.
TRUYỆN NGẮN

Tiền của người giàu

.

Không phải bỗng dưng bọn trẻ “vạch” ra kế hoạch ấy, mà bắt đầu từ việc mỗi buổi chiều đi học về chúng đều phải ngang qua trung tâm thị trấn, đương nhiên là phải qua cả khu chợ bày bán la liệt các sạp hoa quả tươi roi rói, rồi lại phải băng qua những chiếc xe hàng quà rong nóng hôi hổi đượm mùi mỡ rán cháy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bọn trẻ không thể cưỡng lại nổi sự mê hoặc trên phố, nhưng chúng không có tiền để đến gần những thứ xa xỉ ấy.

Chuyện bắt đầu từ thằng Pao, là đứa lớn nhất hội nên nó đã nhận lời thách của bọn trẻ là dám đến gần hàng quà xúc xích nướng hỏi xem người ta bán bao nhiêu tiền một chiếc. Bọn trẻ bàn bạc với nhau thật kỹ lưỡng, thằng Pao rón rén tiến đến chỗ chị bán đồ chiên rán, những đứa còn lại thì đứng từ xa hồi hộp quan sát, chúng thấy nó mấp máy miệng nói với chị bán hàng, chị ta gật gật đầu và tủm tỉm cười, rồi thằng Pao chạy ù về thở hổn hển thông báo với bọn trẻ, cả mấy đứa moi hết tiền lẻ trong túi gom góp lại, đứa năm trăm, đứa một nghìn nhưng chưa đủ mười để có thể chung nhau một cái xúc xích, nên chúng đành kéo nhau về với ánh mắt thèm thuồng luyến tiếc.

Nhà bọn trẻ ở tít trong làng, từ thị trấn trung tâm xã còn phải đi qua cánh đồng và đi tắt một khu rừng bạch đàn, băng qua một con suối nhỏ mới đến. Tiếng kêu chí chóe của cầy cáo mắc bẫy khiến bọn trẻ phấn khích, chúng chạy nháo nhào tới thăm chiếc bẫy mà buổi sáng đi học đã đặt vào chỗ có dấu chân thú đi lại. Một con Bạc má to hơn con mèo lớn đang cố gắng giãy giụa để thoát khỏi chiếc bẫy. Bọn trẻ reo lên sung sướng, bụng đứa nào cũng đang sôi ùng ục, nếu có lửa ở đây lúc này chúng sẽ thui con bạc má và nướng luôn đánh chén, nhưng lục tung hết trong mấy cái cặp sách cũ kỹ không tìm được một que diêm nào còn sót lại.

Vẫn thằng Pao lớn nhất trong hội đề nghị đem con Bạc má này về nhà cho người lớn làm thịt rồi chia đều, nhưng suy đi tính lại, con vật thì nhỏ mà chia những bằng ấy phần thì không bõ bèn, nên nó đành nhăn mặt mặc kệ bọn trẻ ngồi ríu rít tranh cãi cách xử lý con cầy như thế nào. Thằng Pao suy nghĩ một hồi rồi đưa ra ý kiến và được cả bọn đồng tình ủng hộ ngay.

Bọn trẻ buộc bốn chân con Bạc má vào một đoạn cây. Sau khi chụm đầu hội ý chúng quyết định sẽ đem con thú đến bán cho ông Phung, một người buôn hàng tươi sống ngoài thị trấn. Nhưng đứa nào cũng muốn một mình một cái xúc xích nướng mà cầy Bạc má thì người ta chỉ mua giá mười nghìn là đắt lắm, thế nên bọn trẻ đã “vạch” ra một kế hoạch bí mật và theo chúng thì thật hoàn hảo, thằng Pao khẳng định một trăm phần nghìn chiều nay cả bọn sẽ được mỗi đứa một cái xúc xích nướng ngon ơ, bọn trẻ hào hứng bắt tay luôn vào thực hiện “kế hoạch” đặc biệt hồn nhiên ấy.

Ka đã lên mười hai tuổi nhưng người thấp lại đậm đậm như một cây nấm, đấy là những người bạn hay hàng xóm nhà Ka tả về cậu như thế, vì còn nhỏ nên Ka không mấy chú ý đến điều đó, cuối buổi đi học về sau khi ném chiếc cặp sách nặng trĩu sách vở và đồ ăn mẹ chuẩn bị cho mỗi buổi sáng nhưng suốt cả ngày cậu không đụng đến vào trong căn phòng nhỏ xinh xinh mà bố mẹ giành riêng cho con trai độc nhất, Ka lại lủi thủi chơi một mình, vốn tính nhút nhát nên cậu chỉ dám đứng trong cổng có hàng rào sắt nhìn về phía đám trẻ con hàng xóm lăng xăng giữ trái bóng nhựa không cho lăn khỏi chân, Ka thích thú cảnh đó và rất muốn được chơi cùng nhưng mẹ đã dặn đi dặn lại là không được một mình ra ngoài đường.

Bọn trẻ gõ cổng sắt rầm rầm, chúng lắc qua lắc lại cánh cổng cho đến khi Ka hoảng hốt chạy tới, cậu nhận ra năm đứa bạn học cùng lớp nhà ở trong làng, lếch tha lếch thếch kéo nhau đến trước cửa nhà mình, cậu cố ngăn lại nhưng không được vì cánh cửa cổng sắt không cài then, chúng mang theo một con cầy Bạc má bị sập bẫy muốn bán cho bố Ka, ông chủ mua hàng tươi sống nổi tiếng trong thị trấn. Lũ trẻ không chú ý đến khuôn mặt Ka tá hỏa vị sợ bố mẹ mắng đã cho bọn trẻ con nghèo vào trong cổng nhà, thằng Pao giương mắt hỏi cậu:

- Có mua con này không?

