.
TRUYỆN NGẮN

Cuốn sách học vần

.

Từ dạo vào hè đến nay, tự dưng tôi có một thói quen khó chữa. Hằng ngày, vào lúc chạng vạng, thế nào tôi cũng ra ngã ba sông, thả bộ trên con kè đi xuôi độ cây rưỡi số, rồi mới quay lui. Về tới điểm xuất phát, tôi hít hít, thở thở. Tôi vặn cổ, vặn lưng. Tôi vung tay xoãi chân, múa may quay cuồng nom rất ra dáng con nhà võ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng đó là nói về chuyện mấy hôm trước, chứ hôm nay tôi đâu làm được thế. Hôm nay, mặc dầu vẫn thả bộ trên con kè ven sông đi xuôi cây rưỡi số như mọi bận, nhưng khi quay trở lui mới đi chưa được nửa đường, thì tự dưng đôi bàn chân tôi nặng như đá đeo, không thể tiếp tục đi thêm được nữa. Tôi đành đặt dép ngồi xuống ven lề đường, rồi xoa xoa bóp bóp, rồi duỗi duỗi co co, phải mất đến mươi phút đôi chân tôi mới trở lại bình thường. Nhưng bây giờ gió biển thổi vào lồng lộng khiến tôi chẳng thiết đi đâu nữa. Tôi mở hàng cúc áo tận hưởng cái khoái cảm được ngọn gió nôm mát rượi mơn man trên thịt da sau một ngày hè oi bức ngột ngạt. Bóng những ngọn đèn điện bên trái, bên phải, và trước mặt tôi dọi xuống nước có hình những chiếc cột dài lóe sáng đủ tất cả các sắc màu xanh vàng tím đỏ, tự dưng lại làm tôi liên tưởng đến những đền đài nguy nga trong các chuyện huyền thoại. Rồi những chiếc cột đa sắc ấy, một biến thành hai, hai biến thành bốn, và cùng xiêu vẹo méo mó, gãy gục, tan biến vào mặt nước sóng gợn lăn tăn. Trong mơ hồ, tôi nghe có tiếng cười khúc khích. Tiếng cười mỗi lúc một rõ dần, lẫn trong tiếng sóng vỗ ùng ục dưới chân kè đá.

- Chào anh bạn. Chẳng hay có điều gì buồn phiền mà anh bạn đến đây ngồi trầm tư một mình vậy?

Một chú bé như từ trên trời sa xuống, ngồi ngay bên phải tôi. Chú ta mặc quần đùi, áo cộc tay. Trên hai đầu sợi dây rút quần, chú ta buộc hai đồng xu kim loại thõng xuống tận đất, nom rất ngộ nghĩnh.

Hình như anh bạn là thầy giáo thì phải? – Chú bé lại toét cái miệng có đến bốn năm chiếc răng sún ra cười – Này, nếu anh bạn đúng là thầy giáo thì cho tớ một cuốn sách học vần, loại sách “i, tờ” ấy mà. Ngày xưa, tớ cũng có một cuốn sách “i, tờ” mới ơi là mới. Nhưng tớ chưa kịp mang đến lớp mẫu giáo khoe với chúng nó, thì cháy mất tiêu.

- Thế bố mẹ không mua cho cuốn khác à?

- Họ làm chi ra tiền. Với lại, loại sách học vần ấy bây giờ hiếm lắm. Cậu sẵn sàng biếu tớ một cuốn chứ? Bao giờ tìm được, cậu mang ra đây cho tớ nhé!

Tôi gật đầu:

- Được thôi, một cuốn sách học vần thì có gì là khó. Nhưng này, hãy bỏ cái lối xưng hô bạt mạng “cậu, tớ” ấy đi nhé.

Chú bé chẳng những không tỏ ra hối lỗi, mà còn vênh váo:

- Hẳn đằng ấy tưởng tớ đang còn ít tuổi lắm, nên định bắt tớ gọi bằng “chú”, xưng “cháu”, chứ gì?

- Bằng “chú” còn là may, đáng tuổi thì phải gọi bằng “bác” mới đúng.

- Bằng “bác” hê hê - chú bé nhún vai cười khiêu khích - Ừ thì gọi “bác” cho tình cảm nhé. Vậy theo “bác” thì “cháu” bây giờ độ mấy tuổi nào?

Tôi xẵng giọng:

- Sáu tuổi là cùng chứ mấy!

- Hê hê… xin “bác” hãy nhân con số đó lên sáu lần. Làm xong phép tính, chắc “bác” sẽ phì cười. Vì hóa ra hai “bác”, “cháu” ta xấp xỉ tuổi nhau.

- Tếu vừa với chứ. Ai lại ba sáu, ba bảy tuổi trên đầu rồi mà bé bằng hạt mít, giọng nói non choẹt!

Cặp mắt tinh nghịch của chú bé chợt buồn rũ xuống:

- Vì tớ… không lớn nổi mà…

- Nói cái gì mà nghe lạ thế hả?

- Đúng thế. Đã mấy chục năm nay, tớ chẳng lớn thêm được tý nào cả.

Tôi căng mắt nhìn như cố quan sát cho rõ hơn sinh vật kỳ lạ này, rồi cười ré lên:

- Không lớn nổi hả? Bốc phét giỏi đấy. Nhưng không lớn nổi thì cũng già đi chứ?

- Cũng không già nổi. Đúng thế.

Tôi lại sắp ré lên cười, thì bị một người đi ngang qua giẫm vào chân đau quá, không cười được. Lát sau, tôi ngoái lại, thì chú bé đã đi đâu mất.

