Luật công bằng tài chính (FFP) đang buộc các CLB Anh quốc tập trung tìm giải pháp để cân bằng các khoản thu so với quỹ lương. Tại cuộc thảo luận thường niên vừa diễn ra tại Stamford Bridge, hầu hết đều đồng thuận để ngăn chặn việc bóng đá tự ăn mòn chính mình, khởi đầu với quy định của UEFA về FFP.
Không lao vào thị trường chuyển nhượng nhưng Arsenal vẫn thành công với những “thương vụ” của mình cùng khởi đầu khá ấn tượng ở mùa giải này. |
Trong đó, FFP đòi hỏi, sự thua lỗ hằng năm phải được giữ ở một mức độ nhất định hay cụ thể hơn, các CLB phải điều tiết được thu - chi hợp lý. Với phương thức hoạt động ưa thích của bóng đá Anh, quy định này càng cho thấy rõ nét hơn về sự “lệch pha” giữa nguồn thu của CLB với quỹ lương.
Ivan Gazidis, Giám đốc Điều hành của Arsenal, cho biết: “Môi trường bóng đá của chúng ta từng bất hợp lý về khoản chi cho cầu thủ nhưng nay đã khác. Một số quy định của FFP hỗ trợ cho rất nhiều CLB của Premier League”.
LĐBĐ Anh đã áp dụng lập tức quy định này với một hệ thống chung cho 2 giải đấu thấp nhất.
Các CLB thuộc giải hạng Nhì đã giảm được 55-60% quỹ lương, so với doanh thu và tất cả phải đối mặt với một lệnh cấm nếu không tuân thủ quy chế. Các CLB thuộc giải hạng Nhất - cũng đối mặt với những án phạt tương tự - đang thí điểm với mức giảm 65-75% trong mùa giải này và mùa giải tới sẽ ổn định ở mức 60%.
The Championship lại thay đổi mạnh mẽ và chặt chẽ hơn, dựa trên những yêu cầu của FFP, như Paul Barber - Giám đốc Điều hành CLB Brighton - cho biết: “Về cơ bản, không thể chi nhiều hơn thu. Vì vậy, trong những năm tới đây, sẽ có sự thay đổi trong việc hạn chế tiền lương của cầu thủ, so với những khoản thu từ bên ngoài sân cỏ”.
Những quy định này không khác việc hạn chế quỹ lương.
Dave Whelan, ông chủ của Wigan, là một trong số ít những ông chủ tin rằng, một quy định như thế là thiết thực. Ellis Short - ông chủ của Sunderland - cũng ủng hộ việc hạn chế tăng lương mỗi năm, theo một tỷ lệ được quy định.
Theo các số liệu gần nhất, quỹ lương ở Queens Park Rangers, Manchester City và Aston Villa đều nhiều hơn so với khoản thu hàng năm, theo cách tiêu tiền của những ông chủ giàu có, dẫn đến thâm hụt ngân sách; vốn là điều mà UEFA đang muốn ngăn chặn.
Man City khẳng định, họ chi tiêu nhiều trong giai đoạn đầu cũng chỉ để đuổi kịp nhóm dẫn đầu. Cựu Giám đốc Điều hành Garry Cook của Man City cho biết: “Nếu nhìn vào 32,2 triệu bảng đổ vào thị trường mua cầu thủ ở phiên cuối cùng so với 98,7 triệu bảng trong giai đoạn đầu, khi tôi đảm trách công việc, có thể thấy sự thay đổi đáng kể. Thực hiện FFP sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai của giải đấu”.
Patrick Viera, hiện là Đại sứ của Man Cty và Western Union, cho biết, CLB ký hợp đồng dài hạn với các cầu thủ hiện có làm nền tảng nhưng tương lai vẫn dựa vào những cầu thủ trẻ từ học viện của Man City: “Triết lý của chúng tôi là phát triển CLB từ lứa cầu thủ trẻ. Sergio Aguero, Samir Nasri và David Silva đều được ký hợp đồng 5 năm nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh của Man City trong 2 hoặc 3 năm đầu tiên. Đây sẽ là khoảng thời gian cần thiết để các cầu thủ trẻ từng bước trưởng thành. Vì thế, trong 10 năm đến, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình mới, cùng bởi quy định của FFP”.
Theo số liệu mới nhất, mùa giải 2010-2011, chỉ có 7 CLB thuộc Premier League gồm Arsenal, Fulham, Manchester United, Newcastle, Tottenham, West Bromwich Albion (xuống hạng) và Wolves, tạo được lợi nhuận. Trong số những gương mặt chưa thực hiện thành công những quy định từ FFP, có Chelsea, Liverpool và Manchester City, mặc dù mỗi CLB trong số 20 CLB thuộc Premier League đều nhận tối thiểu 39 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình.
Một phát ngôn viên của FA cho biết: “Hiện tại, nguồn thu đã tăng trong khi, các khoản nợ giảm dần sẽ tác động để 20 CLB thảo luận để tìm ra lời giải cho các quy định về tài chính”.
NGUYÊN AN