.

Trường huyện, trường phố

.

Đôi khi tình cảm không tỷ lệ thuận với độ dài của thời gian. Ngày ấy, khi quay trở về trường huyện của mình, tôi đã chợt nhận ra rằng: Trong sâu thẳm trái tim mình đã ghi dấu một mái trường phố thị mang tên Phan Châu Trinh.

Trường THPT Phan Châu Trinh trong  lễ khai giảng năm học mới 2012 – 2013.
Trường THPT Phan Châu Trinh trong lễ khai giảng năm học mới 2012 – 2013.

Cho đến bây giờ, tôi không thể nào quên cái cảm giác vỡ òa vui sướng khi cầm trên tay giấy báo tập trung vào đội tuyển Văn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm đó. Cả lớp reo hò chúc mừng làm náo động một góc sân  trường. Tôi không thể tưởng tượng được mình sẽ  như thế nào khi phải xa gia đình, bè bạn, xa trường huyện trong ba tháng để  tập trung học bồi dưỡng tại thành phố Đà Nẵng. Đêm ấy, tôi không tài nào ngủ được, thấy lo lo trong lòng. Từ nhỏ tới lúc đó tôi chưa đi đâu xa nhà lấy vài ngày huống gì phải tập trung học hành, ăn ngủ trong chín mươi ngày tại ngôi trường xa lạ.

Không hiểu vì sao đứng trước cổng Trường Phan Châu Trinh ngày ấy tôi cảm thấy xa lạ đến thế. Vì nó quá lớn so với trường làng ở quê nhà hay vì đó chỉ là nơi chúng tôi học nhờ trong thời gian ngắn? Cái khoảng cách vô hình giữa đứa học trò nhà quê cục mịch với các bạn học sinh thành phố lúc nào cũng bảnh bao, tươm tất khiến chúng tôi lúc nào cũng e ngại… Sân trường rợp đầy bóng cây cổ thụ xanh ngắt nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cây hoa phượng, loại cây của tuổi học trò. Mãi hơn tuần sau, khi bình tâm trở lại, tôi mới khám phá ra rằng phía dãy nhà xe một gốc phượng vĩ sù sì choán cả lối đi…

Buổi chào cờ đầu tiên ở ngôi trường trung học lớn nhất phố ngày đó khiến tôi choáng ngợp. Sân trường đông nghịt học sinh, ước tính phải đến hơn ngàn người. Những tràng pháo tay rộn rã chào mừng những học sinh đến “học nhờ” phần nào làm dịu đi cảm giác lo lắng trong tôi. Không lo lắng sao được khi học sinh Phan Châu Trinh luôn đạt thành tích cao trong các kỳ thi. Hôm các đội tuyển học sinh giỏi Quảng Nam – Đà Nẵng dự  kỳ thi toàn quốc tập trung tại Sở Giáo dục, chỉ loe hoe mấy mống học sinh vùng ven như Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn, Hòa Vang… còn phần lớn là học sinh Phan Châu Trinh.

Ngày đầu vào lớp mới, tôi đã kín đáo chọn chỗ ngồi ở dãy bàn cuối lớp. Mỗi lần nghĩ đến mình chỉ là khách khiến tôi cảm thấy cô đơn khủng khiếp, ngồi nhìn bâng quơ ra ngoài cửa lớp mà nhớ đến cháy lòng mái trường nhỏ nơi quê nhà. Rồi cái cảm giác cô đơn, xa lạ ấy dần dần vơi đi lúc nào không biết. Tôi đã bắt đầu thích đứng tựa vào một góc tường bên hành lang nhìn toàn cảnh sân trường vào giờ ra chơi. Học sinh túa ra từ các lớp học ngược xuôi như chiếc đèn kéo quân đêm trung thu, tất cả chỉ dừng lại khi tiếng trống vào lớp thùng thình vang vọng…

Thế rồi, dần dà tôi yêu hơn một chút lối mòn nhỏ đầy cỏ dại sau lưng hội trường. Cái mùi cỏ dại ngai ngái hương đồng nội sau cơn mưa phả vào hồn tôi chút vấn vương tuổi học trò. Dưới mái trường “học nhờ” này, dường như cái phản ứng đẩy ra trong tôi đã dần được thay thế bằng sự nhận vào một cách tự nguyện. Tôi đã không còn thấy mình là người khách xa lạ giữa tập thể lớp 12A1 như những ngày đầu…

Thời gian trôi qua, những tưởng tất cả chỉ còn là hoài niệm thì tôi bất ngờ được điều chuyển về làm cô giáo nơi mình từng học nhờ vẻn vẹn chỉ ba tháng ngày nào. Đôi lúc cái cảm giác làm học trò và làm cô giáo dưới một mái trường không khác nhau mấy. Có chăng, một bên là rụt rè, thơ dại với bao mộng ước thanh xuân; một bên là thoáng thấy trong học trò bây giờ có hình bóng mình ngày trước.

Mấy tháng nay, bạn bè khắp nơi gọi điện thoại về hỏi thăm ngày hội trường. Đôi khi tôi chẳng biết mình là học sinh trường nào nữa. Tôi đã có gần bảy năm vui buồn dưới mái Trường Trung học Hòa Vang thời thơ ấu. Nhưng không vì thế mà tôi có thể quên ba tháng làm học sinh Phan Châu Trinh. Đôi khi tình cảm không tỷ lệ thuận với độ dài của thời gian. Ngày ấy, khi quay trở về trường huyện của mình, tôi đã chợt nhận ra rằng: Trong sâu thẳm trái tim mình đã ghi dấu một mái trường phố thị mang tên Phan Châu Trinh.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.