.

Những buổi học như phiên chợ chiều

.

7 giờ sáng, tiếng chuông điện của các Trường ĐH Sư phạm; ĐH Bách khoa Đà Nẵng kéo một hồi dài, báo hiệu tiết học đầu tiên. Không chút xúc cảm, nhiều sinh viên (SV) vẫn thong thả cười đùa như không biết đã đến giờ học...

Sinh viên trong một lớp của ĐH Sư phạm Đà Nẵng uể oải và bỏ ra ngoài khá nhiều dù tiết học đã bắt đầu.
Sinh viên trong một lớp của ĐH Sư phạm Đà Nẵng uể oải và bỏ ra ngoài khá nhiều dù tiết học đã bắt đầu.

Giảng viên chờ... sinh viên

Dạo quanh các lớp học vào tiết đầu tiên của buổi sáng, chúng tôi bất ngờ khi thấy nhiều giảng viên (GV) đã vào lớp, nhưng lớp chỉ lác đác vài SV. Nhiều SV uể oải nằm dài trên bàn, ngáp ngắn ngáp dài tỏ ra rất mệt mỏi. 10 phút đầu giờ, SV mới bắt đầu vào lớp, lấp dần những chiếc ghế trống. Tiếng ồn ào nói chuyện của những SV đến muộn, xen lẫn những tiếng cười khúc khích càng làm lớp học trở nên mất trật tự. Mỗi tiết học kéo dài 50 phút, nhưng SV đã chậm trễ mất 10 phút đầu giờ. Nhìn phong thái học tập của SV, không ít thầy cô giáo giảm nhiệt huyết giảng bài. Vì vậy, nhiều tiết học diễn ra tẻ nhạt. Mặc cho GV nói, SV vẫn nằm dài trên bàn và chỉ chờ hồi chuông báo nghỉ học. T.H (SV năm 4, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) bức xúc: “Thầy giáo đang tâm huyết chia sẻ bài học, SV trong lớp lại cứ nhao lên đòi nghỉ giải lao. Thấy vậy, thầy chỉ biết lắc đầu buồn bã. Nhìn cả lớp ồn ào như cái chợ mà mình thấy thương thầy quá!”.

Rất nhiều lớp học diễn ra trong tình trạng vắng mất 1/3 lượng SV. Vì GV không điểm danh, nên nhiều SV thỏa thích chìm đắm trong giấc mộng hay ngồi cà-phê “chém gió” với bè bạn. Điều đáng nói ở đây là số lượng SV đến học muộn và số lượng SV “cúp” tiết nhiều nhất chủ yếu là những SV “anh chị” sắp ra trường. Họ chểnh mảng việc học hành và xem nhẹ những giờ giảng của các thầy cô trên lớp. N.H (SV năm cuối, ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng) vô tư nói: “Thấy cũng bình thường thôi mà, SV thì phải chơi nhiều để ra trường có nhiều kỷ niệm, chứ không chơi không phải là SV”.

Đáng buồn nhất là chính SV tự làm xấu hình ảnh học tập của mình đối với GV nước ngoài. T.T (SV năm 3, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) bức xúc kể lại: “Trường mình may mắn được một Giáo sư giỏi từ Đức về dạy Phát triển du lịch miền Trung Việt Nam. Buổi học được thông báo từ 8 giờ nhưng phải 8 giờ 30, các bạn SV mới đến dự đông đủ. Sự chậm trễ đó biến hình ảnh năng động, tự tin của SV trở thành một hình ảnh xấu trong mắt thầy giáo”.

Giảng viên “ra tay”

SV có thể viện dẫn hàng trăm lý do để đến muộn trong các giờ học. Kẹt xe, bạn ốm phải chăm sóc, xe thủng lốp, trường thay lịch học mà chưa kịp nắm... là những lý do phổ biến nhất. Thực tế, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là ý thức của chính SV. Biết là mai phải học sớm, nhưng nhiều SV vẫn mải mê với facebook, chat Yahoo, chơi điện tử và nhậu nhẹt tới khuya, thậm chí cả đêm. Những buổi chơi quá đà đã làm SV quên đi nhiệm vụ học tập. Mệt mỏi rã rời vì sức khỏe bị ảnh hưởng hoặc không thể từ bỏ các cuộc chơi, nhiều SV chấp nhận việc vào lớp muộn hay nghỉ học như một lẽ tự nhiên. Cô P.H (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) tâm sự: “Nhiều SV năm cuối mà vẫn còn lơ là việc học tập, họ cho rằng học tín chỉ nên không nhất thiết phải lên lớp. Thực tế thì những giờ học trên lớp không bao giờ là thừa cả, việc vắng học thường xuyên hay ngủ gật trên lớp của các bạn không chỉ ảnh hưởng đến kiến thức mà nó còn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với người giảng dạy”.

Trước tình trạng này, các trường và nhiều GV đã chủ động “ra tay”, để lớp học luôn đông đủ và đúng giờ. Mới đây, Đoàn Trường Đại học  Sư phạm Đà Nẵng thành lập các nhóm kiểm tra trang phục học đường và theo dõi giờ học của các lớp. Ông Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “SV nào vắng sẽ bị trừ điểm chuyên cần và điểm rèn luyện, còn SV mang không đúng trang phục học đường sẽ mời ra khỏi lớp và trừ vào điểm ý thức rèn luyện của các bạn. Nếu các bạn tái phạm nhiều lần, phải chịu hình thức kỷ luật cao hơn”. Bên cạnh đó, nhiều GV bảo đảm lớp học đúng giờ bằng cách điểm danh đột xuất trong các tiết học. Sự chậm trễ của SV sẽ bị trừ vào điểm chuyên cần, một số thầy cô nghiêm khắc không cho vào lớp nếu như SV đến học không đúng giờ.

Thầy giáo N.T.V (Giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đưa ra một trong những nguyên tắc giảng dạy: “Đến giờ vào lớp, bạn nào còn đi trễ thì đừng nên vào, vì như vậy sẽ làm lớp học mất trật tự. Còn sự vắng mặt vô lý của các bạn trong buổi học sẽ bị trừ điểm chuyên cần, vắng trên 3 buổi học sẽ bị cấm thi”. Còn cô giáo Y.M (Giảng viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng) thì đặt ra yêu cầu với các lớp trước khi bắt đầu môn học: “Các bạn siêng năng phát biểu sẽ được cộng thêm vào điểm kiểm tra. Tôi sẽ không điểm danh liên tục, nhưng khi đã điểm danh mà bạn nào vắng mặt sẽ bị trừ vào 2 điểm giữa kỳ”.

NGUYỄN QUỲNH ANH

;
.
.
.
.
.