Giữ đúng lời hứa với chú bé, ngay sáng hôm sau, tôi đến hiệu sách trong phố, tưởng tìm ngay được một cuốn sách học vần. Nào ngờ, hết ngày hôm đó, rồi nhiều hôm sau nữa, và cũng chẳng phải một mình, mà tôi còn nhờ đến hai anh bạn góp công lùng sục, vẫn không tìm ra, chỉ vì một lý do đơn giản: Loại sách “i, tờ” như chú bé đòi hỏi là loại quá cũ, chỉ được in ra cách đây vài chục năm, còn sau này, thì sách học vần là loại khác hẳn. Rất may em gái tôi vốn là cô giáo, có một tủ sách chứa đủ các loại thượng vàng hạ cám, và tôi gần như tắm mình trong bụi của nó, để cuối cùng lôi ra được một cuốn sách học vần loại “i, tờ”, dĩ nhiên chẳng còn mới, nhưng không rách tờ nào, làm tôi reo lên như bắt được vàng.

Tối hôm đó, tôi mang sách ra bờ sông, tìm đến đúng chỗ cách đây mươi hôm hai chúng tôi gặp nhau, ngồi đợi chú bé. Tôi đã ở đó suốt từ tám đến mười một giờ đêm, ngoài việc đưa mặt, đưa chân ra cho bọn muỗi mắt nhiều như cát đến bâu mà đập cho sướng tay, tôi chẳng còn làm được gì khác. Tình trạng ấy kéo dài đến nửa tháng trời, tôi đâm ra tự trách mình, sao bữa đó không hỏi tên và địa chỉ của chú bé, để bây giờ cơ cực thế này!

Rồi một đêm đi ra bờ sông, đúng chỗ hôm nào chuyện trò cùng chú bé nọ, tôi thấy một cụ già đang thắp đèn, đốt nhang, và lầm rầm khấn khứa trước một mâm xôi gà đặt trên kè đá. Linh tính mách bảo tôi: Giữa cụ già này và chú bé nọ có dây mơ rễ má với nhau.

Chờ cụ già cúng quảy xong, tôi đến gần, thẽ thọt:

- Cháu hỏi có điều gì không phải, xin cụ bỏ qua. Chẳng hay… trong đám cháu nội, cháu ngoại của cụ có đứa nào độ sáu bảy tuổi, mặt mũi sáng sủa, dễ thương, và rất thèm có một cuốn sách học vần loại “i, tờ”, không ạ?

Cụ già nhìn như đóng đanh vào mặt tôi:

- Chú gặp nó ở đâu?

- Tại chỗ này, cách đây gần một tháng, cũng vào giờ này.

- Ngoài mấy đặc điểm như chú vừa kể, đứa bé ấy có gì đáng nói nữa không?

- Thưa cụ, trời tối cháu nhìn không rõ. Hình như… Trên hai đầu sợi dây rút quần của chú có hai đồng xu buộc lủng lẳng.

- Thôi chết, đúng nó rồi!

- Ai vậy? Cháu cụ chứ?

- Không. Nó là con tôi!

- Bây giờ em ở đâu? - Tôi lại hỏi.

- Chết rồi! Nó đã chết rồi!

- Chết hôm nào?

- Lâu lắm rồi. Ba mươi năm rồi kia. Hôm nay đúng là ngày giỗ lần thứ ba mươi của nó đấy.

Đang giữa mùa hè, nhưng tôi tự nhiên rét run lên, nổi gai ốc đầy mình.

Cụ già vừa nói vừa nuốt khan nước bọt:

- Đúng hôm nay, ba mươi năm về trước, là ngày khai trường của niên khóa 1966-1967, thằng cu Tũn nhà tôi đi đến lớp mẫu giáo với cuốn sách học vần “i, tờ” mới tinh trong tay, khi ngang qua đây, thì bị máy bay giặc Mỹ nhào xuống bắn chết!

- Đây là thực hay mơ? - Tôi hỏi như người mộng du - và cái sự kiện cậu bé hôm nọ đã đến với tôi ấy, là mơ hay thực?

- Sự thực đó chú ơi. Thằng bé tôi nó chết lúc chưa kịp cắp sách đến trường, nên cái hồn nó thiêng. Thỉnh thoảng nó lại hiện về vậy đó.

Bất giác tôi ứa nước mắt.

Tôi xin phép cụ già thắp cho cậu ấy một tuần nhang. Tôi vái lạy cậu. Và từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tôi mới lầm rầm khấn khứa:

- Hỡi người bạn đồng tuế không lớn nổi của tôi, cuốn sách bạn cần tôi đã tìm ra. Sống khôn thác thiêng, xin bạn về ngay để nhận lấy nó.

Tôi rút cuốn học vần “i, tờ” từ trong ống tay áo ra, châm vào ngọn đèn Hoa Kỳ. Đợi sách bén lửa, tôi hoa lên thành những vòng tròn sáng loáng. Và đúng vào lúc mấy tàn tro cuối cùng được gió cuốn đi, rơi chập chờn trên mặt sóng nhoáng nhoàng ánh điện, tôi lại nhìn thấy một lần nữa người bạn đồng tuế không lớn nổi của tôi như từ trên trời sa xuống, tay cầm cuốn sách học vần, bước đi tung tẩy, và nhìn tôi cười mãn nguyện.

HOÀNG BÌNH TRỌNG

;
.
.
.
.
.