Tay nám bụi tôi vịn vào cửa lớp. Nhận ra mình ứa nước mắt hân hoan. Câu thơ của Lê Hân có lẽ đã ít nhiều nói lên được tâm trạng của hầu hết cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng khi họ quay về thăm lớp cũ trường xưa.
Đại diện cựu học sinh khóa 1966 – 1973 trao học bổng cho học sinh THPT Phan Châu Trinh năm học 2011 – 2012. |
“Trên 40 năm trước, tôi còn là một cậu bé nhà quê từ Điện Bàn theo cha ra sống ở vùng ven thị xã Đà Nẵng. Học tiểu học ở một trường làng nên cánh cổng của ngôi trường trung học mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh lúc ấy đối với tôi hãy còn quá xa vời. Được vào học ở ngôi trường có đội ngũ thầy, cô giáo (lúc bấy giờ gọi là giáo sư) giàu kiến thức, tình cảm và mẫu mực này không chỉ là khát khao của riêng tôi mà là mơ ước của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Vậy rồi tôi đã thi đỗ vào đây!”.
Nhớ về trường xưa lớp cũ, rất nhiều người cùng cảm xúc như anh học trò Trần Văn Nam khóa 1969 – 1975. Chưa thấy thống kê nào về số lượng học trò đã rèn nhân cách, học chữ nghĩa dưới mái trường trung học công lập đầu tiên của Đà Nẵng này. Cũng không sao, khi mà ngôi trường uy nghi nằm bên đường Lê Lợi ấy vẫn luôn thắm sắc phượng hồng trong lòng lớp lớp những thế hệ thầy, cô giáo và học trò trong 6 thập kỷ qua.
Ngày đó, anh Nam hãnh diện với bộ đồ trắng đồng phục vào mỗi thứ Hai, vào bảng tên trên ngực áo, không những mong đến giờ học Toán, Lý, Hóa, mà còn là những giờ học Văn, giờ thuyết trình tác phẩm văn học... đặc biệt là những giờ học Sử. Nay là PGS.TS, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, anh vẫn còn nhớ Lịch sử Việt Nam, vô cùng tự hào với chiến công hiển hách của cha ông nhờ những giờ học ở trường ngày đó...
Với anh Lê Văn Hoàng, học sinh Trường Phan Châu Trinh đầu những năm 80 thế kỷ trước, thời gian học ở trường là chuỗi ngày tươi đẹp và để lại nhiều kỷ niệm. Khi xem kết quả và biết mình được vào lớp chuyên toán, anh thấy ngôi trường mà mình sẽ học cấp 3 gì cũng đẹp, từ cổng trường cho đến tượng cụ Phan... Quá nhiều kỷ niệm nên với Hoàng, thật khó nói cái nào đáng nhớ nhất. Thế nhưng, với nỗ lực học tập và giải Vật lý quốc tế năm 1981 mà Hoàng mang về cũng đủ để cho nhà trường nhớ đến anh.
Hiện là PGS.TSKH Trưởng bộ môn - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, anh học trò cũ này càng khiến cho nhiều người nhớ đến mình qua cách gửi nghĩa tình về trường cũ. Cô Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thu Nga kể: “Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam hằng năm, anh Hoàng không về được, nhờ bố mẹ mình đến trường trao hai học bổng cho các em học sinh. Hình ảnh hai mái đầu bạc đứng bên những mái đầu xanh khiến chúng tôi rất cảm động, thật khó mà quên được”.
Đã một thời cắp sách đến trường, ai mà không cảm thấy lòng mình rộn lên những cảm xúc thanh xuân mỗi khi nhắc đến thầy cô xưa, bạn bè cũ? Cổng trường thân quen ấy họ đã ra vào không biết bao nhiêu lần thời còn đi học, chỉ đến khi rời xa rồi mới nhẩm tính trong ký ức được mấy lần quay lại. Với Trường Phan Châu Trinh, 60 năm qua - tròn một cuộc đời như một bài hát của nhạc sĩ Y Vân - đã có biết bao thế hệ học trò ôm hoài bão ra đi và mang thành đạt trở về.
“Tôi xuất thân từ nông dân, thành công được như ngày hôm nay chính là nhờ có ước mơ và hoài bão, nhờ học hành nghiêm túc qua các cấp và học đều ở các môn, nhưng càng suy nghĩ tôi càng thấy quãng thời gian học tập ở Trường Phan Châu Trinh đóng một vị trí quan trọng nhất”. Cựu học sinh Trần Văn Nam |
Trong danh sách do cô Thu Nga cung cấp, ngoài nhà báo Nguyễn Công Khế, cố nhà báo Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt, nguyên Tổng biên tập Báo Công an TP. Hồ Chí Minh), các doanh nhân Nguyễn Tâm Tiến (Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nam), Nguyễn Thanh Trung (Tổng Giám đốc Công ty Tôn Đông Á),... thật ngạc nhiên khi thấy học sinh cũ của Trường Phan Châu Trinh còn có các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu, nhà báo Trần Ngọc Châu (Giám đốc kênh truyền hình FBNC), TS. Trần Nam Dũng (Giải Nhì Toán quốc tế 1983, hiện công tác tại một trường đại học ở Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)!...
Trở về, họ đã trao tặng hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, hàng trăm máy móc thiết bị cho nhà trường. Thế nhưng, có một quà tặng vô hình không một thiết bị vật chất nào có thể đong đếm được, đó là những giá trị về Nhân Văn đã được họ thầm nhắn gửi cho các thế hệ học sinh kế tục qua nhân cách của chính mình. Bởi, thành đạt xét ở một góc độ nào đó, không hẳn là trở thành những người nổi tiếng trong xã hội mà có khi chỉ đơn giản là bằng lòng với chính mình khi đã xử tròn đạo nghĩa như những gì đã được các thầy, cô giáo khả kính dạy bày từ lúc còn ngồi ghế nhà trường.
Cựu học sinh Lê Hân, một lần về thăm “Lớp cũ trường xưa” (tên bài thơ của anh), đã không ngăn cảm xúc: Lòng cúi trước tượng người làm cách mạng/ Tạ cô thầy dìu dắt bước thành nhân/ Danh lập được chẳng qua như hạt bụi/ Trường bao dung hẳn cho chút dự phần/ Tay nám bụi tôi vịn vào cửa lớp/ Nhận ra mình ứa nước mắt hân hoan.
Giữa không gian nay, sực nhớ thời gian xưa mà hân hoan đến ứa nước mắt. Từ khi ra đi đến lúc trở về, chỉ những ai khắc khoải trải lòng hoài niệm trường xưa mới có được khoảnh khắc hạnh phúc đó. Chị Phan Thị Thu Hà, cựu học sinh khóa 1957 – 1964, đôi lúc cũng tự hỏi: Có phải vì những ngày sống ở Trường Phan Châu Trinh vô cùng êm ả hay vì quãng đời hồn nhiên ấy “một đi không trở lại” nên càng thấy đẹp hơn, vui hơn và đáng nhớ hơn? Và rồi tự trả lời: Có lẽ cả hai…
Những ngày này, chừng như đi đâu ở Đà Nẵng cũng nghe người ta nhắc đến 60 năm Trường Phan Châu Trinh. Sáng đó ghé lại trường thấy các em học sinh hát hợp xướng để quay phim tài liệu. Giọng khỏe. Đều. Vang dội. Tự hào… Chạnh nghĩ, dù mình xưa không học ở chốn này nhưng cũng ít nhiều cảm thấy tự hào về ngôi trường mang tên danh nhân kiệt xuất xứ Quảng đó. Huống gì…
VĂN THÀNH LÊ