.

Trường cũ

.

1. Ngày Tết, những con người phiêu bạt tha hương thường có thói quen tụ họp với nhau để vơi đi nỗi sầu cố quận. Ngoài họp đồng hương, một cuộc họp mặt khá phổ biến khác là họp đồng môn, nói nôm na là “họp lớp”. Đó là dịp bạn bè cũ thời trung học ngồi lại với nhau, nói đủ thứ chuyện - chuyện xưa chuyện nay, nhưng chủ yếu vẫn là ôn lại chuyện xưa. “Chà, thằng này hồi đó nó nghịch phải biết! Ngồi trong lớp nó chuyên cột vạt áo dài của mấy đứa con gái vô chân bàn” - “Bà này bả vô tâm ghê! Hồi đó tui thương bà mà bà đâu có biết!” - “Thằng A hồi đó suốt ngày bị con B sai vặt nè!” - “Ờ, thằng A tới nhà con B chơi, bị con B sai hốt cứt chó mà thằng A cũng hốt! Gớm!” - “Xạo đi mấy cha! Làm chi có chuyện động trời đó!”. Những kỷ niệm tưởng đã ngủ vùi trong ký ức, chợt thức giấc một sớm mai họp lớp, hóa thành một cơn mưa đầu xuân tắm mát các khuôn mặt đã hằn dấu vết thời gian và giúp cho giàn thiên lý đã xa một phút giây chợt về gần trong tầm tay với. Đám bạn cũ nhìn nhau, chép miệng: Ngày nào như thể mới hôm qua!

Bên sân trường cũ.                                                                                                                                             Ảnh: MINH TRÍ
Bên sân trường cũ. Ảnh: MINH TRÍ

2. Nói bạn bè thời trung học mà không nói bạn bè thời đại học (dù các cựu sinh viên đại học cũng thường họp bạn đồng môn) bởi bạn bè thời trung học, ngoài chuyện chung trường, chung thầy chung bạn, còn cùng chung cội nguồn quê xứ. Sinh viên đến từ mọi vùng miền, còn học sinh trung học thường cùng tỉnh cùng huyện, có khi cùng xã cùng thôn, nên ngoài kỷ niệm dưới mái trường còn biết bao nhiêu ngọt bùi khác nữa - cho nên kỷ niệm phong phú và đậm đà hơn. “Hồi học lớp bảy, ngày nào tao cũng ghé nhà thằng X ăn chực nè” - “Thằng K. hồi đó lớn tồng ngồng rồi mà còn đái dầm. Tối nó ngủ nhà tao, sáng dậy mẹ tao la trời vì phải vừa bịt mũi vừa ôm chiếu đi giặt”. Những kỷ niệm ngộ nghĩnh đó chỉ có ở thời trung học.

3. Tôi từng dự nhiều cuộc họp lớp như thế này. Không chỉ bạn cũ, mà các thầy cô cũ cũng được mời tham dự. Sài Gòn là vùng đất lành chim đậu nên bạn bè và thầy cô thời trung học của tôi lập nghiệp ở đây khá đông. “Hồi đó, thầy hay đánh em nè!”, tôi nói với thầy hiệu trưởng cũ trong một dịp họp lớp. Một đứa bạn vọt miệng: “Hồi đó thằng này nó nghịch không ai chịu nổi, thầy đánh nó là đúng rồi. Chứ chẳng lẽ thầy đánh đứa hiền lành như em”. Thầy hiệu trưởng cười hiền:  “Làm gì có! Mấy em đừng có nói oan cho thầy! Thầy nhớ thầy đâu có đánh ai!”. Thầy trò nhìn nhau cười đùa mà mắt rưng rưng. Tóc thầy tóc trò đều đã muối tiêu, có vài người ngả trắng. Do làm ăn lam lũ, có khi tóc trò còn trắng hơn tóc thầy. Sương thời gian đấy!

4. Bao nhiêu năm nước chảy qua cầu, bạn cũ thầy cũ còn có dịp ngồi bên nhau, dù hạnh phúc xen lẫn ngậm ngùi, vẫn là may mắn. Chỉ thiếu mái trường năm nào. Trường cũ giờ đã xa lắm rồi. Hồi còn đi học, tôi nghe câu hát “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ/ Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi”, tự dưng thấy lòng bâng khuâng vô hạn. Nhưng học sinh cũ trở về trường xưa mà vẫn còn gặp lại thầy cũ, tức là cũng chưa xa lắm về mặt thời gian. Bây giờ, thế hệ tôi mà quay lại trường cũ, không những không gặp bạn cũ, mà thầy cô cũ cũng không còn - người về hưu, người đã qua đời, người lưu lạc chân trời góc bể.

Không gặp người cũ, chỉ thấy cảnh xưa. Mà cảnh xưa giờ cũng khác lắm. Lúc tôi về lại Thăng Bình, đi ngang trường huyện, thấy Trường Tiểu La đã không còn “những hàng dương liễu đứng ngủ mê trong nắng” như tôi từng mô tả trong truyện. Ngôi trường tôi học những năm cấp 2 bây giờ không còn giống ngôi trường trong tâm tưởng: nó thay đổi đến mức tôi không nhận ra.

