.
XÃ GIAO THƯỜNG THỨC

Hãy nói ra

.

Nếu bạn nói ra, là bạn có thể giải tỏa được. Hãy trung thực. Hãy rõ ràng. Nhưng, hãy có lý. Và rồi, hãy im lặng. Hãy để điều thần kỳ của khoảnh khắc im lặng giúp cho sự thấu hiểu được lớn lên.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

“Sự giận dữ thổi tắt ngọn đèn của tâm trí” - Robert Ingersoll, chính trị gia, kiêm nhà hùng biện người Mỹ, từng nói như thế.

Bạn thì làm gì khi bạn giận dữ?

Một số người “giải tỏa bằng hành động”. Họ đập phá thứ gì đó. Hoặc họ nói ra điều gì đó mà về sau họ phải hối hận. Họ phản công. Những hành động đó sẽ trở thành chướng ngại vật ngăn chặn việc giao tiếp suôn sẻ.

Một số người “giải tỏa bằng cách chờ đợi”. Nhưng lảng tránh xung đột thì hầu hết không đem lại kết cục êm đềm. Rất nhiều chuyện không thể cứ thế tự hết được. Họ có thể khiến các cảm xúc giận dữ chồng chất bên trong mình.

Một số người “giải tỏa bằng cách xả ra”. Họ đá con chó con mèo, hay quát tháo trẻ con. Họ nổi cáu với người nào đó không may mắn tình cờ gặp họ. Bạn sẽ chỉ gây ra nhiều đau đớn và giận dữ hơn nữa.

Vẫn có những người khác “giải tỏa bằng cách chiến đấu”. Họ sẽ tạo ra những người chiến thắng và những kẻ chiến bại.

Bob Orben, tác giả viết hài kịch chuyên nghiệp, đồng thời là nhà ảo thuật và chuyên viết các bài diễn thuyết cho các vị lãnh đạo, nói: “Ai có thể quên được những lời nói bất hủ của Winston Churchill: “Chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên mặt đất, chúng ta sẽ chiến đấu trên chiến trường và trên phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi”? Nghe giống y như các kỳ nghỉ của gia đình chúng tôi”. Đúng là, với gia đình và bạn bè, việc chúng ta xả giận vào họ, để rồi thành cãi nhau, đã trở thành… chuyện bình thường.

Tất nhiên, cách tốt nhất là “giải tỏa bằng cách nói ra”. Không có gì mới cả - chúng ta chỉ cần đưa ra vấn đề trước khi tìm cách giải tỏa khác. Nhưng nói ra không có nghĩa là “hét ra”. Một số người có vẻ tin rằng nếu mình nói đủ to, thì mình có thể át giọng người khác và như thế sẽ khiến cho mình thành đúng.

Nói những gì cần nói một cách rõ ràng, bình tĩnh và tử tế. Nhưng “nói ra” cũng là vấn đề lắng nghe nữa. Tuy nhiên, bạn không thể lắng nghe khi bạn vẫn còn đang nói. Bạn không thể lắng nghe khi bạn còn đang mải nghĩ xem tiếp theo mình sẽ nói gì. Để lắng nghe, bạn phải im lặng.

Khi bạn im lặng, bạn bắt đầu nhìn rõ con đường của mình. Khi bạn im lặng, là bạn tạo ra không gian cho những ý nghĩ mới mẻ giữa bạn và đối phương.

Phi TUÂN (sưu tầm)

;
.
.
.
.
.