- Bố tau không mua cầy Bạc má đâu, hôi lắm!

- Bọn tau bán ít tiền mà! - Thằng Pao năn nỉ.

- Ít tiền cũng không mua, chúng mày không mang đi thể nào cũng bị bố tau chửi.

Thấy Ka với đám trẻ con ồn ào dưới gầm sàn, ông Phung ló đầu qua cửa sổ trên nhà quát xuống.

- Cái gì đấy Ka?

- Chúng nó bán cầy Bạc má! - Ka nói với bố nó xong quay lại với bọn trẻ - Bố tau không mua cái loại cầy hôi này đâu.

- Có mua cầy Bạc má không? - Thằng Pao ngước lên nhìn ông Phung như để kiểm chứng lời của Ka.

- Năm nghìn, không bán thì đi chỗ khác!

- Mười nghìn chúng nó mới bán! - Thằng bé nhìn lũ trẻ rồi ngước mắt lên mặc cả.

Ông Phung mặc áo và đi xuống theo lối cầu thang ngoài.

- Mày bán năm nghìn cho tao, tao bán lại cho họ có tám nghìn.

- Ăn lãi nhiều thế!

- Có bán không?

- Mười nghìn.

- Thôi tao đi bán hộ chúng mày vậy.

Ông Phung giúp thằng bé gỡ con cầy Bạc má thả vào một chiếc lồng gỗ, con vật bị gãy một chân do trúng bẫy, nó nhảy lòng vòng rồi nằm nép vào góc lồng, mùi tanh tưởi phát ra nồng nặc. Ông Phung rút mười nghìn trong xấp tiền đưa cho thằng Pao, nó tròn mắt hỏi trống không:

- Có mỗi một tờ à?

- Thế mày còn đòi mấy tờ?

- Con cầy này của năm đứa bắt được, sao mày chỉ trả tiền cho tau?

- Cái gì nữa?

- Tau nói là con cầy này mày phải trả mỗi đứa chúng tau mười nghìn.

- Mày bị điên à? Một con cầy hôi, bắt tao trả mỗi đứa chúng mày mười nghìn?

- Ờ, mày đồng ý rồi chúng tau mới bán mà.

- Mang của chúng mày đi, trả tiền lại cho tao! - Ông Phung tức giận mở cửa chiếc lồng dốc ngược xuống.

Con Bạc má được đà phóng ra ngoài, mặc dù một chân trước của nó còn đang rướm máu. Lũ trẻ lao nhao đuổi theo con thú, thấy vậy Ka cũng chạy theo giúp, cậu hòa mình vào cảm giác như đang được tham gia trò đuổi bắt với đám bạn trong làng mặc dù ngày ngày vẫn gặp chúng trên lớp, nhưng đám này luôn chơi một nhóm riêng chứ không thích hòa đồng với những bạn cùng ở thị trấn như Ka, chúng được chơi đùa và hò hét thoải mái đến khi mặt đỏ bừng, trán lướt mướt mồ hôi. Ka thường nấp sau gốc cây khế cổ thụ nhìn ra với ánh mắt khao khát muốn được như thế, nhưng quần áo trên người cậu mặc đắt tiền, chân tay lại dễ bị trầy xước, trước khi đi học lúc nào mẹ chẳng nhắc đi nhắc lại chuyện đó, vả lại đám bạn trong làng cũng chẳng bao giờ cho Ka chơi chung vì giữa cậu và chúng có một khoảng cách trẻ thơ rất rõ ràng, Ka là con của nhà giàu. Giờ thì cậu đang chính thức được hòa cùng đám trẻ, nếu bắt được con Bạc má cho chúng rất có thể ngày mai cậu sẽ được chơi chung.

Bọn trẻ không nghĩ như Ka, một loáng chúng đã bắt được con vật và dùng dây trói chân nó lại. Thằng Pao tay vẫn cầm đồng tiền mười nghìn mếu máo nhìn ông Phung.

- Mày trả tau có một tờ này sao đủ tiền mua năm cái...?

- Thằng kia sao mày lắm điều thế? - Ông Phung nãy giờ đứng theo dõi bọn trẻ đuổi bắt con cầy Bạc má, giờ ông đi tới giật lại tờ tiền trong tay Pao.

- Đem ngay con Bạc má cút khỏi đây, không thì tao nện cho bây giờ!

Đám trẻ con tá hỏa, có đứa đã mếu máo, chúng nháo nhác khiêng con vật bị trói ra khỏi cổng. Thằng Pao vẫn là đứa bạo dạn nhất, nó ngoái cổ lại nói như van lơn với ông Phung.

- Ừ thì mười nghìn, mày đi bán hộ chúng tau không được à?

Ông Phung đã đi vào trong từ lâu. Ka vẫn lấm lét nhìn theo đám bạn, cậu rất muốn nói với chúng tường nhà mình được xây cách âm, đứng ngoài này nói thì ở bên trong nhà bố không thể nghe thấy được, nhưng lưỡi của Ka bỗng dưng cứng lại. Đám trẻ thay nhau khiêng con Bạc má lũi cũi đi qua những gánh hàng quà thơm phức ngoài đường thị trấn, chúng “không ngờ “moi tiền” của người giàu lại khó đến thế!”.

LÝ A KIỀU

;
.
.
.
.
.