Tôi cũng không nhận ra Trường Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, nơi tôi học lớp 12 ban C năm nào, lúc về giao lưu với sinh viên học sinh Đà Nẵng nhân dịp Ngày Đọc sách Quốc tế mới đây.

5. Lẽ ra tôi vào học Trường Phan Châu Trinh từ năm lớp 10. Kết thúc trung học đệ nhất cấp, bây giờ gọi là phổ thông cơ sở, ở Trường Tiểu La niên khóa 1969-1970, tôi muốn theo học ban C (ban văn chương) nhưng Trường Tiểu La ở Thăng Bình và Trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ không mở ban C. Thêm vào đó, Nguyễn Công Khế và Huỳnh Văn Hoa, hai bạn thân của tôi ở Trường Tiểu La đều xin vào lớp 10C Phan Châu Trinh nên tôi càng náo nức muốn đi Đà Nẵng học. Tôi khăn gói ra Đà Nẵng trọ nhà ông chú ở ngã ba Cai Lang chờ ngày nộp đơn vào Trường Phan Châu Trinh, đùng một cái nghe trong quê báo ra Trường Trần Cao Vân mở ban C - năm đầu tiên. Thế là tôi đành quay về Tam Kỳ học cho gần nhà và đỡ tốn kém. Hai năm sau, khi Trường Trần Cao Vân không mở lớp 12C, tôi mới có dịp trở ra Phan Châu Trinh.

Một năm học ở Phan Châu Trinh, tôi ấn tượng nhất với giáo sư môn triết Nguyễn Lương Hiền. Tâm lý học, luận lý học, đạo đức học, siêu hình học là những môn học phức tạp, khó hiểu nhưng tôi chưa thấy ai nói về những điều khó hiểu, phức tạp một cách trong sáng, khúc chiết và dễ hiểu như thầy Nguyễn Lương Hiền. Tôi tin những giờ học triết thú vị với thầy đã trang bị cho tôi một nền tảng quan trọng về tri thức để bước lên đại học cũng như bước vào nghề viết văn sau này. Giáo sư Huỳnh Ấn dạy Pháp văn thì gây ấn tượng cho tôi về một phong cách dạy học tài tử nhưng không kém hiệu quả trong truyền đạt kiến thức cho học trò. Năm đó, thầy Huỳnh Ấn hình như vừa đi tu nghiệp ở Pháp về, cách giảng dạy cũng như mối quan hệ thầy trò trong tiết Pháp văn giống phong cách tự chủ và phóng khoáng ở đại học mà sau này tôi được biết. “Ông thầy lãng tử” trong tác phẩm Những cô em gái của tôi mang rất nhiều bóng dáng của giáo sư Huỳnh Ấn. Nguyễn Công Khế và Huỳnh Văn Hoa từng trầm trồ với tôi về tài dạy văn tuyệt hay của thầy Thông lớp 10, thầy Trọng (nhà thơ Đông Trình) lớp 11, tiếc là tôi chỉ học lớp12 nên không được thọ giáo hai giáo sư nổi tiếng này. Những kỷ niệm của tôi với thành phố Đà Nẵng nói chung và Trường Phan Châu Trinh nói riêng còn nhiều nhưng tôi sẽ kể trong một dịp khác. Trường Phan Châu Trinh ơi, một thời mến yêu của tôi!

6. Như đã nói, tôi trở về Trường Phan Châu Trinh để giao lưu với học sinh sinh viên Đà Nẵng theo lời mời của Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng vào tháng 4-2010, lòng vô cùng cảm động khi trở về trường cũ, nhưng cũng có chút ngỡ ngàng thấy ngôi trường mình từng theo học đã khác xưa rất nhiều. Tất nhiên, tâm trạng tôi khác với tâm trạng người học trò trở về trường cũ trong bản nhạc ảo não tôi đã nhắc tới trên kia. Tôi không thấy “nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ”. Các ngôi trường cũ tôi từng theo học bây giờ cũng đổi thay, nhưng do xây dựng khang trang hơn, tường mái đẹp đẽ hơn, hiện đại hơn. Nhìn trường cũ lên tầng, cơ ngơi bề thế, lòng vui thì có vui vẫn không ngăn được cảm giác bùi ngùi. Y hệt anh học trò trong thơ Nguyễn Bính: Em đi phố huyện tiêu điều lắm/ Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.

Tôi ngậm ngùi rút ra kết luận: về thăm trường cũ thì không gặp thầy cũ, bạn cũ. Muốn gặp thầy cũ, bạn cũ chỉ có thể gặp ở những nơi chốn xa lăng lắc: tụ họp với nhau, mượn nhau dăm mẩu chuyện xưa làm chiếc chìa khóa vàng để mở ngăn kéo của ký ức, để mường tượng lại tiếng lao xao của các dãy bàn hay ngửi lại mùi vị của một cơn mưa chiều bên hàng hiên lớp học. Đó phải chăng là nghịch cảnh của những ai muốn lên chuyến tàu thời gian để quay về thời hoa mộng trong mỗi độ xuân về?

NGUYỄN NHẬT ÁNH

;
.
.
.
.
.