủy).

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Quốc lệnh thành lập “Quỹ Độc lập” để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân tự nguyện quyên góp để giúp Chính phủ lâm thời đối phó với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Qua Quỹ Độc lập, từ ngày 17 đến 24-9-1945, Tuần lễ Vàng được tổ chức. Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng đã thu được trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370 kg vàng.

(Nguồn:http://www.taichinhdientu.vn)

TIỂU YẾN
 

;
.
.
.
.
.