.

Tấm lòng người cháu ngoại cụ Phan

.

Cách đây gần 10 năm, bạn đọc cả nước biết đến hai cuốn sách  Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới với hơn 2.000 trang bản thảo. Nhân kỷ niệm 60  năm thành lập Trường Phan Châu Trinh, phóng viên Báo Đà Nẵng Cuối tuần đã tìm gặp tác giả tập sách – bà Lê Thị Kinh, cháu ngoại của cụ Phan - để hiểu hơn niềm đau đáu của một người đã dành biết bao tâm sức cho việc sưu tầm, biên soạn quá trình hoạt động cách mạng của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Bà Kinh: Khi tập sách này ra đời, đối với tôi, là món quà lớn, vô cùng ý nghĩa.
Bà Kinh: Khi tập sách này ra đời, đối với tôi, là món quà lớn, vô cùng ý nghĩa.

Bà Kinh nhớ lại, năm 1990, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đồng ý cho bà nghỉ hưu, khi đã 65 tuổi. Độ tuổi không còn trẻ để làm nhiều thứ. Về lại Đà Nẵng, bà thấy mình phải có trách nhiệm tập hợp những di cảo, tài liệu liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của ông ngoại mình mà gia đình bao năm gìn giữ. Từ khi có kế hoạch thực hiện, đến khi hoàn thành bản thảo, bà đã mất hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu, sưu tầm. Một thời gian đủ dài để xâu chuỗi nhiều vấn đề. Vì thế, khi tập 1 phát hành năm 2001, bà đã ở tuổi 76.

Để có được từng đó trang bản thảo, bà đã phải sưu tầm từ nhiều nguồn. Trong đó có 3 nguồn chính. Thứ nhất là từ gia đình. Cụ Phan Châu Trinh có một thói quen rất hay mà ít ai làm được. Đó là, khi cụ viết thư, bản thảo cho ai, cũng đều sao ra một bản để giữ lại. Khi ông cụ mất, gia đình đã nhận lại phần lớn tài liệu này từ những người bạn, người đồng chí hướng của cụ. Đây là nguồn tư liệu rất quý, chân thật và đáng tin cậy. Nguồn thứ hai từ sách báo, tài liệu do những người yêu nước, nhà nghiên cứu lịch sử viết về Phan Châu Trinh. Nguồn thứ ba từ Pháp. Chủ yếu lấy từ Trung tâm Lưu trữ hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre-mer, thành phố Aix-en-provence, miền Đông Nam nước Pháp), thư khố quân sự và thư khố vùng Pari…

Ít ai biết rằng, bà Kinh từng mượn bạn bè 2.000 USD làm kinh phí sang Pháp, từng đến Tòa đại sứ Pháp ở Việt Nam đề nghị hỗ trợ vé máy bay bởi điều kiện gia đình không cho phép. Một thân một mình trên đất Pháp khi tuổi cao sức yếu, bà Kinh đã tranh thủ từng khắc thời gian. Bà đến thư khố cả ngày. Để tiết kiệm chi phí, khi bà đi tàu điện ngầm, khi đi bộ. Buổi sáng chuẩn bị sẵn ổ bánh mì, chai nước để ăn trưa ngay tại thư viện. Có những tư liệu, bà run lên vì sung sướng bởi tầm quan trọng của nó. Tại đây, bà không những đọc về Phan Châu Trinh, mà còn đọc tư liệu về những người từng hoạt động với cụ ở Pháp như Phan Văn Trường, Khánh Ký, Ngô Đức Kế, Nguyễn Ái Quốc…

Sau hai đợt sưu tầm 1995 và 1998, tổng cộng 6 tháng tại Pháp, cộng với sự giúp đỡ về tài liệu và ý kiến của một số nhà nghiên cứu tại Pháp như giáo sư sử học Daniel He’mery, cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn, tiến sĩ Thu Trang, bác sĩ Hồ Tá Khanh và các nhà nghiên cứu trong nước như Chương Thâu, Nguyễn Văn Xuân, Hồ Song, bà đã có được hàng ngàn trang tư liệu quý giá về cuộc đời cụ Phan.

Bà chọn lọc, sắp xếp, dịch các tài liệu từ nguyên bản tiếng Pháp, đối chiếu, lồng và ghép các tài liệu đáng tin cậy trong nước, trong đó có tư liệu do chính cụ Phan đem về nước năm 1925 mà gia đình vẫn còn giữ nguyên bản gốc. Bà Kinh luôn cảm thấy rằng, đó là việc làm cần thiết của gia đình nhằm giữ lại những tài liệu quý giá về cuộc đời hoạt động của cụ Phan. Tập sách này ra đời, là món quà đầy lớn lao và ý nghĩa đối với bà. Tuy nhiên, vẫn còn một số tư liệu về cụ Phan tại Pháp mà bà vẫn chưa có điều kiện tập hợp được.

Không chỉ dốc hết sức cho việc thực hiện tập sách, toàn bộ kinh phí dành cho việc sửa sang, tu bổ lại khu nhà tưởng niệm Phan Châu Trinh (tại 72 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đều do gia đình bà Lê Thị Kinh đóng góp. Để hỗ trợ, bà Phan Thị Châu Liên-mẹ bà Lê Thị Kinh-đã đóng góp 5 lượng vàng. Phần thiết kế thuộc về con gái Nguyễn Phương Nam. Ngoài số tiền dành dụm được, bà Kinh đã thanh lý rất nhiều tài sản để lấy tiền sửa sang, tu bổ. Hơn 20 năm qua, gia đình đã quản lý nhà lưu niệm với phương châm dựa vào lương hưu và các thu nhập của gia đình, không xin tài trợ hay kinh phí từ Nhà nước.

Cũng trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Trường  THPT Phan Châu Trinh. khoảng 400 học sinh trường này sẽ tổ chức rước đuốc từ Nhà tưởng niệm về trường nhằm tưởng nhớ công lao của người chí sĩ.

HUỲNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.