.

Tây Sơn thất hổ tướng

.

* Trong chuyên mục “Hồ sơ tên đường” trên Báo Đà Nẵng cuối tuần trước đây tôi có đọc bài nói về Vũ Văn Dũng, một trong 7 vị tướng tài người địa phương theo nhà Tây Sơn đến cuối đời, được nhân dân Bình Định tôn là Tây Sơn thất hổ tướng. Xin quý báo giới thiệu vài nét về 7 vị tướng này. (Nguyễn Văn Tài, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Tượng thờ Thái phó Trần Quang Diệu tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Wikipedia)
Tượng thờ Thái phó Trần Quang Diệu tại Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Wikipedia)

- “Tây Sơn thất hổ tướng” là danh hiệu do nhân dân suy tôn 7 tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kỳ đầu, được Wikipedia xếp theo thứ tự: Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.

1- Võ Văn Dũng hay còn gọi là Vũ Văn Dũng (? - 1802) là người được vua Quang Trung cử đi sứ vào những thời điểm quan trọng nhất, ông cũng là một trong những tướng lĩnh trung thành cuối cùng đã chiến đấu để bảo vệ sự tồn tại của vương triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư khấu, Đại Tư khấu, Đại Tư đồ. Tước phong của Vũ Văn Dũng: Hám hổ hầu, Chiêu Viễn hầu, Vũ Quốc công.

2- Vũ Đình Tú hay còn gọi là Võ Đình Tú (? - ?) lần lượt giữ các chức: Đổng lý, Đại Đổng lý, Binh bộ Thượng thư (triều Thái Đức), Binh bộ Tham tri (triều Cảnh Thịnh), An phủ sứ Phú Yên.

3- Trần Quang Diệu (1760 – 1802) cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều Tây Sơn, nhưng không thành công, và cả hai đều bị vua Gia Long xử tội chết. Ông lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Đại Tổng quản, Trấn thủ Nghệ An, Thiếu phó.

4- Nguyễn Văn Tuyết hay còn gọi là Đinh Công Tuyết (? - 1802) lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Tư lệ, Đại Tư lệ, Trấn thủ Hải Dương, An Quảng. Ông có câu nói lưu danh: “Ra sức trừ khử sự đau khổ cho dân, vì cả cõi đời này mà tiêu diệt hết mọi bất bình, đó là sở nguyện của ta”.

5- Lê Văn Hưng (? - 1798) ban đầu chỉ là lính mộ rồi thăng dần lên. Khi Tây Sơn khởi nghĩa, ông mang hàm Đô đốc đứng sau Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Khi Tây Sơn đánh tới Nam Hà, ông được trấn giữ Diên Khánh và nhiều lần đánh bại quân Nguyễn khiến họ gọi ông là “Lê vô địch”. Ông lần lượt giữ các chức: Đề đốc, Đô đốc, Đại Đô đốc, Thái úy, Trấn thủ Diên Khánh, Bình Thuận (triều Thái Đức), Binh bộ Thượng thư, Thái úy (triều Cảnh Thịnh)

6- Lý Văn Bưu (? - ?): hay còn gọi là Lý Văn Mưu (Miêu), xuất thân trong một gia đình giàu có chuyên nghề buôn ngựa ở Bình Định. Trong số những khách mua ngựa của ông có cả đại tướng của Tây Sơn là Võ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Về sau, ông tham gia vào phong trào Tây Sơn với vai trò huấn luyện chiến mã, ngoài ra ông còn chỉ dạy cho Bùi Thị Xuân cách huấn luyện chiến mã để sau này bà áp dụng nó vào huấn luyện voi chiến.

7- Nguyễn Văn Lộc (? - ?) lần lượt giữ các chức: Đô đốc, Đại Đô đốc, Trấn thủ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Năm 1789, khi vua Quang Trung dẫn quân ra Bắc để đánh đuổi khoảng 20 vạn quân Thanh sang xâm lược thì ông được phong Đại đô đốc và nhận nhiệm vụ đốc suất tả quân, trong đó gồm có thủy quân.

Kết cục 7 vị hổ tướng này: 1 người tử trận (Vũ Đình Tú); 2 người từ quan về ở ẩn (Nguyễn Văn Lộc, Lý Văn Bưu); 2 người tận lực giúp Tây Sơn đến lúc chết (Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng); 1 người bị Cảnh Thịnh giết (Lê Văn Hưng, nhưng còn tồn nghi); 1 người bị thất tích (Nguyễn Văn Tuyết).

ĐNCT

;
.
.
.
.
.