.
Tản văn

Nhớ sân

Tôi mơ hồ nhớ, hình như trong giấc ngủ tối qua, tôi mơ thấy một chiếc chổi quét sân dựng nơi đầu hè. Hình ảnh chỉ có thế, vài lần thoáng qua, làm tôi chẳng biết có phải mình mơ hay chỉ là tôi đã thả trí nhớ mình lang thang về bên chiếc chổi.

Ai lại đi nhớ một chiếc chổi làm gì? Nhớ thì phải nhớ cái gì lãng mạn, hoặc ít ra cũng nên thơ một chút. Ấy thế mà nhiều lần tôi nhớ chổi, nhớ quay quắt bần thần. Tôi nhớ chiếc chổi nép sát bờ tường ngoài chỗ phòng lồi, chiếc chổi quét sân đã cùn mòn đi nhiều vì những nhát chổi đều đặn mỗi sáng của chị em tôi. Thì ra, không phải chỉ là nhớ chổi mà là tôi đang nhớ sân, nhớ nắng, nhớ cây mãng cầu sà cả cành lá vào cửa sổ nơi tôi ngồi làm bài tập về nhà, nhớ những buổi chiều trải nẻ đánh chuyền cùng lũ bạn và cả những trận tắm mưa reo vang ồn ã góc tuổi thơ.

Cái sân ấy, ra đời sau tôi hơn hai năm. Là vì khi tôi hai tuổi rưỡi, ba mẹ dọn nhà từ cuối thôn về đầu thôn bởi nền nhà cũ nhà tôi rồi sẽ nằm dưới chân đập - con đập lịch sử đưa nước đến ruộng lúa của cả bảy xã trong vùng, con đập cứu đói của mấy vạn người. Chuyến dời nhà lần ấy cũng coi như cuộc cách mạng của gia đình tôi, từ chỗ ở sâu giữa một thung lũng với bốn bên là đồi núi đến có nhà mặt đường, gần chợ, lại cao ráo, mùa lụt không phải lo ngập nước. Và, những ký ức đầu tiên của tôi gắn với ngôi nhà mới này, với khoảng sân rộng, đủ là một thiên đường ấu thơ không nhiều đòi hỏi.

Hình ảnh xa xôi nhất mà tôi có được về sân là cảnh tôi rải thóc cho gà ăn. Tôi không nhớ khi đó mình bao nhiêu tuổi, cũng không chắc đó có phải là ký ức đầu tiên của tôi với mảnh sân đầy mưa nắng. Chỉ biết, lòng tôi rộn vui, mắt tôi lóng lánh khi những chú gà con lông vàng liếp chiếp nhặt những hạt thóc quanh chân tôi. Hẳn rồi, sẽ có chú gà mổ chiếc mỏ nhỏ xíu vào bàn chân tôi nhồn nhột. Tôi xòe đôi tay cũng nhỏ xíu của mình ra, đỡ lấy chú gà con nghịch ngợm ấy, nựng yêu, mặc cho gà mẹ cục tác đòi con. Rồi tôi nhanh chóng trả chú lại về bên mẹ để chú tiếp tục cuộc liếp chiếp của mình phía bụi chuối, có khi chú theo mẹ ra đến cả vườn sau, nơi mà nếu may mắn, chú sẽ được cùng giành nhau đến là rộn ràng với anh em của mình cả một con giun đất dài.

Góc sân, có lẽ đấy là nơi cất giữ quá nhiều kỷ niệm êm đềm của bất kỳ đứa trẻ thôn quê nào. Không phải nhà thơ Trần Đăng Khoa khi còn là cậu bé mười tuổi đã có Góc sân và khoảng trời đấy sao? Cũng bởi quá nhiều, nên thật khó để gói gọn trong một bài viết ngắn. Nào những trận bi nảy lửa với luật chơi “mất bỏ, bể bỏ” của những chàng trai tuổi nhỏ yêng hùng. Nào những cuộc mua bán eo sèo rau dưa cá muối, kẻ bán người mua đều lợi khẩu quá chừng. Nhớ nhất món dầu phộng sánh như thật làm từ lá và hoa cây râm bụt giã ra trộn với nước lã, mỗi lần có người hỏi mua lại đong bằng chiếc vá quấn bằng lá dừa, thú vị vô cùng. Nào mảnh sành nhỏ vẽ ô nhảy lò cò, canh một, canh hai, canh ba, nhảy rồi cò rồi đứng một chân nhặt mảnh sành, chừng đó việc chừng đó thứ mà chơi hoài không thấy chán. Nào những đêm trăng diệu huyền, tôi cõng em trai chạy thi cùng chú Cuội, em ôm cổ tôi cười như nắc nẻ: “Chị Ba chạy không kịp đâu, chú Cuội có phép của Tề Thiên đó”.

Giữa sân nhà tôi từng có một cây vú sữa cao đến là, với những chùm quả chín mướt nấp sau vòm lá dày. Mấy anh em tôi thay phiên nhau trèo hái, vò trái ăn no rồi mới thả xuống cho người dưới đất. Anh Hai tôi còn bày ra một trò chơi rất nguy hiểm là đứng nhún nhảy trên một cành vú sữa cao để tôi sợ (sợ anh bị té) đến khóc ré mới thôi. Anh còn có một thú vui khác là đi từ cây sang mái nhà, dưới đất nhìn lên rất hãi, vậy mà anh cứ nhẹ như không. Vì trò chơi này của anh mà nhà tôi mùa mưa dột đủ chỗ.

Sân nhà tôi, sáng nào ngủ dậy cũng đầy lá cây. Vốn không phải đứa trẻ siêng năng, tôi chưa bao giờ yêu thích công việc quét tước nên hay nạnh em gái làm. Nhưng những sáng sau mưa, lá bị lẫn trong đất không thể quét được, tôi lại đầy phấn khích với việc cầm xiên tre xiên những chiếc lá mít, lá mãng cầu, lá vú sữa cho ngập xác lá tới tận tay cầm. Mẹ nhìn tôi rồi qua sang cô Chín: “Con bé này cái gì thích mới làm, giống ai mà nghệ sĩ quá”.

Tôi đã cách xa câu nói bâng quơ một sớm mai kia của mẹ trùng trùng mưa nắng. Mảnh sân trước nhà tôi cũng đã nhiều thay đổi, cây vú sữa giữa sân không còn sau khi em trai tôi đột ngột bỏ trần gian để bay cùng chú Cuội, cả cây mãng cầu lắm rầy cũng không biết đã về đâu rắc lá mỗi đêm mưa. Không còn bầy gà con lông vàng theo mẹ đi bới giun ngang qua chỗ Cún con phơi nắng. Mảnh sân ấy, giờ chỉ còn một cội mai già đứng lặng im nhìn ba mẹ tôi ngày ngày giở lịch ngóng trông con cháu.

Và có ai biết rằng tôi, đứa trẻ làm biếng quét sân ngày nào, giờ đây thèm ngẩn thèm ngơ được lướt những đường chổi xuống mặt sân  thoáng đạt mỗi bình minh thức giấc. Ôi! Tôi, đã quá lâu rồi, mở cửa mà chẳng gặp sân...

NGÔ THỊ THỤC TRANG

;
.
.
.
.
.