.

Ngoại binh

.

Giảm số lượng cầu thủ nước ngoài trong thành phần ra sân của các câu lạc bộ bóng đá ở V-League là một nội dung sắp được điều chỉnh trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Ngoài thúc ép từ các cơ quan quản lý thể thao, tiến trình này có vẻ dễ nhận được sự đồng thuận của người hâm mộ Việt Nam.

Bản thân các đội bóng, trong bối cảnh khó khăn về kinh phí hoạt động và sau những kinh nghiệm máu xương từ việc nuôi nấng và sử dụng cầu thủ ngoại, cũng thấy rằng đã đến lúc cần thực thi sớm chủ trương này nếu không muốn bị khô kiệt nguồn lực chuẩn bị cho tương lai.

Từ mùa bóng 2013, VFF sẽ siết lại quy định sử dụng cầu thủ ngoại ở các CLB. (Ảnh tư liệu)
Từ mùa bóng 2013, VFF sẽ siết lại quy định sử dụng cầu thủ ngoại ở các CLB. (Ảnh tư liệu)

Ngoài chuyện phải sớm tìm giải pháp để tồn tại trong thời buổi khó khăn, sức ép rõ nhất khiến các nhà quản lý bóng đá ngồi lại tính chuyện giảm thiểu ngoại binh chắc chắn liên quan đến việc chăm chút nguồn nhân lực của bóng đá nước nhà, cơ hội thi thố tài nghệ của cầu thủ nội và chất lượng của các đội tuyển quốc gia. Thực tế cho thấy chủ trương dùng ngoại binh như một xúc tác nhằm phát triển bóng đá nước nhà qua việc nâng cao trình độ thực lực cầu thủ nội chưa cho ra đáp số rõ rệt. Ngoài một vài cầu thủ ngoại hiếm hoi hòa nhập và hòa đồng khá trôi chảy với đời sống xã hội và môi trường bóng đá Việt Nam, chất lượng về nhiều mặt của phần lớn cầu thủ ngoại đến Việt Nam hành nghề những năm qua không cao, nhiều người từng bị thải loại từ các nền bóng đá chưa mấy nổi danh ở châu Phi, Nam Mỹ. Họ không thể trở thành tấm gương về tài năng, phẩm chất để cầu thủ Việt Nam học tập. Khác biệt về phong cách, lối sống, khoảng cách không thể khỏa lấp một sớm một chiều về môi trường văn hóa cũng hình thành những hố sâu trong lòng các đội bóng. Đã xảy ra những tị hiềm, hục hặc xuất phát từ bệnh ngôi sao, từ việc các cầu thủ ngoại được các ông bầu chạy  theo thành tích chiều chuộng quá mức. Nếu có một diễn đàn giới thiệu các nỗi khổ khi dùng ngoại binh thì hẳn là diễn đàn ấy sẽ đong đầy nỗi niềm của các nhà quản lý, các huấn luyện viên của nhiều đội bóng ở V-League lúc này.

Tình trạng chiêu mộ ngoại binh bừa bãi có thời trở thành mốt thời thượng của những ông bầu chơi ngông, dùng bóng đá như một chiêu tiếp thị. Bài học cay đắng cười ra nước mắt mang tính điển hình có lẽ là chuyện Denilson - cựu tuyển thủ Brazil - về đầu quân tiền tỉ cho một đội bóng phía bắc để chỉ ra sân trong vỏn vẹn một trận. Không ngạc nhiên khi trên diễn đàn ở một nghị trường, có đại biểu đã mạnh mẽ phê phán chuyện các đội bóng dùng tiền mua sắm cầu thủ ngoại một cách bừa bãi, làm suy kiệt ngân sách địa phương trong khi bỏ bê việc chăm sóc đội ngũ cầu thủ trẻ xuất thân từ trường học, cơ sở ở quê xứ mình. Cái đích tốt đẹp của chủ trương dùng cầu thủ nước ngoài để góp phần phát triển bóng đá trong nước dường như trở nên xa lạ, mờ nhạt ở nhiều địa phương, nhiều đội bóng và cả nền bóng đá trong một số thời điểm. Chẳng nhận ra các nỗ lực tư vấn, hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời từ phía cơ quan quản lý cao nhất, công chúng có cảm giác các nhà điều hành bóng đá cũng bất lực, dửng dưng, phó mặc cho các câu lạc bộ tự bơi.

Nhiều nước trong khu vực, sau thời kỳ ngấm đòn từ chuyện sử dụng ngoại binh, đã thức thời điều chỉnh để quay về tập trung chăm sóc nguồn lực trong nước, chú trọng khâu đào tạo trẻ. Malaysia là một điển hình sống động về đích ngắm đường dài và trên thực tế đã thu đạt thành công bước đầu đáng khích lệ. Thú vị thay, trên sân Mỹ Đình cuối tuần này, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp lại đội tuyển Malaysia trong cuộc sát hạch chuẩn bị AFF Cup. Đó sẽ là một trận đấu giải đáp nhiều câu hỏi về tiến trình chăm lo, sử dụng nội lực thu hút các nhà chuyên môn.

TƯỜNG PHƯỚC

;
.
.
.
.
.